Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ vẫn lấy được gam màu sáng làm chủ đạo.
GDP 9 tháng tăng trưởng dương
Dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện đáng kể so với mức 0,39% của Quý 2, tuy nhiên vẫn là mức tăng thấp nhất của quý 3 các năm trong giai đoạn 2011-2020 .
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%.
Tính chung 9 tháng, GDP tăng 2,12% (Quý 1 tăng 3,68%; quý 2 tăng 0,39%; quý 3 tăng 2,62%), là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35% vào mức tăng trưởng chung.
Tính chung 9 tháng, ngành công nghiệp tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6% (quý 1 tăng 7,12%; quý 2 tăng 3,38%; quý 3 tăng 3,86%), thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 1,02 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng giảm 5,35%, làm giảm 0,32 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%, đóng góp 0,18 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp
Do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 nên sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng qua tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Bởi lẽ, tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng các năm 2012-2020 lần lượt là: 6,1%; 5,3%; 6,8%; 9,9%; 7,1%; 8,8%;10,6%; 9,6%; 2,3%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%); ngành khai khoáng giảm 7,4%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,8%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ năm trước: sản xuất xe có động cơ giảm 12,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,4%; sản xuất mô tô, xe máy giảm 8,9%; sản xuất đồ uống giảm 6,6%;... Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2020 tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Ti vi tăng 18,3%; phân u rê tăng 10%; thép thanh, thép góc tăng 9,5%; thuốc lá điếu tăng 8,2%; than sạch tăng 4,9%; xăng dầu các loại tăng 4,7%.
Xuất nhập khẩu tăng trưởng dương
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó nổi lên vai trò của khu vực kinh tế trong nước khi kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu 9 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm nay đạt 388,3 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý 3/2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 79,7 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 33,8% so với quý 2 năm nay (tăng 26,0% so với quý 1).
Trong quý 3 có 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 74,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó mặt hàng điện thoại và linh kiện dẫn đầu với 14,7 tỉ USD, chiếm 18,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước; điện tử máy tính và linh kiện đạt 12,8 tỉ USD, tăng 26,4%; hàng dệt may đạt 8,9 tỉ USD, giảm 6,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 7,8 tỉ USD, tăng 62,8%.
Tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 202,4 tỉ USD, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là động lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 71,4 tỉ USD, tăng mạnh 19,5%, chiếm gần 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bộ Công Thương nhận định: "Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, 2019, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 với mức tăng 19,5%, cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 4,0%) và đặt trong bối cảnh xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng trưởng âm (giảm 2,9%)".
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong quý 3 đạt 68,54 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 18,5% so với quý 2 năm nay (tăng 15,2% so với quý 1), cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi, nhu cầu nhập khẩu có xu hướng tăng lên.
Tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt gần 185,87 tỉ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 8,3%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,34 tỉ USD, tăng 4,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỉ USD, giảm 4,8%.
Nhìn vào bức tranh kinh tế Việt Nam thời gian qua, trao đổi với Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng: "Việc nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 đã làm giảm đáng kể thiệt hại về người và giúp Việt Nam nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội, từ đó tạo cơ sở cho sự phục hồi kinh tế những tháng còn lại của năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn năm 2021".
Theo TS Lực dự báo, với tốc độ giảm ít hơn của xuất khẩu so với nhập khẩu và khả năng kiểm soát dịch bệnh, khôi phục nhu cầu của thế giới, cán cân thương mại năm 2020 dự kiến sẽ đạt mức xuất siêu khoảng 14-17 tỉ USD.
"Các dự báo lớn đều nhận định khả năng GDP toàn cầu suy giảm 4 - 6% năm 2020. Đối với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế năm 2020 được dự báo ở mức khoảng 1,5 - 2% và năm 2021 phục hồi mạnh, khoảng 6,8 - 7%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế", TS Cấn Văn Lực cho hay.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: "Hầu hết các chỉ số kinh tế và tài chính tiếp tục chứng minh khả năng phục hồi của Việt Nam, nhưng mức độ phục hồi trong nước đã giảm nhẹ. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cho dù còn nhiều trở ngại trên thị trường quốc tế, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam đã giảm đáng kể.
Qua đó, phía Ngân hàng Thế giới khuyến nghị các chính sách ứng phó của Chính phủ Việt Nam cần kích thích khả năng phục hồi trong ngắn hạn và duy trì sự bền vững về tài khóa và nợ vay trong dài hạn. Mặt khác cũng quan tâm nhiều hơn đến đầu tư trong và ngoài nước.
Do nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu cho thấy sự phục hồi nên Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam có thể đạt 2,8%.
Tuyết Nhung