45 trong số 54 loại mực mà các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích hóa học, có chứa các chất không ghi trên bao bì, như chất tạo màu hoặc chất phụ gia.
Xăm mình là một nghệ thuật mà con người đã thực hiện hàng thiên niên kỷ. Một nghiên cứu mới cho thấy, trong khi 32% người trưởng thành ở Mỹ có ít nhất một hình xăm thì nhiều loại mực xăm ở Mỹ ngày nay lại là một hỗn hợp tạo màu hơn là một hợp chất được mô tả chính xác và đảm bảo an toàn.
Kelli Moseman, nhà nghiên cứu hóa học tại Đại học Binghamton ở New York và các đồng nghiệp đã phân tích 54 loại mực xăm từ 9 nhãn hiệu khác nhau được sử dụng ở Mỹ. Moseman và các đồng nghiệp làm điều này sau khi nhận thấy rằng một số loại mực mà họ đã sử dụng trong các nghiên cứu trước đây có chứa các chất không được liệt kê trên bao bì.
Khi thử nghiệm các loại mực có nguồn gốc từ các công ty toàn cầu đến các nhà sản xuất nhỏ lẻ, các nhà nghiên cứu phát hiện điều khá lo ngại. Kết quả cho thấy 45 trong số 54 loại mực mà họ tiến hành phân tích hóa học, có chứa các chất không ghi trên bao bì, như chất tạo màu hoặc chất phụ gia. Một số nhãn mực lại liệt kê các chất phụ gia mà thực ra nó không hề có, chẳng hạn 36 loại mực xăm ghi có chứa glycerol nhưng chất này chỉ được phát hiện trong 29 loại mực.
Chỉ có một thương hiệu liệt kê chính xác các thành phần chứa trong mực của họ. Mười lăm loại mực có chứa propylene glycol, chất bị Hiệp hội Viêm da Tiếp xúc Mỹ liệt kê trong danh sách gây dị ứng năm 2018, trong khi các mẫu được thử nghiệm khác chứa chất có khả năng gây hại hoặc cả chất kháng sinh.
Vẫn chưa biết liệu đây có phải là sự vô tình khiến mực xăm bị nhiễm chất lạ, do lỗi bao bì hay là sự bổ sung có chủ ý nhưng dù là lý do nào, điều đó cũng đủ dấy lên những lo ngại. Khi xét đến thời gian mực xăm lưu lại trên da, lượng tế bào miễn dịch của chúng và bằng chứng cho thấy một lượng nhỏ sắc tố có thể rò rỉ vào các hạch bạch huyết, những phát hiện này đủ lo ngại để thu hút sự chú ý.
Một nghiên cứu năm 2021 về mực xăm được sử dụng ở Liên minh Châu Âu cũng phát hiện ra các vấn đề lớn liên quan đến việc ghi chú sai trên bao bì và việc không liệt kê đầy đủ các chất phụ gia cũng chiếm tỷ lệ tương tự (khoảng 90%), đồng thời họ còn phát hiện ra cả tạp chất kim loại có nồng độ vượt quá giới hạn quy định.
John Swierk, chuyên gia hóa học của Đại học Binghamton, cho biết: “Chúng tôi hy vọng các nhà sản xuất coi đây là cơ hội để đánh giá lại quy trình của họ còn các nghệ sĩ cũng như khách hàng coi đây là cơ hội để gây áp lực cho phía cung cấp phải ghi nhãn mác đầy đủ và sản xuất đảm bảo chất lượng hơn”.
Mực xăm, đặc biệt là màu đỏ, có thể gây ra phản ứng dị ứng như sưng, ngứa và phồng rộp nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi được tiêm vào cơ thể lần đầu. Nhưng nếu các thành phần trong mực xăm không được liệt kê trên bao bì sản phẩm, việc đi tìm nguyên nhân có thể gây ra các phản ứng, sẽ càng trở nên khó khăn.
Moseman và các đồng nghiệp đã xem xét cả sắc tố trong mực xăm và các chất dung môi có tác dụng điều chỉnh độ nhớt hoặc sức căng bề mặt của mực.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng nhiều kỹ thuật phân tích để xác nhận sự hiện diện của các chất chưa được liệt kê. Quang phổ Raman và XRF cho phép các nhà nghiên cứu xác định các sắc tố trong mỗi loại mực trong khi quang phổ NMR và quang phổ khối được sử dụng để tìm ra những gì có trong dung môi.
Cơ quan quản lý Hóa chất châu Âu đã đưa ra các quy định vào năm 2022 để hạn chế hàng nghìn hóa chất độc hại có trong mực xăm. Nếu làm chặt về quy định nồng độ thì sẽ giúp hạn chế rất nhiều tác hại của mực xăm với sức khỏe con người, đặc biệt là làn da. Thế nhưng, việc kiểm tra tiêu chuẩn của mực xăm lại lâu nay lại ở tình trạng thả nổi một cách đáng ngạc nhiên..
Các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo của họ: “Mặc dù chúng tôi chỉ xem xét sáu loại mực ở mỗi nhà sản xuất, nhưng có lý do chính đáng để lo ngại rằng các vấn đề trong ghi chú trên bao bì có thể mở rộng sang các loại mực khác không được xem xét trong nghiên cứu này”.
Đến cuối năm 2022, Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng chuyển việc quản lý mực xăm sang như một phần của việc mở rộng thẩm quyền đối với quy định về mỹ phẩm. Thay đổi này cho phép FDA thu hồi sản phẩm, nếu cần thiết và yêu cầu báo cáo các tác dụng phụ và liệt kê thành phần sản phẩm trên bao bì phải được cập nhật hằng năm.
Vì loại quy định này mới ra đời chưa đầy hai năm trước nên không có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm ra những sản phẩm có chứa các thành phần không được liệt kê trên bao bì. Nhưng những kết quả này có thể được sử dụng làm cơ sở để so sánh với kết quả của các nghiên cứu trong tương lai. Khi ấy mới có thể đánh được giá tác động của những quy định đó và cuối cùng là cải thiện mức độ an toàn của mực xăm.