"Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa phụ thuộc vào thể chế quản trị quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

'Sức cạnh tranh của DN phụ thuộc vào thể chế quản trị quốc gia'

Một Thế Giới | 27/02/2016, 11:23

"Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa phụ thuộc vào thể chế quản trị quốc gia", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị Tham tán thương mại năm 2016 vào ngày 26.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập nên gần như ranh giới giữa các quốc gia là không còn. Theo đó, những tác động từ thế giới cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước. Trong bài phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những "khúc mắc" vẫn được xem là rào cản cho sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Chỉ ra những điều kiện để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển tốt nhất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh yếu tố quan trọng đầu tiên là phải tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh công khai, minh bạch, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Sức cạnh tranh của một quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa phụ thuộc vào thể chế quản trị quốc gia. Chúng ta đã hội nhập và mở thị trường thì bây giờ phải hoàn thiện thành văn bản, luật lệ, nghị định, thông tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm bớt chi phí, chi phí thấp mới kéo được giá thành, sức cạnh tranh mới mạnh lên".
"Sức cạnh tranh của nền kinh tế trước hết là doanh nghiệp. Tuy nhiên, một mình doanh nghiệp cũng không đủ mà còn phụ thuộc vào thể chế. Theo đó đầu tiên là phải cải cách thể chế, thủ tục hành chính theo hướng kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với các cam kết quốc tế. Chúng ta sẽ không phát huy được nếu thể chế không hoàn thiện bất chấp nước ta đã ký Hiệp định FTA với nhiều nước”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết, tuy còn nhiều lĩnh vực chưa hài lòng nhưng điểm được của kinh tế Việt Nam thời gian qua như kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam đã đạt được là những thành tựu đáng trân trọng. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế cũng được phục hồi và tăng trưởng nhanh dần từ 2013 trở đi, sức cạnh tranh cũng được đánh giá cao hơn.

Theo Thủ tướng, kỳ họp Quốc hội tới đây Thủ tướng sẽ trình bày kế hoạch 5 năm trước Quốc hội với những mục tiêu chung như: giữ ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng 2016-2020 là 6,5-7%. Tiếp đến là tái cơ cấu nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh; tạo môi trường thông thoáng minh bạch, kinh tế thị trường hiện đại, nhà nước pháp quyền, phát huy quyền dân chủ, tự do của dân…
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đánh giá cao những kết quả mà thương vụ đã làm được trong thời gian qua. Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiệm vụ của các tham tán thương mại càng nặng nề. 
“Các cơ quan Thương vụ của chúng ta ở hơn 50 nước và các tham tán thương mại đã hoạt động tích cực, hiệu quả. Tôi mong muốn qua hội nghị này các đồng chí sẽ phát huy tốt hơn những kết quả đạt được; làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với nhân dân”.
Thủ tướng yêu cầu các thương vụ, tham tán thương mại phải luôn phát huy được vai trò là cầu nối giúp doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, cung cấp thông tin liên quan đến cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của nước sở tại và Việt Nam...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương kiện toàn các cơ quan thương vụ trong điều kiện mới gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ trở thành các nhà ngoại giao kinh tế giỏi, nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm cao bằng các chỉ tiêu, kế hoạch hành động thực hiện cụ thể, trở thành cầu nối tin cậy giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, kể cả khuyến khích triển khai các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...
Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Sức cạnh tranh của DN phụ thuộc vào thể chế quản trị quốc gia'