Khi Công Phượng - ngôi sao một thời của bóng đá Việt Nam (BĐVN) kết thúc hợp đồng sớm với Yokohama FC, điều đó có nghĩa BĐVN không còn bất kỳ cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài.
Góc bình luận

Một nền bóng đá mất cân bằng và ảo tưởng

Đặng Hoàng 19/09/2024 17:30

Khi Công Phượng - ngôi sao một thời của bóng đá Việt Nam (BĐVN) kết thúc hợp đồng sớm với Yokohama FC, điều đó có nghĩa BĐVN không còn bất kỳ cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài.

congphuong.jpg
Công Phượng đã kết thúc hợp đồng sớm với Yokohama FC

Thực tế này cho thấy việc xuất khẩu cầu thủ của BĐVN còn thua xa Thái Lan, Indonesia, Philippines, thậm chí kém cả Malaysia, Myanmar, Lào.

Lực bất tòng tâm

Cựu tuyển quốc gia Lê Huỳnh Đức là người đầu tiên ra nước ngoài thi đấu vào năm 2001 khi khoác áo CLB Lifan Trùng Khánh theo hợp đồng cho mượn từ CLB Công an TP.HCM. Sau đó là trung vệ Lương Trung Tuấn qua Thái Lan thi đấu cho CLB Cảng Thái Lan năm 2003. Hai năm sau, 2005, đến lượt tiền đạo Nguyễn Việt Thắng qua châu Âu thi đấu cho Porto B. Nối tiếp Việt Thắng, năm 2011 Lê Công Vinh qua Bồ Đào Nha thi đấu cho CLB Leixoes S.C, rồi Hokkaido Consadole Sapporo (Nhật Bản) năm 2013.

Đến năm 2015, với sự bùng nổ của thế hệ cầu thủ trẻ khóa 1 được đào tạo và trưởng thành từ Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG Arsenal, người hâm mộ hy vọng những chuyến xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam sẽ thành công hơn thế hệ trước. Đó là Công Phượng và Tuấn Anh đến Nhật Bản thi đấu cho Mito HollyHock FC, Yokohama FC (J2-League); Xuân Trường qua Hàn Quốc đá cho CLB Incheon United (K1-League) theo các bản hợp đồng cho mượn…

Bốn năm sau, năm 2019, CLB Hà Nội cũng tạo điều kiện cho Đoàn Văn Hậu đến CLB Heerenveen (Hà Lan). Rồi Quang Hải chia tay Hà Nội FC để thử sức tại Pháp khi thi đấu cho Pau FC (2022) ở Ligue 2.

Đầu năm 2023, Văn Toàn đến Seoul E-land FC (K2-League, Hàn Quốc) và Công Phượng trở lại Nhật Bản đá cho Yokohama FC từ khi Yokohama FC còn ở J1-League rồi xuống hạng J2-League. Trước đó, năm 2019, Công Phượng cũng thêm 2 lần thất bại ở Hàn Quốc và Bỉ khi thi đấu cho Incheon United và Sint-Truden. (J-League 1, Nhật Bản)

Tất cả những chuyến đi đều không như mong đợi và các ngôi sao BĐVN đều quay trở về V-League. Duy nhất thủ môn Đặng Văn Lâm thi đấu thành công ở Thai-League. Nhưng sau một mùa bắt chính thức cho Muangthong United, Lâm phải ngồi ghế dự bị nên chuyển qua thi đấu cho đội Cerezo Osaka. Ở J-League, giải đấu chất lượng, đòi hỏi chuyên môn cao hơn nhiều so với Thai-League, Lâm đã không thể kiếm được suất chính thức và đành phải trở về V-League thi đấu cho Bình Định. Hiên nay Lâm vừa ký hợp đồng cho CLB Hạng nhất thi đấu mùa bóng 2024-2025.

Sự thất bại đồng loạt của các cầu thủ Việt Nam phản ánh sự chưa đủ năng lực chuyên môn cũng như chưa đủ khả năng thích nghi, hòa nhập cuộc sống, văn hóa của môi trường mới, nơi có những giải vô địch hơn toàn diện so với V-League.

Từ nghịch lý đến giá trị ảo

Giờ đây ai cũng thấy nghịch lý của hệ thống BĐVN là hình kim tự tháp ngược mà suốt gần 20 năm qua vẫn chưa được điều chỉnh lại cho đúng với quốc tế khi số lượng hạng dưới lại ít hơn trên cao: V-League có 14 đội, trong khi Hạng nhất chỉ có 11 đội. Có nghĩa là “đỉnh” còn to hơn “đáy”.

Nếu như nghịch lý này quá dễ thấy, thì sự phi lý về giá trị của cầu thủ Việt Nam có lẽ gần đây người hâm mộ mới để ý và choáng ngợp đến khó hiểu.

