Vào đầu tháng 11, tờ The New York Times đăng dòng tít “Nước Mỹ đang sử dụng cạn nguồn nước ngầm như thể không có ngày mai”.
Kiến thức - Học thuật

Việc Mỹ khai thác cạn nước ngọt bất chấp tương lai: Không phải ngoại lệ

Anh Tú 19:07 22/02/2024

Vào đầu tháng 11, tờ The New York Times đăng dòng tít “Nước Mỹ đang sử dụng cạn nguồn nước ngầm như thể không có ngày mai”.

The New York Times đã công bố một cuộc điều tra về tình trạng trữ lượng nước ngầm ở Mỹ và đi đến kết luận rằng nước này đang khai thác quá nhiều nước ngầm.

Nhưng Mỹ không phải là trường hợp cá biệt. Hansjörg Seybold, Nhà khoa học cấp cao tại khoa Khoa học Hệ thống Môi trường tại ETH Zurich, cho biết: “Phần còn lại của thế giới cũng đang lãng phí nước ngầm như thể không có ngày mai”. Ông là đồng tác giả của một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature.

Bằng chứng khoa học về việc tài nguyên nước đang cạn kiệt nhanh chóng

Cùng với các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Santa Barbara (UCSB), ông đã chứng thực những phát hiện đáng lo ngại của các nhà báo. Không chỉ ở Bắc Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, con người đang hút quá nhiều nước ngầm.

Với nỗ lực miệt mài chưa từng có, các nhà nghiên cứu đã tổng hợp và phân tích dữ liệu từ hơn 170.000 giếng quan trắc nước ngầm và 1.700 hệ thống nước ngầm trong 40 năm qua.

Dữ liệu đo lường này cho thấy trong những thập niên gần đây, con người đã mở rộng ồ ạt việc khai thác nước ngầm trên toàn thế giới. Kể từ năm 1980 ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, mực nước trong hầu hết các lớp đá chứa nước ngầm, được gọi là tầng ngậm nước, đã sụt giảm mạnh. Và kể từ năm 2000, tốc độ suy giảm trữ lượng nước ngầm này ngày càng gia tăng. Những tác động này rõ rệt nhất ở các tầng ngậm nước ở các khu vực khô cằn trên thế giới, trong đó gồm California và High Plains ở Mỹ, cùng với Tây Ban Nha, Iran và Úc.

Seybold nói: “Chúng tôi không ngạc nhiên khi mực nước ngầm giảm mạnh trên toàn thế giới, nhưng chúng tôi bị sốc trước tốc độ suy giảm đã tăng lên trong hai thập niên qua”.

Một trong những lý do Seybold trích dẫn, làm mực nước ngầm giảm nhanh ở những vùng khô cằn là do người dân sử dụng nhiều cho mục đích nông nghiệp và họ vẫn đang hút lượng lớn nước ngầm lên bề mặt để tưới cho cây trồng, chẳng hạn như ở Thung lũng Trung tâm của California.

Trồng trọt lương thực và biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm vấn đề

Hơn nữa, dân số thế giới đang tăng lên, đồng nghĩa với việc cần phải sản xuất nhiều thực phẩm hơn. Nhưng biến đổi khí hậu cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nước ngầm: một số khu vực trở nên khô hơn và nóng hơn trong những thập niên gần đây, đồng nghĩa với việc cây trồng nông nghiệp cần lượng nước tưới nhiều hơn. Ở những nơi biến đổi khí hậu làm giảm lượng mưa, nguồn nước ngầm nếu có, cũng phục hồi chậm hơn.

Lượng mưa lớn, xảy ra thường xuyên hơn ở một số nơi do biến đổi khí hậu, cũng không giúp ích được gì. Nếu nước đổ xuống với số lượng lớn, đất thường không thể hấp thụ được. Thay vào đó, nước thoát ra khỏi bề mặt mà không thấm vào mạch nước ngầm. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở những nơi có mức độ bê tông che phủ bề mặt cao, chẳng hạn như các thành phố lớn.

Xu hướng có thể đảo ngược

Đồng tác giả Debra Perrone cho biết: “Nghiên cứu này cũng có nêu tin tốt. Các tầng chứa nước ở một số khu vực đã được phục hồi, nhất là những nơi có thay đổi về chính sách hoặc ở những nơi có sẵn nguồn nước thay thế để sử dụng trực tiếp”.

Một trong những ví dụ tích cực là tầng chứa nước Genevese, nơi cung cấp nước uống cho khoảng 700.000 người ở bang Geneva (Thụy Sĩ) và tỉnh Haute-Savoie lân cận của Pháp. Giữa những năm 1960 và 1970, mực nước tại đó giảm mạnh do cả Thụy Sĩ và Pháp đều hút nước một cách thiếu phối hợp. Một số giếng thậm chí đã cạn kiệt đến mức không thể khai thác.

Để bảo tồn nguồn nước chung, chính quyền cả hai nước đã đồng ý khơi sông Arve để bổ sung nước vào tầng ngậm nước. Mục tiêu đầu tiên là ổn định mực nước ngầm và sau đó là nâng cao mực nước ngầm. Cuối cùng, sự can thiệp đã thành công. Seybold cho biết: “Mặc dù mực nước trong tầng ngậm nước này có thể chưa trở lại mức ban đầu, nhưng ví dụ này cho thấy mực nước ngầm không phải lúc nào cũng chỉ đi theo một chiều suy giảm”.

Các nước khác cũng đang phản ứng

Ở các quốc gia khác, chính quyền cũng đã phải hành động: Ở Tây Ban Nha, một đường ống lớn đã được xây dựng để dẫn nước từ dãy Pyrenees đến miền trung Tây Ban Nha để cung cấp cho tầng chứa nước Los Arenales. Ở bang Arizona, nước được chuyển từ sông Colorado để bổ sung cho các hồ chứa nước ngầm bất chấp điều này đôi khi khiến vùng đồng bằng sông Colorado bị khô cạn.

Scott Jasechko, nhà nghiên cứu và tác giả chính của UCSB cho biết: “Những ví dụ như vậy chính là tia hy vọng”. Tuy nhiên, ông và các đồng nghiệp đang khẩn trương kêu gọi có thêm nhiều biện pháp để chống lại sự cạn kiệt nguồn cung cấp nước ngầm. Jasechko cho biết: “Một khi đã cạn kiệt nghiêm trọng, các tầng ngậm nước ở vùng bán sa mạc và sa mạc có thể cần hàng trăm năm để phục hồi vì đơn giản là không có đủ lượng mưa để bổ sung các tầng ngậm nước này một cách nhanh chóng”.

Có một mối nguy hiểm nữa ở vùng bờ biển: nếu mực nước ngầm giảm xuống dưới một mức nhất định, nước biển có thể xâm nhập vào tầng ngậm nước. Điều này làm nhiễm mặn các giếng, khiến nước được bơm lên không thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt cũng như tưới tiêu đồng ruộng, đồng thời nếu cây có rễ chạm vào dòng nước ngầm sẽ chết. Trên bờ biển phía đông nước Mỹ, đã có những khu rừng ma rộng lớn do không có một cây sống nào.

Seybold nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi không thể gạt vấn đề sang một bên. Thế giới phải hành động khẩn cấp.”

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bộ GTVT yêu cầu rà soát, xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ
Bộ GTVT vừa gửi văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc cùng các tổng công ty rà soát, tổng hợp báo cáo các dự án dừng thi công, chậm tiến độ, đề xuất giải pháp để giải quyết dứt điểm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Việc Mỹ khai thác cạn nước ngọt bất chấp tương lai: Không phải ngoại lệ