Thị trấn Lübbennau, một địa danh nằm trong khu dữ trữ sinh quyển được UNESCO bảo tồn Spreewald, phía đông nam bang Brandenburg, Berlin của Đức. Lübbennau, theo ngôn ngữ Sorbian là Błota, nghĩa là "Đầm lầy".

Mùa thu ở Lübbenau, làng cổ tích xứ Spreewald

15/11/2019, 11:22

Thị trấn Lübbennau, một địa danh nằm trong khu dữ trữ sinh quyển được UNESCO bảo tồn Spreewald, phía đông nam bang Brandenburg, Berlin của Đức. Lübbennau, theo ngôn ngữ Sorbian là Błota, nghĩa là "Đầm lầy".

Thị trấn có những ngôi nhà cổ, một quảng trường chợ với tiệm bánh, tiêm cà phê và một nhà thờ kiểu Gothic. Đây là quê hương của mật ong, dầu lanh, mứt hoa quả và nổi tiếng nhất là dưa chuột muối. Spreewald cũng là nơi sinh sống của ngừơi Sorben cộng đồng thiểu số duy nhất (trước khi thống nhất) tại Đức, những người đã tạo nên vùng đất văn hóa đặc biệt này. Nhưng đặc sắc nhất vẫn là phong cảnh vùng đầm lầy, những cánh rừng bạch dương, dẻ gai, phong và sồi, vô số cầu cũ và mới bắc ngang qua kênh rạch, những nếp nhà rơm và nếp sinh hoạt truyền thống cùa dân làng bên bờ sông Spree như từ thế kỷ thứ 16.

Tôi chọn một ngày cuối thu để ghé thăm Lübbenau, nhằm tránh dòng du khách đông đúc vào mùa hè cao điểm. Nói là đông đúc, nhưng so với những ngôi làng cổ châu Âu vốn đựơc du khách châu Á ưu chuộng như Giethoorn (Hà Lan), Hallstaat (Áo) Colmar (Pháp), thì Lübbenau hầu như xa lạ. Du khách tới đây chủ yếu là người Đức và châu Âu.

Ở vào tuần cuối cùng của mùa du lịch này, chúng tôi đã gần như có miền cổ tích này cho riêng mình. Nghe danh thì đã lâu, giờ mới đựơc thực sự trôi trong thế giới thần tiên. Những mái nhà, cánh đồng, dòng sông, rừng cây, ... như bước ra từ trong tranh vẽ. Thuyền di chuyển bằng một mái chèo dài duy nhất cắm xuống lòng sông sâu chỉ 5-6m. Không thích đi thuyền có thể tự chèo kayaking. Chỉ có tiếng gió, tiếng chim ríu ran và tiếng khoả nước nhẹ nhàng. Một sự tĩnh lặng mà đầy sức sống.

Và mùa thu quả là quá chiều lòng người khi mang nắng rải xuống mặt nước trong vắt tặng cho lữ khách đường xa. Đã từng đi nhiều chuyến trên sông rạch, nhưng có lẽ đây vẫn là một trong những chuyến chèo thuyền ấn tượng nhất, hơn đứt một Giethoorn nườm nợp khách du lịch và đậm dấu ấn bàn tay con người, hơn cả nhiều chuyến xuồng ba lá luồn trong miệt kênh rạch luôn xanh ngắt một màu. Nơi đây có thiên nhiên hoang sơ, có sắc của mùa, hương của cuộc sống từ quá khứ lẫn hiện tại. Và sự tĩnh lặng mà người người luôn tìm kiếm.

Ngày thu cứ trong veo như thế, dù không phải khi nào cũng có ánh mặt trời. Ngày ở Lübbenau trôi vừa nhanh vừa chậm, để những cây sồi cây dương có thời gian nhuộm lá. Không khí những ngày thu không đựơm màu vàng đỏ rực rỡ của lá chín mà lại ngát hương của nước, xanh màu hồ thủy cho lá tìm về. Thuyền cứ trôi mãi trong không gian biếc xanh rất lạ của mùa thu như thế, ngang qua những ngôi nhà bỗng thành tí hon, ngang qua những trái bí ngô bỗng thành khổng lồ, ngang qua những đàn vịt sắp hoá thiên nga....Và ngang qua tôi, như đi ngang qua cõi đời.

