Trong bối cảnh phức tạp của dịch COVID-19, nhiều trường ĐH đã thông qua 2 phương án tuyển sinh căn cứ theo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã được Bộ GD-ĐT xây dựng kịch bản.
Ngày 17.4, Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020.
ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn, gồm hợp phần thi môn Toán – hợp phần Ngữ văn (hoặc bài luận) Ngoại ngữ… để xét tuyển. Thí sinh được sơ loại kết quả học tập bậc THPT trước khi dự thi kỳ kỳ thi riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thông tin chi tiết về việc đăng ký và điều kiện dự thi sẽ được thông báo trước 30.5.
Trường hợp dịch bệnh COVID-19 diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8.2020, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.
Trường ĐH Ngoại thương sẽ phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng với cách thức và nội dung thi tương tự như bài thi của kỳ thi THPT quốc gia.
Trong trường hợp này, nhà trường sẽ vẫn thực hiện tuyển sinh theo 4 phương thức, trong đó phương thức xét tuyển dành cho học sinh hệ chuyên, trường chuyên và phương thức xét tuyển thẳng giữ nguyên, 2 phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường.
Dự kiến, Trường ĐH Ngoại thương sẽ tổ chức đăng ký trên hệ thống xét tuyển online từ ngày 1.6. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm 2020 là 3.990 chỉ tiêu. Nhà trường sẽ tổ chức giải đáp, tư vấn trực tuyến cho thí sinh về phương án tuyển sinh và ngành/chương trình đào tạo vào ngày 26.4 tới đây.
Trước đó, cũng có một số trường đại học xem xét phương án thi riêng nếu kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 không diễn ra là Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, ĐH Kinh tế Quốc dân. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đã công bố sẽ thi riêng và lấy 70% chỉ tiêu hệ đại học chính quy cho hình thức mới này.
Riêng các trường ĐH khối ngành Y dược với yêu cầu đầu vào cao, nếu năm nay không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia thì cũng sẽ không xét học bạ do không đảm bảo chất lượng.
Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, khối trường Y dược với yêu cầu đầu vào cao, cần một công cụ chính xác để tuyển sinh. Do vậy, nếu kỳ thi THPT quốc gia 2020 vẫn được tổ chức, đảm bảo tính phân loại, thì rất tốt cho các trường khối. Nếu bất khả kháng kỳ thi năm nay không thể diễn ra thì không chỉ khối Y dược mà nhiều trường đại học khác cũng sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh do thời gian chuẩn bị phương án mới không nhiều.
Đại diện Khoa Y dược - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, việc xét tuyển diện rộng bằng học bạ THPT sẽ không đảm bảo tính chính xác, khách quan. Những năm gần đây dù sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh nhưng khoa Y dược vẫn dành khoảng 80% chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2020 dự kiến tỷ lệ này vẫn giữ ổn định.
PGS.TS Nguyễn Văn Khải, Hiệu trưởng trường ĐH Y dược Hải Phòng cho biết, ngày 16.4, Trường vừa tổ chức họp về công tác tuyển sinh năm 2020 để sẵn sàng ứng phó với các quyết định liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia.
Theo đó, nhà trường sẵn sàng 2 phương án được đưa ra bàn tính là: nếu kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra thì việc tuyển sinh tiến hành bình thường như mọi năm; nếu không thi THPT quốc gia, trường sẽ tự tổ chức thi riêng theo khối truyền thống là A, B.
“Nếu tổ chức thi riêng, công tác chuẩn bị sẽ cần nhiều thời gian và việc có một bộ đề phù hợp với năng lực của học sinh năm nay, vừa đáp ứng yêu cầu của ngành nghề đào tạo là thách thức lớn. Do đó, thuận lợi nhất là kỳ thi THPT quốc gia vẫn diễn ra, khi dịch bệnh đã kiểm soát. Như thế, mọi việc từ xây dựng phương án tuyển sinh đến công tác chuẩn bị của các nhà trường và tâm lý, việc ôn tập của thí sinh đều sẽ không bị xáo trộn”, PGS.TS Nguyễn Văn Khải nói.
Cũng khẳng định việc xét học bạ không đảm bảo yêu cầu để tuyển sinh cho khối ngành Y dược, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y dược - Đại học Huế cho rằng, trong tình huống không thi THPT quốc gia, khối ngành này cấp thiết phải tổ chức kỳ thi riêng.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y dược Thái Nguyên, việc xét học bạ 3 năm THPT đảm bảo được rằng năng lực học tập của học sinh là ổn định và hạn chế ảnh hưởng nếu kết quả năm học cuối bị thay đổi. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng phương thức này để xét tuyển thì không công bằng trong đánh giá giữa các vùng miền, vì có thể ở trường này học sinh có học lực giỏi nhưng sang trường khác thì không đạt. Điểm 9 ở trường chuyên sẽ khác điểm 9 ở trường thường. Giữa các trường THPT khác việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng có sự không tương đồng.
Hiệu trưởng trường Đại học Y dược - Đại học Huế cho rằng, nếu tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tính toán để giảm số môn thi, số bài thi, giảm một số yêu cầu cần đạt khác… để phù hợp với thực tế dạy học, thuận lợi cho thí sinh và các trường đại học trong xét tuyển. Phương án chính thức liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2020 này, cần được sớm công bố để học sinh và các nhà trường an tâm, chủ động chuẩn bị. Mốc thời gian quyết định việc thi hay không thi nên là 15.5 thay vì 15.6 nếu học sinh đi học trở lại, để có đủ thời gian cho việc dạy học, ôn tập, đảm bảo chất lượng.
Nhìn chung, các lãnh đạo của các trường Đại học ngành Y đều cùng chung quan điểm, không có ý định chỉ xét học bạ THPT để tuyển sinh nếu năm 2020 kỳ thi THPT quốc gia không diễn ra. Lý do là phương thức này chưa đủ để đảm bảo chất lượng, sự công bằng cho thí sinh. Bởi lẽ việc đánh giá giữa các vùng miền, thậm chí giữa các trường học trong cùng một khu vực có sự không tương đồng. Học sinh có thể đạt học lực giỏi ở trường này nhưng với năng lực đó ở trường khác chỉ được đánh giá loại khá.
Tú Viên (Tổng hợp)