Góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định về hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính minh bạch.
Quy định về DN bán lẻ thuốc lá chưa hợp lý
Về doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá quy định tại khoản 12 Điều 3 và khoản 6 Điều 28, VCCI cho rằng các quy định trên được hiểu doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá sẽ không được mua sản phẩm từ doanh nghiệp sản xuất thuốc lá, doanh nghiệp bán lẻ sản phẩm thuốc lá khác để bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
“Điều này chưa thật hợp lý, bởi với nguyên tắc quản lý kinh doanh thuốc lá là kiểm soát “về mức cung cấp thuốc ra thị trường (bao gồm sản lượng sản xuất và nhập khẩu thuốc lá)” (khoản 3 Điều 4 Dự thảo), Nhà nước đã kiểm soát số lượng sản phẩm thuốc lá cung cấp ra thị trường – đảm bảo mục tiêu quản lý quan trọng trong lĩnh vực này (kiểm soát nguồn cung)”, VCCI nêu.
Theo đó, các thương nhân có giấy phép thực hiện các hoạt động mua bán sản phẩm thuốc lá với nhau đều bị khống chế trong tổng sản lượng này, do đó không cần thiết phải kiểm soát về các chủ thể được thực hiện các hoạt động mua bán sản phẩm hàng hóa. Mặt khác, quy định này cũng can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp một cách chưa hợp lý.
Một số quy định về thủ tục hành chính chưa minh bạch
VCCI cũng cho rằng một số quy định về hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính chưa đảm bảo tính minh bạch.
Cụ thể, trong các quy định về hồ sơ xin cấp giấy phép, dự thảo quy định doanh nghiệp phải cung cấp các tài liệu chứng minh đáp ứng được điều kiện kinh doanh.
Ví dụ: trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đầu tư trồng cây thuốc lá phải có “tài liệu chứng minh doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vùng trồng; tài liệu chứng minh có quy mô đầu tư trồng cây thuốc lá ít nhất 100 ha/vụ mỗi năm trong đó có 1 vùng trồng với diện tích trồng tối thiểu 40 ha” (khoản 3, 4 Điều 8 Dự thảo); …).
“Không rõ tài liệu nào sẽ chứng minh được các điều kiện kinh doanh tương ứng với từng loại giấy phép quy định tại dự thảo? Việc không quy định cụ thể các loại tài liệu này sẽ tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau giữa các đối tượng áp dụng và có nguy cơ sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính”, VCCI nêu.
Để đảm bảo tính minh bạch, VCCI đề nghị ban soạn thảo quy định rõ ràng, cụ thể các loại tài liệu trong các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, cụ thể tại các Điều 8, 13, 34, 36 Dự thảo.
Dự thảo có một số quy định có tính chất là “giấy phép con” (yêu cầu doanh nghiệp phải xin phép/xác nhận từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được cấp giấy phép kinh doanh), tuy nhiên dự thảo lại không có quy định về trình tự, thủ tục hoặc dẫn chiếu tới văn bản có quy định về vấn đề này.
Kinh doanh thuốc lá là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, “thuốc lá” là sản phẩm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người vì vậy cần phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo lợi ích công cộng này. Tuy nhiên, các biện pháp quản lý thông qua hình thức về thủ tục hành chính cần được thiết kế một cách minh bạch để các doanh nghiệp có thể nhận biết và thực hiện một cách thuận lợi.
Góp ý về điều kiện cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá (Điều 16), VCCI dẫn ra quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo thì một trong các điều kiện để được cấp Giấy p hép sản xuất sản phẩm thuốc lá là “doanh nghiệp đang sản xuất sản phẩm thuốc lá”.
“Điều này có thể đưa đến cách hiểu, các doanh nghiệp trước khi được cấp Giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá có thể sản xuất sản phẩm thuốc lá. Điều này dường như chưa thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 4 Dự thảo “tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán sản phẩm thuốc lá … phải có giấy phép theo quy định”, VCCI nêu.
Theo đó, cơ quan này đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo để đảm bảo tính thống nhất trong quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện này.
Cấp giấy phép dựa trên nguồn vốn DN là chưa hợp lý
Liên quan đến điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước, theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo thì tùy thuộc vào nguồn gốc vốn mà doanh nghiệp có phải đáp ứng điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu thuốc lá được trồng trong nước.
Theo đó, doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu trong nước theo lộ trình (năm 2021 phải đạt tối thiểu 15%, từ 2021 đến 2024 mỗi năm tăng tỷ lệ lên 5%, sau năm 2025 đạt tỷ lệ 40%); Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không cần phải đáp ứng điều kiện trên.
“Việc phân biệt điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dựa trên nguồn vốn của doanh nghiệp là chưa hợp lý, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng điều kiện. Điều kiện kinh doanh phải được áp dụng bình đẳng giữa các doanh nghiệp muốn tham gia vào ngành, nghề này”, VCCI nêu.
Cũng theo cơ quan này, mục tiêu của việc áp đặt điều kiện về sử dụng và đầu tư nguyên liệu được trồng trong nước là nhằm tăng tỷ lệ vùng trồng, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, Nhà nước nên áp dụng biện pháp quản lý hướng đến nâng cao chất lượng nguyên liệu trong nước thay vì áp đặt tỷ lệ cứng về việc sử dụng nguyên liệu được trồng trong nước.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Dự thảo thì Bộ Công Thương sẽ điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá từ doanh nghiệp còn dư năng lực sản xuất nhưng chưa khai thác hết năng lực và không có phương án khả thi để khai thác năng lực sản xuất sang doanh nghiệp được cấp giấy phép sản xuất, có thị trường phát triển nhưng đã hết năng lực sản xuất.
Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định về cách thức điều chuyển năng lực sản xuất này, ít nhất ở các điểm: doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục nào để có được sự điều chuyển năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá? Trong trường hợp không có sự thỏa thuận giữa các doanh nghiệp sản phẩm thuốc lá, thì Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều chuyển dựa trên cơ sở nào? Hình thức của việc điều chuyển năng lực sản xuất sẽ là gì (quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền? điều chỉnh giấy phép sản xuất?) VCCI đề nghị ban soạn thảo quy định rõ những vấn đề trên.
VCCI cũng cho hay, Điều 21 Dự thảo và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định rõ về thẩm quyền chấp thuận giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ về trường hợp doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu thuộc sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài để tiêu thụ tại Việt Nam. VCCI đề nghị ban soạn thảo quy định rõ để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện.