Việt Nam hiện có diện tích cà phê khoảng 700.000 ha, sản lượng cà phê nhân từ 1,6 - 1,7 triệu tấn/năm, được coi là cường quốc sản xuất, xuất khẩu cà phê, đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Brazil. Riêng với cà phê vối (Robusta) thì Việt Nam đứng đầu toàn cầu về mọi mặt: diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu.
Nói như vậy để thấy rằng tương lai phát triển của cà phê Việt Nam rất sáng sủa, rất lớn. Nhưng cũng cần nhìn vào thực tế bởi cà phê Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức.
Trước hết là sự già cỗi của hàng trăm nghìn hecta cà phê mỗi năm (cây trên 20-25 tuổi). Diện tích này cần phải thay thế liên tục bằng trồng mới, hoặc chặt bỏ. Đã có hẳn một chương trình tái canh cây cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song tiến độ quá chậm và có thể nói là không thành công.
Thứ nhì là quy hoạch phát triển cà phê không tốt nên dẫn đến phá vỡ quy hoạch liên tục, nhiều cánh rừng Tây Nguyên bị phá để trồng cà phê, hoặc việc đưa cà phê chè (Arabica) lên vùng Tây Bắc chưa thành công như quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, nước tưới và phương pháp tưới truyền thống cho cà phê quá tốn nước. Do khoan quá nhiều giếng khoan và không kiểm soát tốt việc này nên hậu quả là đã làm thủng tầng nước ngầm, ô nhiễm đất và nguồn nước, vừa gây lãng phí, vừa không hiệu quả.
Thứ tư, việc thu hoạch cà phê với quá 50% quả xanh làm cho chất lượng cà phê nhân Việt Nam kém, đồng thời cũng làm cho đặc điểm vật hậu học của cây cà phê Việt Nam biến đổi.
TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk |
Điều cuối, dù là loại “cây tỉ đô” kim ngạch xuất khẩu cao thu về nhiều ngoại tệ nhưng thực tế cây cà phê và chế biến cà phê chưa được Chính phủ quan tâm tạo điều kiện như một số nông sản hàng đầu khác. Có thể nói, đến thời điểm này, cà phê vẫn chưa được coi là sản phẩm quốc gia, chưa là sản phẩm đặc sắc mang thương hiệu Việt Nam trên thế giới.
Chương trình tái canh cây cà phê
Sau nhiều năm gắn bó, tìm hiểu, nghiên cứu về cà phê Việt Nam, với mục đích ngành cà phê phát triển bền vững, ngang tầm thế giới, chúng tôi xin có những ý kiến, giải pháp sau:
Trước hết là các vấn đề của chương trình tái canh cây cà phê. Theo tôi đến lúc này mới tính đến điều ấy là quá muộn, song vẫn cần phải làm.
Việt Nam đã là cường quốc cà phê trên thế giới nên phải bằng mọi cách tích cực giữ được vị trí này. Đó là nguyên tắc đầu tiên cho tái canh cây cà phê. Tức là tái canh nhưng không giảm sản lượng cà phê toàn quốc, không giảm tổng sản lượng cà phê xuất khẩu và phải đảm bảo tối thiểu kim ngạch trên 3 tỉ USD/năm.
Tái canh phải áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp, được tích hợp từ các nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới, kinh nghiệm của nông dân làm cà phê, và áp dụng công nghệ mới vào tái canh.
Nhân dịp tái canh cây cà phê, nên điều chỉnh quy hoạch trồng cà phê Việt Nam ở mức 500.000 - 600.000 ha ở nơi có đủ điều kiện. Không nên chuyển đổi những diện tích thích hợp cho cà phê sang các loại cây trồng khác.
Tái canh phải là công việc của dân, nguyện vọng, suy nghĩ, hành động của dân. Họ tự nguyện chủ động làm bằng cách của họ với sự hướng dẫn của nhà nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Hệ thống ngân hàng thương mại dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước vào cuộc với trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, với mục tiêu Việt Nam phải là cường quốc cà phê trên thế giới.
(còn tiếp)
TS Nguyễn Văn Lạng
(Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)