Cuộc gặp cuối tuần giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc là cơ hội bày tỏ tình đoàn kết cùng nhau chống lại điều mà họ gọi là bá quyền Mỹ.

Mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ Nga - Trung đứng trước thử thách

Cẩm Bình | 15/09/2022, 11:23

Cuộc gặp cuối tuần giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc là cơ hội bày tỏ tình đoàn kết cùng nhau chống lại điều mà họ gọi là bá quyền Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị đến Uzbekistan dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Mỗi nhà lãnh đạo đến với chương trình nghị sự với khó khăn của riêng mình, thử thách mối quan hệ song phương được mô tả là quan hệ đối tác “không giới hạn”.

Diễn biến bất lợi gần đây trên chiến trường Ukraine và thiệt hại kinh tế gây ra bởi trừng phạt phương Tây khiến hỗ trợ từ Trung Quốc trở nên quan trọng với Nga hơn bao giờ hết. Trung Quốc nay là khách hàng mua rất nhiều hàng hóa Nga, đem lại nguồn tài chính lớn cho chính quyền Tổng thống Putin.

Trong khi đó, Trung Quốc cần phải thể hiện sức mạnh trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Mỹ và không thể để đối tác Nga chịu thất bại. Nhưng trợ giúp quá nhiều về kinh tế hay quân sự sẽ đem lại nguy cơ phương Tây áp đặt trừng phạt thứ cấp, khiến kinh tế Trung Quốc thêm khó khăn.

Giáo sư Rana Mitter thuộc Đại học Oxford nhận định: “Trung Quốc đang “đi trên dây” một cách tinh tế với Nga. Nhìn chung thì họ thể hiện ủng hộ lớn dành cho Nga, nhưng nhận thấy rằng tích cực ủng hộ một cuộc tấn công quân sự lại quá nhạy cảm về chính trị và muốn Moscow giải quyết vấn đề bằng cách khác”.

Giữ gìn hình ảnh rất quan trọng đối với Chủ tịch Tập Cận Bình khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc sắp đến. Chuyến công du Uzbekistan và Kazakhstan tuần này là lần đầu tiên ông Tập ra nước ngoài sau hơn 2 năm đại dịch, cho thấy ông xem trọng quan hệ Trung - Nga đến mức nào. Cuộc gặp Tổng thống Putin trao cho Chủ tịch Tập Cận Bình cơ hội thể hiện mình là chính sách toàn cầu trong mắt người dân Trung Quốc.

Nga cũng đem lại sự ủng hộ cần thiết cho Trung Quốc. Khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sang thăm Đài Loan, Điện Kremlin lập tức lên tiếng chỉ trích đây là hành động khiêu khích đồng thời cam kết tuyệt đối đứng về phía Bắc Kinh.

charussia.jpg
Hai nhà lãnh đạo Nga - Trung sắp gặp nhau - Ảnh: Getty Images

“Trung Quốc sẽ tránh can dự quân sự ở bất cứ mức độ nào”

Hiện tại, Trung Quốc vẫn phải đắn đo giữa việc tăng cường giúp đỡ Nga hay để Nga tự xử lý khó khăn trước mắt. Dường như quốc gia châu Á quyết tâm duy trì hỗ trợ kinh tế mà không công khai vi phạm trừng phạt hay hỗ trợ quân sự lớn.

Khi Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư gặp Tổng thống Putin lần trước, hãng Tân Hoa Xã đưa tin độ tin cậy lẫn nhau, phối hợp chiến lược và hợp tác quốc tế giữa hai nước đạt đến mức chưa từng có, nhưng không công khai ủng hộ cuộc chiến Nga phát động tại Ukraine.

Giáo sư quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng thuộc Đại học Nhân dân (Bắc Kinh) nhận định: “Trung Quốc đã và sẽ tránh can dự quân sự ở bất cứ mức độ nào. Ủng hộ ngoại giao và chính trị từ Trung Quốc không thực sự giúp ích cho Nga, nhưng mua mạnh năng lượng kể từ tháng 4 giúp ích đôi chút về mặt phi quân sự”.

Tổng thống Putin dường như không mấy hài lòng trước lập trường trung lập của Trung Quốc. Ông bày tỏ cảm giác này khi phát biểu về quá trình đàm phán dự án đường ống mới cho phép Nga xuất khẩu khí đốt khai thác ở Siberia sang Trung Quốc trong một hội thảo kinh tế diễn ra tại thành phố Vladivostok tuần trước: “Người bạn Trung Quốc của chúng ta là nhà đàm phán cứng rắn. Đúng như lẽ tự nhiên, họ tham gia mọi cuộc đàm phán trên cơ sở lợi ích quốc gia của mình”.

Mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ đứng trước thử thách

Tại cuộc gặp sắp diễn ra, Tổng thống Putin hy vọng hoàn tất đàm phán dự án đường ống. Nga cũng cần tiếp cận được các mặt hàng công nghệ của Trung Quốc cũng như đồng Nhân dân tệ để mua hàng.

Khi phương Tây trừng phạt Nga, mở rộng quan hệ với Trung Quốc là cách Tổng thống Putin chứng tỏ Nga không thể bị cô lập. Đây là mối quan hệ Tổng thống Putin ra sức bồi đắp kể từ lúc Nga - phương Tây căng thẳng vì sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. Cuộc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình cuối tuần chắc chắn được truyền thông Nga nói đến nhiều.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Putin đã gặp nhau 38 lần. Chỉ một tuần sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, ông Tập chọn Nga làm điểm công du đầu tiên và ám chỉ hai nước sẽ hợp tác đối phó phương Tây: “Hiện tại hai nước đều đang ở thời kỳ phục hưng quan trọng, quan hệ song phương bước sang giai đoạn mới”.

Trung Quốc hiện ở “cửa trên” so với Nga. Nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 10 lần nền kinh tế Nga năm 2021 (lúc cuộc chiến tại Ukraine chưa nổ ra). Trong giai đoạn tháng 5 - 7 năm nay, Trung Quốc mua lượng lớn dầu Nga giá rẻ, nhập khẩu nhiều than đá và khí đốt Nga hơn.

Công ty dầu khí quốc gia Nga Gazprom tuần trước thông báo giao dịch khí đốt Nga - Trung qua đường ống sẽ được thanh toán bằng đồng ruble và Nhân dân tệ, thay vì đồng USD hay euro như trước. Quyết định này giúp Nga dễ dàng qua mặt hệ thống ngân hàng phương Tây và mua được hàng hóa Trung Quốc tương đương hàng công nghệ phương Tây bị hạn chế xuất khẩu.

Trung Quốc bán cho Nga rất nhiều ô tô cùng hàng hóa khác không dùng công nghệ phương Tây, tránh được rủi ro vi phạm trừng phạt. Quốc gia châu Á cũng hạn chế cung cấp khí tài cho Nga, buộc Nga phải tìm đến Iran và CHDCND Triều Tiên.

Quân đội Trung - Nga có truyền thống huấn luyện cùng nhau. Tuần trước, Trung Quốc gửi hơn 2.000 binh sĩ, 21 máy bay chiến đấu, 3 tàu chiến tham gia tập trận chung ở miền đông nước Nga có Tổng thống Putin đích thân giám sát. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử cả lực lượng trên bộ, trên không lẫn trên biển đến một cuộc tập trận lớn.

Tuy nhiên, giáo sư Lý Minh Giang thuộc Đại học quốc gia Singapore cho rằng, trong cuộc gặp tới khó có khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tuyên bố tăng cường hỗ trợ chiến lược cho Nga.

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’ Nga - Trung đứng trước thử thách