Từ bến cảng Piraeus nằm ở phía nam thủ đô Athen, chúng tôi lên tàu Knossos Palace đi đảo Crete, hòn đảo nổi tiếng của Hy Lạp.
Sau 10 giờ lên đênh trên biển, tàu cập cảng Heraklion, nơi có những bãi biển đẹp mê hồn, những con phố cổ nhộn nhịp và những công trình kiến trúc cổ. Đảo Crete còn là nơi nổi tiếng với nền văn minh Minos, nền văn hóa lâu đời nhất của Hy Lạp thậm chí là của châu Âu..
Hòn đảo xinh đẹp
Đảo Crete có diện tích khoảng 8.260km2 với dân số gần 600.000 người. Hằng năm, Crete đón tiếp hơn 4 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan. Thiên nhiên vô cùng ưu ái cho hòn đảo này, những bờ biển dài cát trắng, nước biển xanh màu da trời biên biếc, không khí thật trong lành. Dọc theo những con đường xuyên đảo, những hàng cây trúc đào nở hoa hồng hoa trằng rực rỡ cả một góc trời. Thỉnh thoảng một vài cánh chim hải âu chao liệng trên bầu trời xanh lộng gió, cảnh vật thật yên bình. Toàn bộ hòn đảo Crete có 6 thành phố chính, thủ phủ là Kraklion.
Một trong những thành phố thu hút khá nhiều du khách đó là Chania, nơi đây còn sót lại khá nhiều công trình mang dấu ấn đậm nét Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thánh đường hồi giáo cho đến các nhà tắm hơi kiểu Thổ vẫn còn tồn tại. Ngày xưa người Thổ đã từng chinh phục và chiếm đóng vùng đất này trong một khoảng thời gian khá dài. Thuê một chiếc xe ngựa với giá 30 Euro, người xà ích đưa chúng tôi đi qua những con phố nhỏ lát đá rất dễ thương. Những ngôi nhà xưa nằm liền kề sát cạnh nhau tạo thành những bóng mát thật dễ chịu. Vài hàng dây leo điểm tô cho những ngôi nhà càng trở nên sinh động và mát dịu. Tiếng chân ngựa gõ đều nghe lách cách trên nền đá thật vui tai, gió ngoài khơi thổi vào lồng lộng. Bầu trời tháng 5 xanh thẳm, nắng vàng ươm rãi đều xuống con phố cổ bé bé xinh xinh.
Bước vào một quán nhỏ nằm cạnh bờ biển, ngồi nhâm nhi tách cà phê nghe sóng vỗ rì rào. Xa xa ngọn hải đăng vươn mình ra biển vắng. Tất cả những điều này cùng với bề dày lịch sử và văn hoá đã giúp đảo Crete trở thành một trong những thiên đường du lịch nổi tiếng của Hy Lạp.
Cung điện Knossos
Từ cảng Heraklion, xe đưa chúng tôi đi khoảng 45 phút về hướng đông nam, để tham quan cung điện Knossos, một công trình kiến trúc tiêu biểu cho nền hóa Minos. Trong thời cổ đại, cung điện này từng được sử gia Homer nhắc đến. Nhưng người ta nghĩ rằng nó chỉ là truyền thuyết chứ không có thật. Mãi đến năm 1900, một nhà khảo cổ học người Anh tên là Arthur Ivans, đã vén bức màn bí mật của quá khứ. Ông đã tìm và khai quật cung điện Knossos. Một nền văn hoá cổ xưa rực rỡ từ thiên niên kỷ thứ ba trước công nguyên đã được hiển lộ, văn hoá Minos.
Bước qua cánh cổng kiểm soát vé. Chúng tôi bước vào khu vực khảo cổ. Mất vài phút choáng ngộp để lấy lại bình tĩnh, tôi như không thể tin vào mắt, và tai mình. Cô hướng dẫn người Hy Lạp chỉ về khu khảo cổ phía trước và bắt đầu thuyết minh. Dưới bầu trời trong xanh, bức tường thành cổ hiện ra trong nắng mai toát lên một vẽ đẹp rất cổ xưa và vững chãi.
