Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Đảng và Nhà nước ta có quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để bảo đảm các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em: Làm sao để hiện thực hóa ?

21/03/2019, 15:01

Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Đảng và Nhà nước ta có quan điểm, chủ trương nhất quán, xuyên suốt để bảo đảm các quyền cho người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các cấp các ngành chung tay cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam lấy hạnh phúc và sự an toàn của phụ nữ, trẻ em làm mục tiêu hành động, tham gia tích cực với tinh thần trách nhiệm cao nhất để thực hiện có hiệu quả "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em".

Tuy nhiên, đúng dịp ra mắt lễ phát động “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” thì lúc 22 giờ ngày 4.3, tại chung cư Golden Palm, quận Thanh Xuân ở ngay thủ đô Hà Nội, cô P.H.V, 20 tuổi, đã bị một người đàn ông sàm sỡ, ép hôn bậy trong thang máy. Nếu cô V. không cố giằng ra chạy thoát thì rất có thể đã xảy ra một vụ hiếp dâm. Đáng nói là vụ việc xảy ra ngay trước ống kính camera an ninh, đã thách thức tính khả thi của "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” này.

Về thực trạng hiện nay, theo Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bình quân mỗi năm xảy ra khoảng hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) với mức độ ngày càng nghiêm trọng, tăng cao qua từng năm, trong đó, nạn nhân chủ yếu thường là phụ nữ, trẻ em.

Con số 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện (từ năm 2011 - 2015) cho thấy: Nạn nhân là phụ nữ (từ 16 - 59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (74,24%); 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%); còn lại 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%). Thống kê cũng cho thấy, có khoảng 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết rằng cuộc đời họ đã từng phải trải qua ít nhất 1 trong 3 loại bạo lực: Thể xác, tình dục, tinh thần.

Tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đối tượng gánh chịu từ phụ nữ, trẻ em đến người già; BLGĐ diễn ra ở cả phương diện tinh thần lẫn thể xác của các nạn nhân, với những mức độ khác nhau. Nhẹ thì mắng chửi, nạn nhân bị đẩy ra đường; nặng hơn thì bị đánh đập, bị hành hạ, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

Những năm gần đây cho thấy cấp độ nguy hiểm của các vụ việc đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ; khoảng 2 - 3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến BLGĐ.

Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc: “Ở Việt Nam, trung bình cứ 8 giờ lại có 1 trẻ bị xâm hại”. Còn theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018, toàn quốc xảy ra trên 1.500 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, hơn 1.200 vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.230 người phạm tội có hành vi xâm hại tình dục trên 1.100 em.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và xử lý theo BLHS, cho nên mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục (XHTD) chiếm hơn 60%.

Như vậy phụ nữ và trẻ em là đối tượng luôn phải chịu 2 nguy cơ lớn đặc thù là: bạo lực và xâm hại tình dục. Vì vậy để thực hiện được "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, theo tôi, nhà nước và xã hội cần phải tập trung giải quyết căn bản được 2 vấn đề sau đây.

Thứ nhất, là nạn bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân của nó, xuất phát từ tư tưởng bất bình đẳng giới, trọng nam khinh nữ, "xuất giá tòng phu", vốn là tàn dư của chế độ phong kiến. Chính vì người đàn ông được đề cao quyền lực hơn phụ nữ trong gia đình, cho nên người vợ không được cãi lại chồng, nếu cãi lại thì lập tức bị cưỡng chế bằng bạo lực.

Đối với trẻ em, tư tưởng gia trưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", cũng là lề thói từ thời phong kiến còn lại, cho nên cha mẹ thường có suy nghĩ "thương cho roi cho vọt" khi dạy dỗ trẻ em, các em bị cấm không được có ý kiến ngược lại, còn bố mẹ cứ bảo con không được là đánh.

Như vậy để giải quyết căn bản được tình trạng này, cần phải tập trung tuyên truyền bình đẳng giới, quyền trẻ em, ghi nhận công lao của phụ nữ trong gia đình, tôn trọng mơ ước của trẻ em. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người xâm phạm quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Đó là việc xây dựng những quy phạm pháp luật tước bỏ quyền được sống chung của kẻ đã có hành vi bạo lực với phụ nữ, trẻ em trong gia đình, cách ly khỏi những nạn nhân đã bị bạo lực.

Thứ hai, là nạn xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em. Điều kiện để xảy ra xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em là: tiếp xúc với người khác giới có ý thức pháp luật kém, người đang sử dụng chất kích thích ở chỗ vắng...

Cho nên cần phổ biến tuyên truyền những nguy cơ bị xâm hại tình dục đến phụ nữ và trẻ em, và cách phòng tránh những môi trường tiềm ẩn khả năng xảy ra xâm hại tình dục.

Về quản lý, cần tuần tra kiểm soát an ninh trật tự ở những điểm vắng gần khu dân cư. Đối với những người ý thức pháp luật kém, cần giáo dục, răn đe, theo dõi. Đối với người hay sử dụng chất kích thích, cần nhắc nhở uốn nắn, đưa đi cai nghiện.

Hy vọng "Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em” sẽ trở thành hiện thực, khi các ngành các cấp cùng toàn thể xã hội tập trung vào giải quyết được căn bản 2 vấn đề ấy cho phụ nữ và trẻ em. Từ kết quả tốt nhất của năm an toàn, sẽ thành bài học duy trì tiếp sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em những năm sau đó.

Phạm Mạnh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
5 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em: Làm sao để hiện thực hóa ?