Ở những ngôi cổ tự, mùi thiền vẫn đậm. Thế nhưng có vẻ ở các ngôi chùa hoành tráng được xây mới với những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, mùi... tiền nồng nặc nơi cửa phật.

Mùi tiền nơi cửa phật

23/03/2019, 14:10

Ở những ngôi cổ tự, mùi thiền vẫn đậm. Thế nhưng có vẻ ở các ngôi chùa hoành tráng được xây mới với những kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”, mùi... tiền nồng nặc nơi cửa phật.

Nồng nặc bởi chúng không phải là chuyện kinh doanh tiền lẻ, mà là... tiền tấn, tiền tỉ. Như chùa Ba Vàng đang lùm xùm vụ “oan gia trái chủ”, các “phi vụ” thu tiền cúng “trục vong” ở ngôi chùa có kỷ lục chính điện rộng nhất Đông Dương này lên đến hàng trăm tỉ theo như các báo phản ảnh. Và sự việc này cũng chẳng phải mới diễn ra mới đây mà nó đã diễn ra hơn hai năm nay rồi, theo Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.

Vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dân tình nhiều người cũng sục sôi, “lên đồng” bởi dự án “siêu tâm linh”: chùa Tam Chúc, chùa lớn nhất thế giới. Dù chưa xây xong, nhưng cũng đã có hàng vạn người lên tham quan, chiêm bái. Công trình hoành tráng này, chỉ riêng kinh phi đầu tư xây dựng thôi, đã ngốn hết khoảng 11.000 tỉ đồng, chưa kể vốn đất đai rộng đến 5.100ha và toàn là nơi được cho là chốn “bồng lai tiên cảnh”.

Cần phải nói rằng nghề “kinh doanh chùa” này chẳng phải mới phát gần đây. Trước đây, ở các vùng núi có nhiều người hành hương như núi Cấm, núi Sam, nhiều người cũng xây am lập chùa để nhận tiền công quả. Việc này đã bị các chính quyền địa phương cho là bất hợp pháp và ra lệnh cấm.

Thế nhưng, lạ lùng thay, hành vi kinh doanh này ở cấp độ “vĩ mô”, “hoành tráng” như các dự án xây chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc lại được các địa phương ủng hộ hết mình. Chưa kể việc giao hàng ngàn hecta đất vốn là những nơi có các thắng cảnh thuộc hàng kỳ quan, các công trình chùa chiền hoành tráng này còn được xây dựng với vốn đan xen công - tư để giải phóng mặt bằng, xây dựng đường xá, cũng có giá bạc “nghìn tỉ” mỗi công trình.

Công thức kinh doanh của doanh nghiệp Xuân Trường ở những ngôi chùa “khủng” này là một: chọn một danh lam thắng cảnh trong đó có một ngôi chùa cổ nổi tiếng, có nhiều truyền thuyết, và xây dựng mới một ngôi chùa lớn cùng tên với hàng loạt kỷ lục xây dựng để khuếch trương thanh thế. Không chỉ có Bái Đính, Tam Chúc, đại gia Xuân Trường còn đang nhăm nhe xây dựng thêm các quần thể chùa chiền lớn khác nữa như Khu du lịch tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Khu du lịch tâm linh Chùa Hương (Hà Nội)... Điều đáng lưu ý nữa là các dự án du lịch tâm linh này đều có kèm theo việc xây dựng khách sạn, sân gôn, thậm chí là... sòng bạc.

Lục tìm trong các luật lệ kinh doanh hiện hành, hẳn nhiều người sẽ không tìm thấy đâu một dạng đăng ký kinh doanh ngành nghề như ngành “kinh doanh tâm linh” này. Gọi cho có vẻ văn hoa nhẹ nhàng là “tâm linh” chứ thực chất đây là dạng kinh doanh chùa chiền, tôn giáo và nó chưa được cập nhật vào các ngành nghề kinh doanh. Và hẳn cũng chẳng có đâu là điều kiện kinh doanh, việc kiểm soát doanh thu, việc thu thuế sẽ như thế nào... đối với các “công ty chùa chiền” này.

Cũng như việc quây trạm để thu phí lên núi Yên Tử dạo tết vừa qua, các ngôi chùa hoành tráng này được nhiều cư dân mạng gọi tên là các “BOT tâm linh”. Người ta xây chùa, dựng trạm, thu tiền dường như là để những người hành hương có các “trạm trung chuyển” cầu mong có lợi ích ở trần gian và thậm chí có hy vọng đặt được một chỗ nơi thiên đàng, thượng giới khi qua đời. Chả sá gì đến triết lý sắc không, vô thường của Phật pháp, người ta cứ xây những “trạm trung chuyển” thật to, thật hoành tráng là khả năng đưa con người đến “miền cực lạc” sẽ rất cao (!?).

Trở lại với chùa Ba Vàng, nơi đang được nhiều ban ngành, kể cả Giáo hội Phật giáo cho là có hiện tượng kinh doanh trục lợi, lừa đảo, câu hỏi được đặt ra là: Vì sao lại có hiện tượng đó, vì sao nhiều người có vẻ u mê, dễ tin, dễ bị lừa đến vậy? Theo quy luật kinh doanh, có cầu mới có cung, phải có nhiều người dù thường đến với đạo Phật nhưng hầu như không biết gì đến các đạo pháp mà chỉ tìm đến với tâm lý cầu lợi nên mới có những “nhà buôn tâm linh” trục lợi trên những sự vô minh, u mê này...

Hơn hai ngàn năm trước và gần một ngàn năm trước, Thái tử Tất Đạt Đa và Phật hoàng Trần Nhân Tông đã bỏ lại tất cả danh vọng, địa vị, tiền của để tu hành, giờ thì nhiều người tự nhận là tín đồ của các vị lại đi tìm những thứ ấy ở những chốn thờ tự các vị.

Cửa Phật giờ đã nhuốm đậm mùi tiền...
Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùi tiền nơi cửa phật