Rõ nhất là Hoàng Đức, Quang Hải chỉ được trang chuyển nhượng quốc tế định giá 400.000 và 350.000 euro (khoảng 11 tỉ và 9,5 tỉ đồng), vậy mà giá trị chuyển nhượng ở trong nước được đẩy lên lần lượt 30 tỉ và 26 tỉ đồng. Dù có giảm 30% từ con số đồn thổi này thì giá ở thị trường bóng đá Việt Nam dành cho Quang Hải và Hoàng Đức vẫn gấp đôi so với thị trường bóng đá thế giới. Một chi tiết càng không thể bỏ qua, đó là vào thời điểm hiện tại, phong độ của 2 cầu thủ này đã sa sút, không còn như thời đỉnh cao vào năm 2022.

Hay mới đây nhất Đặng Văn Lâm chỉ được quốc tế định giá 300.000 euro, vậy mà khi thi đấu cho đội Hạng nhất, Lâm nhận được bản hợp đồng trị giá trên 20 tỉ đồng(?!).

Cần nhớ lại, mới năm rồi, Bùi Hoàng Việt Anh được định giá 16,5 tỉ đồng/3 năm, Nguyễn Văn Toàn 10 tỉ đồng/2 năm, Quế Ngọc Hải 12 tỉ đồng/2 năm, thế mà bây giờ giá cầu thủ Việt Nam tăng phi mã, thậm chí tỷ lệ nghịch với năng lực của họ. Giá tăng càng phi lý hơn khi trong bối cảnh thành tích bóng đá Việt Nam đã và đang sa sút toàn diện trước thất bại liên tiếp từ 2 đội tuyển U.16, U.19 đến tuyển quốc gia. Còn ở cấp CLB, thành tích các đội bóng Việt Nam cũng rất thấp ở đấu trường AFC

Càng phí lý hơn khi BĐVN là môi trường chưa kiếm được lợi nhuận nào và chưa có cầu thủ nào thi đấu thành công ở nước ngoài, cho dù chỉ là Thai-League.

Một nền bóng đá mất cân bằng

Giá chuyển nhượng cầu thủ quá phi lý chỉ tồn tại và phát triển ở Việt Nam, khác rất xa so với bóng đá thế giới khi đồng tiền luôn tương xứng với tài năng và sự cống hiến. Đó là lý do vì sao cầu thủ Việt Nam không được các CLB nước ngoài quan tâm (do chưa đủ tài năng), nếu có quan tâm thì cũng chỉ trả đúng giá trị thật.

Thực tế này, từ những chuyến đi thất bại của các đàn anh nhưng khi quay trở về, họ vẫn là những ngôi sao và có một cuộc sống như mơ khi vừa được tung hô vừa có thu nhập cao hơn hẳn so với rủi ro “xuất ngoại”, nên tương lai, có lẽ và gần như chắc chắn sẽ không có cầu thủ tài năng trẻ nào dám mạo hiểm ra nước ngoài thi đấu để nâng cao hơn nữa tài năng và nếu thành công sẽ kiếm nhiều hơn hẳn so với trong nước. Tại sao?

Không khó để khẳng định: Cầu thủ Việt Nam đang nhận chế độ (ở đây thường là phí lót tay cho thời hạn hợp đồng nhất định) quá cao so với năng lực và sự cống hiến thật sự. Nói thẳng ra, giá trị cầu thủ Việt Nam là giá trị ảo.

Nhưng lỗi này không thuộc về cầu thủ mà từ phía những người ký hợp đồng với họ. Gọi đơn giản và dễ hiểu hơn là những người này đang "phá giá". Vài người đã đẩy chi phí hoạt động của các CLB tham dự giải Hạng nhất, V-League tăng vùn vụt trong 2 năm qua; trong khi chi phí ăn ở, di chuyển gần như ổn định, chỉ khác rất nhiều về hệ thống trong vòng tròn chuyển nhượng với phí lót tay, lương, thưởng được đẩy lên... cao vút!

BĐVN đang đối mặt với muôn trùng khó khăn: không ít CLB không có tiền dù chỉ để duy trì CLB hoạt động; nhưng vẫn có người dùng tiền phá giá cầu thủ, làm bóng đá không bền vững. Điều đó dẫn đến tình trạng: Các CLB mất khả năng cân đối tài chính khi tiền bán vé, bản quyền truyền hình thu chưa đủ bù chi.

Việt Nam đang có một nền bóng đá mất cân bằng và ảo tưởng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Phao cứu sinh' cho doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão số 3
một giờ trước Tài chính và đầu tư
Trận bão số 3 khiến nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất các chính sách hỗ trợ thiệt hại, miễn giảm thuế, phí để có thể phục hồi sản xuất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một nền bóng đá mất cân bằng và ảo tưởng