Các vắc xin hiện tại như AstraZeneca, Pfizer, Moderna có hiệu quả ngăn nhiễm biến thể Omicron "tàng hình" tốt hơn bản gốc.

Mũi vắc xin thứ 3 có hiệu quả ra sao với biến thể Omicron 'tàng hình'?

Sơn Vân | 28/01/2022, 09:30

Các vắc xin hiện tại như AstraZeneca, Pfizer, Moderna có hiệu quả ngăn nhiễm biến thể Omicron "tàng hình" tốt hơn bản gốc.

Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết mũi vắc xin COVID-19 thứ 3 giúp tăng khả năng chống tử vong do biến thể Omicron lên 95% ở những người từ 50 tuổi trở lên.

UKHSA cho biết khoảng 6 tháng sau khi tiêm liều thứ 2 của bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nào, khả năng bảo vệ khỏi tử vong do Omicron là khoảng 60% ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên khoảng 95% trong 2 tuần sau khi nhận liều vắc xin thứ 3.

Theo UKHSA, dữ liệu cũng tiếp tục cho thấy mức độ bảo vệ cao chống lại việc nhập viện nhờ mũi vắc xin tăng cường. Hiệu quả ngăn nhập viện là khoảng 90% với mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ 3, giảm xuống 75% trong 10-14 tuần sau khi tiêm. Với Moderna, hiệu quả ngăn nhập viện là 90-95% cho đến 9 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 3.

Bằng chứng là rõ ràng vắc xin giúp bảo vệ tất cả chúng ta chống lại tác động của COVID-19 và mũi vắc xin tăng cường đang cung cấp mức độ bảo vệ cao khỏi nhập viện và tử vong ở những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”, theo tiến sĩ Mary Ramsay, trưởng phòng Tiêm chủng tại UKHSA.

UKHSA cũng đưa ra phân tích ban đầu về hiệu quả của vắc xin chống lại dòng phụ Omicron là BA.2 (biến thể Omicron “tàng hình”) đang phát triển ở Anh và Đan Mạch, cho thấy mức độ bảo vệ tương tự với bệnh có triệu chứng.

UKHSA cho biết: “Với hai liều vắc xin, hiệu quả tương ứng là 9% và 13% với BA.1 và BA.2 sau hơn 25 tuần. Con số này tăng lên 63% với BA.1 và 70% với BA.2 từ 2 tuần sau khi tiêm mũi vắc xin tăng cường".

Các loại vắc xin được sử dụng chủ yếu ở Anh là AstraZeneca, Pfizer, Moderna.

Như vậy, dễ thấy các vắc xin này có hiệu quả ngăn nhiễm BA.2 có triệu chứng tốt hơn BA.1 (biến thể Omicron gốc).

bien-the-omicron-tang-hinh-xuat-hien-o-49-nuoc.jpg
BA.2 đã được phát hiện ở ít nhất 49 nước - Ảnh: Intenet

Trong khi các biến thể mới khác có vẻ đáng lo ngại như Mu hoặc Lambda không xuất hiện ở nhiều nước, các dấu hiệu ban đầu cho thấy BA.2 dường như đang lan rộng ngay cả ở các quốc gia mà dòng Omicron ban đầu đang thống trị.

Ở Đan Mạch, quốc gia có các chính sách của COVID-19 thường trái ngược với Mỹ, BA.2 hiện chiếm gần một nửa số mẫu xét nghiệm được giải trình tự.

Vào tuần cuối cùng tháng 12.2021, biến thể BA.2 chiếm 20% tổng số ca mắc COVID-19 mới ở Đan Mạch, theo dữ liệu từ Statens Serum Institut (cơ quan quản lý bệnh truyền nhiễm hàng đầu Đan Mạch) được Bộ Y tế nước này bảo trợ. Vào tuần thứ hai của tháng 1.2022, biến thể BA.2 chiếm khoảng 45% tổng số ca COVID-19 mới ở Đan Mạch.

Statens Serum Institut cho biết: “Trong cùng khoảng thời gian, số ca nhiễm BA.1 đã giảm xuống. BA.1 và BA.2 có nhiều điểm khác biệt về đột biến ở những vùng quan trọng nhất. Trên thực tế, sự khác biệt giữa BA.1 và BA.2 còn lớn hơn giữa chủng SARS-CoV-2 ban đầu với biến thể Alpha”.

Theo Statens Serum Institut, các phân tích ban đầu về BA.2 ở Đan Mạch “không cho thấy có sự khác biệt nào về tỷ lệ nhập viện” so với BA.1. Theo tính toán sơ bộ, BA.2 có thể lây nhiễm nhanh hơn 1,5 lần so với BA.1. 

BA.2 hiện đã xuất hiện ở ít nhất 49 nước. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) đã chỉ định BA.2 là một biến thể đang được điều tra.

Theo báo cáo của UKHSA, BA.2 được phát hiện lần đầu tiên ở Anh vào ngày 6.12.2021. Đến nay, Anh đã ghi nhận hơn 440 ca nhiễm BA.2, trong đó tập trung đông nhất là ở thủ đô London.

UKHSA viết: “Các phân tích ban đầu cho thấy BA.2 đang tăng trưởng song với tốc độ thấp so với một biến thể mới xuất hiện và cần phải phân tích thêm”.

Các báo cáo đó cũng có thể không chính xác vì các quan chức Anh nghi ngờ rằng biến thể Omicron “tàng hình” có thể khó xác định hơn do không hiển thị dấu hiệu nhận biết trong các xét nghiệm PCR.

