Thủa trước, khi chưa có phong trào phá ruộng lập vườn và thời gian gần đây thì phá vườn làm vuông nuôi tôm sú công nghiệp thì đồng ruộng quê tôi mênh mông bát ngát.
Có những cánh đồng kéo mút tầm mắt như tới tận chân trời và tuy mỗi năm chỉ làm một vụ lúa, gọi là lúa mùa nhưng thuở ấy đồng đất phủ kín phù sa không cần phân bón, thuốc trừ sâu lúa vẫn sai oằn bông. Lúa trúng mùa, nông dân đập bồ tại ruộng hoặc cho xe trâu cộ về chất đầy sân nhà rồi cho trâu đạp. Cảnh trâu đạp lúa vào những đêm trăng mùa vụ no đầy lúc cuối năm giáp tết của làng quê êm ả, thanh bình ở quê tôi thật nên thơ đã đi vào ký ức một thời không thể nào quên.
Nhớ thời ấy, cá trên đồng ruộng quê tôi rất nhiều, đến nỗi trẻ con chúng tôi cỡ 9-10 tuổi cũng có thể bắt cá bằng mọi cách, mọi phương tiện phù hợp với lứa tuổi của mình, vừa là trò chơi giải trí, vừa… ăn thiệt. Một trong những cách bắt cá trên đồng ruộng đơn giản nhất mà đầy hiệu quả là đắp hầm cho cá nhảy. Bắt cá kiểu này rất “tài tử”, không phải lặn ngụp, mình mẩy lấm lem bùn sình, cũng không dầm mưa dãi nắng vì hầu như các loại cá đồng chỉ nhảy hầm vào ban đêm mà những đêm trăng đi thăm hầm, bắt cá lại rất vui.
Vào thời điểm cuối năm, giáp Tết khi đồng ruộng thu hoạch lúa xong còn trơ chân rạ thì nước cũng bắt đầu rút bởi đây là mùa nắng hạn và đó là 3 tháng giáp Tết. Trẻ con chúng tôi đi quan sát những thửa ruộng nước còn lấp xấp không quá gối, và đó là những thửa ruộng trũng, nơi thu hút các loại cá từ trên cao tụ về.
Chọn được những thửa ruộng có nhiều cá, dấu hiệu để nhận biết là vào buổi chiều có tiếng cá quẫy “ăn móng” hoặc chạy gợn nước nhảy tung lên vô cớ thì về nhà vác một cái khạp hoặc lu đựng nước lên chuẩn bị cho việc đắp hầm. Thường việc đắp hầm cần tới hai người hoặc “mình ên” cũng làm được vì nó rất đơn giản là móc đất bùn lên be bờ hầm theo hình tròn, hình vuông hoặc hình chữ nhật tùy thích. Nếu hầm kiểu hình tròn giống như cái giếng thì đường kính cỡ 2m, hầm hình vuông thì kiểu 2mx2m, nếu hầm chữ nhật thì diện tích hầm cỡ 6m2.
Tôi thường chọn kiểu hầm chữ nhật, sâu xuống cỡ 3-4 tấc. Vị trí hầm phải ở giữa vùng nước sâu của mặt ruộng và dứt khoát nằm ngay đường “lưu thông” của cá. Hầm đắp xong ém hết lỗ mội, tát cạn nước và be lại bờ cho láng bằng một lớp sình non, xong nhận cái khạp hay cái lu vào vị trí giữa hầm để khi cá nhảy vào hầm trôi tuột xuống khạp hoặc lu không thể nhảy trở ra. Chỉ có thế, đợi đêm đến dùng đuốc lá dừa hoặc đèn dầu hoặc sang hơn là cây đèn pin, mang cái thùng thiếc theo thăm hầm, bắt cá nhảy. Cá nhảy hầm thường là cá lóc, cá rô chứ ít khi có cá trê, cá chạch.
Nhưng nói chung có cả rắn nước, rắn ri voi, ri cóc khi đã bò vào hầm lọt xuống đáy khạp, đáy lu rồi thì không thể thoát. Cứ khoảng 2 giờ đi thăm hầm bắt cá một lần, và điều cần nhớ khi bắt cá xong phải dùng cái gáo dừa tát nước rỉ trong hầm ra cho cạn, tuyệt đối không để đáy hầm nước lỏng bỏng vì khi cá nhảy vào đáy hầm có nước thì cá sẽ phóng ngược trở ra. Đắp hầm thì đứa trẻ con nào cũng làm được, nhưng hầm có cá nhảy vào nhiều hay ít thì ngoài những nguyên tắc chọn địa điểm, vị trí đắp hầm, be bờ đúng kỹ thuật phải có bí quyết “dụ cá”.
Bí quyết này thì không phải đứa trẻ con nào cũng biết và nếu biết cũng giấu biệt không hé môi. Bản thân tôi đã phải mất công sức để tìm ra bí quyết này từ một đứa bạn thân nổi tiếng đắp hầm, mà hầm nào cũng trúng nhưng tuyệt nhiên không tiết lộ bí quyết tại sao hầm tôi đắp cạnh hầm nó mà cá cứ tranh nhau… nhảy vào hầm nó chứ không phải hầm tôi. Bí quyết đó là… sau khi đắp hầm nó lén ra bãi sông làng móc bùn non ở bãi sông về phủ một lớp lên bờ hầm rồi tô láng mặt như bình thường.
Và cứ vài ba hôm nó lại làm việc này một lần cho đến khi tôi phát hiện. Hóa ra bí quyết này bắt nguồn từ quy luật tự nhiên. Khi mùa nước cạn, các loại cá tìm đường trở ra sông rạch, khi di chuyển đụng bờ hầm có mùi bùn non chúng tưởng là mùi của bờ bãi sông rạch nên “nhắm mắt” nhảy. Nếu bờ hầm thêm lớp bùn non có mùi phù sa bồi lắng cho sông rạch thì chúng càng chắc chắn đó là nơi chúng tìm về nên càng kéo nhau “phóng” chứ biết đâu rằng cả họ hàng nhà cá đã bị mắc bẫy do trí thông minh của con người.
Sau khi nắm được bí quyết này, tôi cũng làm theo đứa bạn mang lớp bùn phù sa ấy về đắp thêm lên bờ hầm thì… bắt cá mệt nghỉ.
Bây giờ đồng ruộng quê tôi bị thu hẹp dần bởi phong trào lập vườn, rồi phá vườn làm vuông nuôi tôm công nghiệp nên đất trồng lúa không nhiều. Hơn nữa, do đất ruộng bón nhiều phân hóa học, xịt thuốc trừ sâu rầy nên diệt luôn cả nguồn tôm cá, vì thế trẻ con thôn quê không còn thú vui đắp hầm cho cá nhảy khi mùa bắt cá đồng tới như ngày xưa nữa.
Thiết Quân