Một cuộc chuyện trò với bạn bè hoặc đồng nghiệp chỉ cho ta thấy và nghe – ít nhất là cho đến nay. Nhưng các thử nghiệm được tiến hành gần đây bên Malaysia cho thấy có thể phát triển công nghệ ‘mùi điện tử’ và truyền đi y như hình ảnh và âm thanh.
Nghiên cứu mới ở giai đoạn sơ khai và chưa được đánh giá. Nhưng một khi nghiên cứu tựu thành, những cuộc trò chuyện từ xa sẽ “nhiều chiều” hơn vì công nghệ cho phép bạn chia sẻ với người thương hương vị của một bữa ăn mà bạn vừa dọn lên chẳng hạn, hoặc cho bạn ngửi được mùi biển từ kỳ nghỉ của em gái bạn.
“Đó không chỉ là mùi,” Adrian Cheok, một trong những nhà nghiên cứu đang tiến hành các thử nghiệm, nói. “Đó là một phần của một thực tế ảo tích hợp toàn bộ. Nên, ví dụ, bạn có thể có một bữa ăn ảo với bạn bè qua Internet. Bạn có thể thấy chúng dưới dạng 3D và cũng có thể chia sẻ một ly vang với nhau.”
Kích gợi các mùi ảo
Trong đời sống thực, mùi được truyền đi khi các phân tử trong không khí thoảng vào mũi, khiến cho các tế bào thần kinh chuyên về đường hô hấp phát các xung đến não. Trong những thí nghiệm gần đây được thực hiện với 31 đối tượng tại Viện Imagineering ở thành phố Nusajaya bên Malaysia, các nhà nghiên cứu sử dụng các điện cực trong lỗ mũi để đưa vào các dòng điện yếu bên trên và đằng sau lỗ mũi, nơi tìm thấy các tế bào thần kinh. Các nhà nghiên cứu có thể kích gợi được mười mùi ảo khác nhau, trong đó có mùi trái cây, mùi gỗ và mùi bạc hà.
Các nhà khoa học không thể nào kiểm soát các mùi mà các đối tượng trải nghiệm, và không ảo tưởng rằng mọi người muốn cắm dây điện vào mũi mỗi lần họ chat bằng video.
Nhưng Viện trưởng đồng thời là giáo sư tại Đại học City London Adrian Cheok dự báo rồi một ngày khi mùi có thể cảm nhận bằng một loại mũi điện tử (các thiết bị tương tự hiện đang được các nhà máy chế biến thực phẩm sử dụng) gửi đi dưới dạng kỹ thuật số qua Internet đến người nhận thông qua không phải bằng các dây cắm vào mũi mà qua kính gắn các núm điện cực.
“Đây mới chỉ là giai đoạn nghiên cứu,” Cheok nói về nghiên cứu. “Giai đoạn tiếp theo là sản xuất mùi bằng cách kiểm soát tốt hơn, và điều đó sẽ cho phép mọi người phát triển phần mềm và các sản phẩm sản sinh mùi điện tử.”
Cheok cho rằng phải mất nhiều thập kỷ trước khi các loại thiết bị mà ông hình dung mới sẵn sàng để sử dụng. Nhưng ông cho rằng các thiết bị chuyển tải các mùi vị được lập trình sẵn dành cho các ứng dụng giải trí – chẳng hạn – đem đến cho người xem phim mùi giống như mùi cao su cháy khi họ xem một cuộc rượt đuổi xe trong một phim hành động – có thể thực hiện sớm hơn, trong vòng 15 năm nữa.
Công nghệ mùi điện tử có thể tìm ra các ứng dụng ngoài giải trí và truyền thông cá nhân. Nếu điều này chứng minh được tính khả thi, công nghệ có thể được dùng để phục hồi khứu giác của những người đã bị mất do bệnh tật, bị thương hoặc bất bình thường bẩm sinh, Joel Mainland, một nhà thần kinh học khứu giác ở Trung tâm Monell Chemical Senses tại Philadelphia, nói.
“Tôi nghĩ rằng có những tác dụng y học đối với một nhóm người mất khứu giác, nhưng không phải mọi người,” Mainland nói.
Một nghiên cứu không hoàn thiện?
Mainland nói thêm rằng về mặt lý thuyết ít nhất là có thể kích gợi các mùi cụ thể bằng cách kích điện. Ông so sánh cách tiếp cận này với việc cấy ghép ốc tai (thiết bị trợ thính gắn dưới da), kích thích bằng điện thần kinh chuyển các tín hiệu âm thanh đến não để phục hồi lại khả năng nghe cho những người điếc. “Đó không phải là một kích thích tự nhiên,” ông nói về việc cấy ghép ốc tai. “Có thể chuyện chẳng đi đến đâu.”
Đó có thể là một thiết bị phục hồi mùi hoạt động theo cách tương tự, ông nói. “Nếu bạn bắt đầu táy máy chuyện gì đó liên quan đến mùi, bộ não con người sẽ có thể giải mã điều gì đang diễn ra.”
Nhưng Mainland chỉ trích nghiên cứu ở Malaysia, cho rằng có thể các mùi mà các đối tượng báo cáo không phải được sản xuất bằng điện. “Tôi có thể đưa cho bạn một cái hũ không để ngửi khi bạn không có gì ở lỗ mũi của mình, và đôi khi bạn báo cáo đó là một mùi mờ nhạt,” ông nói trong một email. “Nếu bạn yêu cầu ai đó ngửi được mùi gì đó, họ có một thiên hướng mạnh để nói rằng đúng ngay cả khi ở đó không có mùi gì.” Nghiên cứu không giải thích được khả năng này, ông nói.
Charles Spence, giáo sư tâm lý học thực nghiệm Đại học Oxford, Anh Quốc, đồng tình – phê phán ý tưởng mùi điện tử nói chung. Ông cho rằng cảm giác về mùi quá phức tạp và được hiểu biết nông cạn đối với bất kỳ ai biết làm thể nào để kích thích mùi một cách nhân tạo.
“Bất kỳ mùi nào mỗi ngày đều kích hoạt hàng chục hoặc hàng trăm thụ thể,” ông nói trong một email. “Nếu chúng ta chỉ có một điện cực trong mũi, sẽ không có chuyện tần số hoặc cường độ (của dòng điện bạn sử dụng) có thể kích thích đủ các thụ thể đưa đến một nhận thức.”
Trần Bích(theo NBC News)