Thuyền trôi qua một ngôi nhà chất đầy bí ngô trên hòn đảo nhỏ, người lái thuyền kể rằng ngôi nhà ấy đã có từ thế kỷ 16, và tới giờ, những chủ nhân thế hệ mới vẫn sống như ông cha họ: chuyên trở nông sản, gia súc...tất cả vẫn bằng thuyền. Có rất nhiều mái nhà bằng rơm dày hàng chục cm, những ngôi nhà gỗ như nhà của nàng Bạch tuyết ẩn hiện trong rừng, sau mỗi khúc rẽ của dòng sông. Những cây cầu gỗ nhỏ xíu lung linh trong nắng chiều. Nhưng cây rơm lặng im soi bóng xuống dòng nước trong veo có nhiều đàn vịt trời cổ xanh bơi lội. Người phụ nữ bung khay bánh mì quệt mỡ và muối cùng đặc sản dưa leo muối nổi tiếng của vùng, nở nụ cười mời khách. Bỗng thấy gần gũi quá, Spreewald. Và bỗng thương quá những con kênh, con rạch chi chít, những cây rơm nơi miệt vườn nhiệt đới. Nơi ấy, bao giờ mới có mùa thu?

Khi chúng tôi trở về từ vùng đầm lầy sau hàng giờ đi bộ xuyên qua những cánh rừng hoang sơ phủ đầy lá vàng và nấm chi chít, lâu đài Lübbenau hiện ra lộng lẫy trong ráng chiều xanh hồng kỳ lạ. Nơi chúng tôi qua đêm là một toà lâu đài được xây dựng từ năm 1817-1839 theo phong cách classic. Lâu đài này từng là sở hữu của các thế hệ hai gia đình nam tước, mà vị nam tước Wilhelm Graf zu Lynar, chủ nhân cuối cùng của lâu đài, đã tham gia vào cuộc đảo chính Hitler bất thành của Von Staufenberg. Ông bị xử tử vào năm 1944, tòa lâu đài bị Đức quốc xã tịch thu.

Dưới thời CHDCĐức, nơi này là khu nghỉ dưỡng dành cho thiếu nhi, nhiều công trình đã bị biến đổi và phá huỷ. Sau khi nước Đức thống nhất, gia đình Lynar nhận lại quyền sở hữu và đã đầu tư 10 triệu DM và biến nơi này thành một khách sạn 4 sao, thuộc danh sách các di sản được bảo tồn.

Ngang qua khu vườn cỏ mênh mông xuôi theo sườn đồi, tôi men theo con đường mòn nhỏ dẫn tới một hồ nước. Trời thu đỏng đảnh mưa nắng khiến mặt hồ khi sáng khi tối, nhưng lúc nào cũng trong veo. Có lẽ cái lạnh của mùa đã hoà tan trong nước và nhuộm màu không chỉ lá cây rừng. Dọc theo bờ hồ, những bụi dương xỉ và cỏ dại vừa đổi màu, vừa ra hoa, thật kỳ lạ. Liễu la đà và bạch dương trắng muốt. Có cảm giác của hương xuân giữa mùa lá chín, rất rõ những tiếng tơ trời vương trên thảm lá lãng đãng trôi theo cơn gió nhẹ trên mặt hồ. Tiếng thời gian theo đó lan tròn cùng chuyển động của đàn vịt trời. Từng lớp lá trên con đường mòn, thảm lá trên mặt nứơc khiến cả rừng và hồ đều sóng sánh trong một vẻ bộn bề. Một vẻ bộn bề đầy tiếc nuối, một vẻ bộn bề đầy sức sống, khiến Thu như sát bên người.

Nắm tay đi cùng mùa thu, tôi nhớ tới khu vườn có hồ súng của Monet, khu vườn ngát hương hoa hương cỏ trong ngôi nhà của Gớt. So với những hồ nước nơi ấy, hồ nước và khu rừng của vị nam tước vùng rừng Spree này có phần lớn hơn. Nhưng thần thái thì giống hệt. Vẻ bộn bề của cây của lá, của nước đưa tôi về lại nơi quá khứ, đong đưa cùng những xúc cảm thần tiên không thể diễn tả bằng lời. Tôi thèm có màu để vẽ, thèm mang những rì rào, tiếng mùa, tiếng gọi của nước và ánh mắt của lá vàng lá đỏ trải lên toan trắng. Để những phút giây lang thang thành những phút giây đáng nhớ trong đời. Để mùa luôn hiện hữu trong tôi, và tôi mãi được nắm tay đi cùng mùa thu.

Thông tin thêm

Lübbennau cách thủ đô Berlin của Đức chỉ 1,5 giờ chạy xe. Nhưng nên ở lại một đến vài đêm ở nơi này mới có thể thấm được cái hồn thôn quê Âu châu xưa cũ mà ngày nay hiếm nơi nào còn giữ được. Mùa hè và thu từ tháng 7- tháng 10, là đẹp nhất, nhưng muốn hưởng trọn vẹn không khí của vùng mà không bị dòng du khách phá vỡ thì nên đi vào cuối mùa - khoảng giữa hoặc cuối tháng 10. Mùa xuân có thể có muỗi, nhưng về cơ bản mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng

HS Trần Thuỳ Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa thu ở Lübbenau, làng cổ tích xứ Spreewald