Tại hội thảo khoa học quốc tế "Ngôn ngữ học Việt Nam, 30 năm đổi mới và phát triển" do Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được các nhà khoa học tập trung thảo luận là sự thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt hiện nay. 

Mối nguy từ việc sử dụng tiếng Việt tùy tiện, thiếu chuẩn mực

Một Thế Giới | 05/09/2015, 10:15

Tại hội thảo khoa học quốc tế "Ngôn ngữ học Việt Nam, 30 năm đổi mới và phát triển" do Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, một trong những vấn đề được các nhà khoa học tập trung thảo luận là sự thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt hiện nay. 

Thực trạng đáng báo động 
Theo nhận định của nhiều nhà ngôn ngữ học, tiếng Việt đang bị sử dụng hết sức tùy tiện, nhất là trong giới trẻ. Bất cứ lúc nào giới trẻ cũng có thể chen từ nước ngoài vào, ví dụ "Thật là pro" (thật là chuyên nghiệp), "No vấn đề" (không vấn đề gì)… Cách diễn đạt cũng rất "lạ", chỉ một câu ngắn mà pha trộn... bao sự sai: "Tao mệt wa chơj lun. Maj kju tuj nó đi trước đi!" (Tao mệt quá trời luôn. Mày kêu tụi nó đi trước đi)… Có quá không khi có người nhận định rằng việc sử dụng tiếng Việt một cách vô trách nhiệm đã dẫn đến cách hiểu thứ ngôn ngữ chúng ta đang dùng hằng ngày "tựa như một mớ hổ lốn"? 
Không chỉ lệch chuẩn về mặt từ ngữ, trong sử dụng tiếng Việt còn bị sai ngữ pháp một cách phổ biến. Theo các nhà ngôn ngữ, đặc điểm lớn nhất của ngữ pháp tiếng Việt là trật tự từ. Một câu như "Tôi ăn cá" sẽ hoàn toàn khác so với "Cá ăn tôi". Mặt khác, người ta sẽ không nói "Cá được ăn bởi tôi", cũng như không phải là thuần Việt nếu nói "chương trình này nhận được sự tài trợ của nhãn hàng Vinamilk". Thế nhưng cách nói này đang trở nên phổ biến. Thậm chí, ngay cả trên những tấm pa nô được lắp dựng trên đường cũng có những câu được viết theo kiểu Tây, ví dụ như "Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy" thay vì "Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm". Thực tế cho thấy ở mọi lúc, mọi nơi đều có hiện tượng sử dụng tiếng Việt thiếu chuẩn hoặc sai về ngữ pháp. Nhiều người biết sai nhưng vẫn nói, miễn người khác hiểu là được. 
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới nên sự xâm nhập của các hình thức văn hóa và ngôn ngữ từ nước ngoài là điều tất yếu. Thế nhưng chúng ta lại chưa hướng dẫn người dân, đặc biệt là giới trẻ, sử dụng "yếu tố ngoại" như thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu giao tiếp, vừa bảo vệ được văn hóa truyền thống của dân tộc. Không những thế, chúng ta còn tạo kẽ hở cho các ngôn ngữ có ưu thế lấn át tiếng Việt. Một bằng chứng đơn giản là tất cả các cơ quan, kể cả cơ quan nhà nước, khi tuyển dụng lao động đều đưa ra yêu cầu về trình độ ngoại ngữ mà không một cơ quan nào đặt ra yêu cầu về trình độ tiếng Việt cũng như khả năng sử dụng chúng. 
Bảo vệ bằng cách quảng bá ra thế giới

