Thuyết phục được các đương sự hòa giải, giúp họ gắn kết mối quan hệ tình thân sau các phiên tòa chính là “món quà", là động lực giúp nữ thẩm phán vững bước với nghề.

Món quà, động lực giúp nữ thẩm phán vững bước với nghề

Nhã Thanh | 08/03/2023, 10:17

Thuyết phục được các đương sự hòa giải, giúp họ gắn kết mối quan hệ tình thân sau các phiên tòa chính là “món quà", là động lực giúp nữ thẩm phán vững bước với nghề.

Học hỏi, nghiên cứu nhiều ngành nghề

Quốc tế Phụ nữ 8.3 là ngày thể hiện sự tôn vinh và yêu thương đến với “một nửa thế giới”. Trong suốt thời gian qua, phụ nữ trên thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng đã và đang tiếp tục phát huy, khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội.

Đặc biệt, với ngành nghề đặc thù là thẩm phán vốn chịu nhiều áp lực, đôi khi phải đối diện với hiểm nguy, nhưng những nữ thẩm phán công tác tại các cơ quan tòa án đã nỗ lực khẳng định sự vững vàng, tài năng, tâm huyết của bản thân.

Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung - thẩm phán TAND quận Ba Đình (Hà Nội) thừa nhận sự khó khăn, có vô vàn tiêu chí cần đạt được, cũng như nhiều kỳ thi cần phải trải qua khi trở thành một thẩm phán.

So với đàn ông cùng nghề, nữ thẩm phán còn khó khăn hơn rất nhiều, khi “chúng tôi còn có thiên chức của một người phụ nữ; không những đòi hỏi chuyên môn phải nắm chắc, bản lĩnh phải vững vàng mà còn phải dung hòa được giữa công việc và gia đình”, chị Nhung nói.

Theo chị Nhung, một thẩm phán không những phải hiểu biết sâu pháp luật mà còn phải học, phải nghiên cứu nhiều ngành nghề khác. Nhớ lại vụ án dân sự tranh chấp đòi tiền giữa 2 cá nhân theo hợp đồng nổ phá đá cấp 4 trên tuyến đường Hồ Chí Minh (từ Km194 đến Km215) năm 2019, chị Nhung cho biết đơn vị tính không được ghi rõ trong hợp đồng là mét khối hay mét dài, dẫn đến tranh chấp về số tiền thanh toán.

“Vụ án này đòi hỏi thẩm phán phải tìm hiểu công việc thi công cầu đường cũng như những hợp đồng tương tự đã từng ký, người nào được thực hiện việc nổ mìn… Điều đó giúp cho thẩm phán trong quá trình hòa giải, xét xử đưa ra được những phán quyết đúng đắn nhất, nhận được sự tin tưởng, tôn trọng của các đương sự có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực họ tranh chấp”, nữ thẩm phán Nhung cho biết thêm.

mon-qua-dong-luc-giup-nu-tham-phan-vung-buoc-voi-nghe.jpg
Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung (TAND quận Ba Đình, Hà Nội) - Ảnh: N.A

Niềm vui khi thấy đương sự chấp thuận hòa giải

Được biết chức danh thẩm phán là niềm tự hào, là mục tiêu mà hầu hết những công chức trong ngành tòa án đều phấn đấu để đạt được. Tuy vậy, trong quá trình giải quyết vụ án, các thẩm phán cũng sẽ gặp không ít khó khăn.

Theo thẩm phán Nhung, khó khăn trong khi giải quyết vụ án thường nằm ở những vụ án dân sự, kinh doanh thương mại, mỗi vụ án lại có tính chất phức tạp khác nhau.

Điển hình như những vụ liên quan đến tranh chấp đất đai, đương sự thường chống đối không hợp tác, công tác xác minh ủy thác kéo dài, mất thời gian… Tuy nhiên, chị Nhung nhấn mạnh: “Mỗi thẩm phán đều dành tâm huyết, sự hiểu biết và kỹ năng thuyết phục, làm sao để đưa ra kết quả một vụ án thấu tình đạt lý, đó cũng chính là cách mà chúng tôi vượt qua khó khăn”.

Cũng như bao đồng nghiệp khác luôn trăn trở với nghề, với từng vụ án mà mình giải quyết, nhưng với thẩm phán Nguyễn Thị Nhung, những vụ án liên quan đến quan hệ huyết thống, giữa những người trong cùng gia đình với nhau vẫn khiến chị trăn trở nhiều nhất.

Theo nữ thẩm phán, luật pháp mà bản thân đã học và đang áp dụng vào từng vụ án thường là cứng nhắc, còn tình cảm con người lại không như vậy. “Vậy làm sao để giải quyết vụ án thấu tình đạt lý là mong muốn lớn nhất của những thẩm phán như tôi”, chị Nhung trăn trở.

Vụ án tranh chấp chia thừa kế năm 2021 là một điển hình. Chị Nhung kể lại, vào năm 2021, chị được giao giải quyết vụ án tranh chấp chia thừa kế giữa nguyên đơn là 2 người con gái và bị đơn là mẹ đẻ của 2 chị; đương sự trong vụ án này đều là phụ nữ có mối quan hệ ruột thịt.

“Điều khiến tôi trăn trở không phải về việc chia tài sản, mà là làm sao có thể hòa giải, giúp họ gắn kết mối quan hệ mẹ con. Từ những mong muốn và tâm huyết đó, tôi đã thuyết phục được họ hòa giải với nhau tại phiên tòa”, nữ thẩm phán chia sẻ. Theo chị Nhung, đó chính là món quà, là động lực để người thẩm phán, nhất là nữ thẩm phán vượt qua khó khăn trong quá trình công tác.

Ngoài công việc chuyên môn, chị Nhung còn tham gia công tác công đoàn và nhiều hoạt động khác. Với vai trò chủ tịch công đoàn, ngoài nhiệm vụ công đoàn, nữ thẩm phán cùng anh chị em trong ban chấp hành tham gia rất nhiều hoạt động đoàn thể của đơn vị, nhằm tạo sự gắn kết của cả tập thể, tạo ra những nét văn hóa của riêng của TAND quận Ba Đình.

Bài liên quan
Học sinh hào hứng với  buổi học thực nghiệm giáo dục địa phương tại quận Ba Đình
Với mục tiêu biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương phù hợp với các học sinh cấp tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức buổi dạy thực nghiệm mẫu tại quận Ba Đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
13 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Món quà, động lực giúp nữ thẩm phán vững bước với nghề