Một vài cây cột có màu đỏ bã trầu nổi bật lên bầu trời một cách kiêu hãnh. Tôi cảm thấy hơi chếch choáng, khi nghĩ về thời gian của gần 5.000 năm về trước, khi rất nhiều nơi trên thế giới loài người còn sống trong tình trạng mông muội và nguyên thủy, ấy thế mà tại nơi đây, trên hòn đảo này đã có một nền văn minh rực rỡ. Và họ đã xây dựng ở đây một cung điện lộng lẫy đến thế kia. Mặc dù phần lớn cung điện đã hư hại, nhưng những gì còn lại cũng đủ sức làm ta choáng ngợp.
Cung điện có nhiều khu vực, ngoài nơi ngủ nghỉ của nhà vua thì còn có các khu vực khác như nơi đặt ngai vua, sân chầu, nhà hát...
Ấn tượng mạnh mẽ trong tôi là hình ảnh khu vực cung cấm, nơi ở của hoàng hậu. Nằm cạnh bên phòng ngủ là một phòng tắm khá to, trên vách tường có hình vẽ khá sắc xảo những chú cá heo đang bơi nhảy vô cùng sinh động. Đặc biệt trong phòng tắm còn có cả bồn tắm để hoàng hậu ngâm mình thư giãn. Thảng thốt giật mình, tôi không hiểu vì sao từ những ngày xa xưa ấy mà trình độ thẩm mỹ của họ cao đến thế. Họ đã sáng tạo ra những chiếc bồn tắm tuyệt vời. Tôi thầm nghĩ, phải chăng người Minos là dân tộc đầu tiên phát minh ra chiếc bồn tắm cho nhân loại?
Trên vách phòng của cung điện còn có trang trí hình một con vật huyền thoại. Con vật có đầu chim đại bàng, mình sư tử và đuôi của rắn. Một con vật mang tính biểu tượng cho nhà vua, đó là sự kết hợp của những gì ưu việt nhất từ những con vật ở ba chiều kích không gian khác nhau:
Chim đại bàng, loài chim được xem là chúa tể, trên trời không có con vật nào có thể vượt qua đại bàng. Mình sư tử, nghĩa là trên mặt đất, sư tử được xem là chúa tể của muôn loài. Hình cái đuôi là con rắn, điều đó muốn nói lên rằng ở dưới mặt đất hay trong hang động thì con rắn là loài nguy hiểm và lợi hại nhất…Tất cả các yếu tố này tạo nên con vật biểu trưng đại diện cho sức mạnh và quyền lực, một biểu tượng hoàn hảo và lý tưởng cho hình ảnh của vị vua!
Phía sau lưng bên cạnh khu hậu cung là một tầng hầm rộng chừng 20-30 m2. Bên trong có các chum, vại khá to, chiều cao tầm 1,2-1,5m. Đó là kho chứa lương thực của cung điện, các chum vại này dùng đựng ngũ cốc cũng như rượu vang.
Đặc biệt, điều làm tôi kinh ngạc hơn thế nữa đó là hệ thống ống dẫn nước ngầm trong cung điện. Nhìn xuyên qua những thanh chắn bằng sắt, trong lòng đất vẫn còn sót lại các ống dẫn nước được làm bằng đất nung. Một cảm giác ngạc nhiên, lòng tôi đầy thán phục. Để nghĩ ra và tạo được hệ thống dẫn nước ngầm trong cung điện từ hơn 5000 năm trước chắc chắn cần phải có một bộ óc siêu siêu việt. Thật khó thể tin được rằng từ thời gian rất rất xa xưa, trên hòn đảo Crete đã có được hệ thống cấp thoát nước hoàn hảo đến thế.
Trần Văn Trường – VYC Travel