Theo TS Hồ Xuân Mai (Trung tâm Nghiên cứu ngôn ngữ học, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), các hình thức bảo vệ tiếng Việt như ngăn chặn nguy cơ, biểu hiện trái với văn hóa truyền thống hay tăng cường quản lý, phổ biến, tuyên truyền, vận động toàn dân sử dụng tiếng Việt... là cần thiết nhưng chưa đủ. Muốn bảo vệ tiếng Việt một cách hiệu quả thì cần phải quảng bá nó đến các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. 
Thực tế cho thấy là hiện nay, không tính đến những thứ tiếng đã có mặt từ lâu như tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung..., tại rất nhiều trường đại học của Việt Nam hiện có khoa, bộ môn giảng dạy những thứ tiếng "khá mới" như Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản… Có điều này là do các quốc gia có thứ tiếng nói trên đã làm tốt công tác quảng bá văn hóa và ngôn ngữ của họ ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam. "Liệu các trường đại học tại những nước này có bộ môn tiếng Việt hay không? Có bao nhiêu nước học và nghiên cứu văn hóa Việt Nam cũng như tiếng Việt? Chúng ta dễ dàng mua các loại sách viết bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Nhật, Hoa, vậy, liệu ở những quốc gia này có thể tìm sách bằng tiếng Việt, nói về Việt Nam dễ dàng như vậy hay không?" - TS Hồ Xuân Mai đặt câu hỏi. 
TS Hồ Xuân Mai cho biết hầu hết học sinh hiện nay học tiếng Việt nhằm tìm kiếm cơ hội học cao hơn sau khi tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, vì mục đích là tìm việc làm, học bổng và du học nên họ chọn học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh chứ ít người có nhu cầu học tốt, học sâu, bỏ công nghiên cứu về tiếng Việt. Thêm vào đó, chúng ta chưa có văn bản quy định ai đó có vi phạm trong việc sử dụng tiếng Việt thì sẽ bị xử phạt, mức độ xử phạt như thế nào và cơ quan nào chịu trách nhiệm phạt… nên tiếng Việt lại càng bị dùng sai nhiều.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, trong thời gian vừa qua Việt Nam đã tổ chức mô hình hoạt động "Ngày văn hóa Việt Nam" ở nhiều quốc gia như Nhật, Nga, Pháp… nhưng hiệu quả quảng bá còn khiêm tốn do chỉ loay hoay với áo dài, áo bà ba, chiếc nón lá và một vài món ăn, một vài làn điệu dân ca. Nếu chúng ta đa dạng hóa hình thức quảng bá và tổ chức hẳn "Ngày tiếng Việt" ở các quốc gia thì hiệu quả về quảng bá văn hóa và ngôn ngữ chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. 
Tại hội thảo, không ít nhà ngôn ngữ học cũng nêu ý kiến rằng trong khi chờ đợi sự ra đời của Luật Ngôn ngữ, chúng ta cần thay đổi hoạt động giảng dạy và giáo dục tiếng Việt cho học sinh từ cấp tiểu học, THCS đến THPT. Các thầy cô giáo phải phân tích kỹ và xây dựng một ý niệm về ngữ pháp chuẩn cho học sinh vì chỉ như thế thì chúng ta mới có thể khơi dậy ý thức bảo vệ được tiếng Việt, giúp cho ngôn ngữ tránh khỏi sự tấn công của các ngôn ngữ có nhiều ưu thế. 
Một chuyên gia ngôn ngữ học của Hà Nội cảnh báo nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng sử dụng sai tiếng Việt sẽ khiến ngôn ngữ của thế hệ trẻ càng ngày càng lệch chuẩn. Khi các em lớn lên, sự sai lệch đó sẽ được áp dụng hằng ngày, có thể dẫn tới sự thừa nhận trong phạm vi rộng và như vậy là chúng ta sẽ phải đối diện với cái sai mang tính hệ thống. Lúc đó, việc sửa sai là vô cùng khó khăn.
Theo Lâm Vũ/Báo Hà Nội Mới 

Bài liên quan
Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) do người Việt huấn luyện bứt phá trên bảng xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU
Ngày 10.1.2025, Zalo AI công bố Báo cáo tình hình phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model - LLM) tiếng Việt trong năm 2024 dựa trên nền tảng đánh giá và xếp hạng năng lực tiếng Việt VMLU (Vietnamese Multitask Language Understanding Benchmark Suite for Large Language Models).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mối nguy từ việc sử dụng tiếng Việt tùy tiện, thiếu chuẩn mực