Phiên bản "tàng hình" có một số điểm chung với Omicron tiêu chuẩn, nhưng thiếu một biến đổi di truyền cụ thể (di truyền mất đoạn trên protein gai) vốn cho phép các xét nghiệm PCR dựa trên phòng thí nghiệm phát hiện ca nghi nhiễm.

BA.2 có thể được xác định thông qua giải trình tự gien, quy trình tốn kém và tốn thời gian hơn nhiều, nhưng các trường hợp nghi nhiễm không được ghi nhận bởi các xét nghiệm PCR thông thường vốn cho kết quả nhanh hơn.

Tom Peacock, nhà vi rút học tại Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Tôi nghĩ rằng kịch bản là có khả năng BA.2 làm trầm trọng thêm tình hình Omicron quốc gia”.

Theo ước tính của Tom Peacock, BA.2 có sự khác biệt về protein so với BA.1, có thể là hàng chục. BA.2 có rất nhiều đột biến với khoảng 20 trong số chúng ở protein gai gắn bên ngoài vi rút giống với BA.1. Song, BA.2 cũng có những biến đổi di truyền bổ sung không được thấy trong phiên bản đầu tiên.

Các bác sĩ cũng chưa biết chắc liệu ai đó đã nhiễm BA.1 có bị nhiễm BA.2 không. Thế nhưng, họ hy vọng nhiễm BA.1 trước đó có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu sau đó nhiễm BA.2.

BA.1 có các đặc điểm di truyền cụ thể cho phép các quan chức y tế nhanh chóng phân biệt nó với Delta bằng cách sử dụng một xét nghiệm PCR nhất định. Trong khi BA.2 không có cùng đặc điểm di truyền này. Trong xét nghiệm, BA.2 trông giống như Delta.

Tiến sĩ Wesley Long (nhà nghiên cứu bệnh học tại Houston Methodist ở bang Texas, Mỹ) nói: “Không phải là xét nghiệm PCR không phát hiện ra BA.2, chỉ là nó không giống Omicron. Đừng có ấn tượng rằng Omicron 'tàng hình' có nghĩa là chúng tôi không thể phát hiện ra nó. Tất cả các xét nghiệm PCR của chúng tôi vẫn có thể phát hiện ra nó".

Các nhà khoa học sẽ tiến hành các thử nghiệm để xem liệu kháng thể từ nhiễm BA.1 "có thể vô hiệu hóa BA.2 trong phòng thí nghiệm không và ngoại suy từ đó", ông Wesley Long nói thêm.

Có nhiều báo cáo khác nhau về nơi BA.2 xuất hiện lần đầu tiên như Nam Phi, Ấn Độ hay Philippines. BA.2 cũng đã được tìm thấy ở Mỹ, với trên 100 ca nhiễm.

Hôm 27.1.2022, cơ quan y tế công cộng của Liên minh châu Âu (EU) cho biết tiêm mũi vắc xin tăng cường có thể làm giảm 500.000 - 800.000 ca nhập viện trong tương lai ngay cả khi biến thể Omicron lan truyền với tốc độ chưa từng có.

Cụ thể hơn, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho hay: “Việc sử dụng mũi vắc xin tăng cường hiện tại vào đầu tháng 1.2021 có thể giảm 500.000 - 800.000 người nhập viện do Omicron trong tương lai”.

Các số liệu bao gồm 27 quốc gia thuộc EU cùng với Na Uy, Iceland và Liechtenstein.

Hiện khoảng 70% dân số 450 triệu người của EU đã được tiêm vắc xin đầy đủ và một nửa trong số họ nhận mũi tăng cường.

ECDC cho biết: “Việc mở rộng chương trình vắc xin tăng cường cho tất cả cá nhân đã tiêm chủng trước đó có thể giảm thêm 300.000 - 500.000 người nhập viện nữa”.

Dù các ca nhiễm Omicron ở châu Âu đang gia tăng với tốc độ chưa từng có, nhiều quốc gia có thể đã ở một bước ngoặt, EU cho biết.

"Ở một số quốc gia thành viên, mức độ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất gần đây dường như đã đạt đến đỉnh, nhưng đại dịch vẫn chưa kết thúc", Ủy viên y tế EU - Stella Kyriakides nói thêm.

Ngày 21.1.2022, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết liều thứ ba của vắc xin mRNA là chìa khóa để chống lại Omicron, cung cấp 90% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện.

Đây là những nghiên cứu đầu tiên ở Mỹ xem xét tác động của mũi vắc xin tăng cường với biến thể Omicron đang lây lan cực nhanh, hiện chiếm 99% tổng số ca COVID-19 mới tại nước này.

Nhìn chung, các nghiên cứu cho biết mũi vắc xin tăng cường giúp ngăn nhiễm SARS-CoV-2 và mắc bệnh có triệu chứng. Người lớn từ 50 tuổi trở lên được hưởng lợi nhiều nhất khi tiêm mũi vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc mũi Moderna thứ ba.

Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky, cho biết trong cuộc họp ngắn tại Nhà Trắng: "Bảo vệ chống lại nhiễm vi rút và nhập viện do biến thể Omicron là cao nhất ở những người được tiêm mũi vắc xin tăng cường khi họ đủ điều kiện".

Như đã được chứng minh ở các quốc gia khác, mũi vắc xin tăng cường hoạt động tốt hơn trong việc chống lại biến thể Delta so với Omicron, một phiên bản đột biến cao của SARS-CoV-2 có khả năng tránh được khả năng miễn dịch từ vắc xin và khỏi COVID-19 trước đó.

Bài liên quan
Thử nghiệm vắc xin đặc trị Omicron, Pfizer-BioNTech còn nhắm đến biến thể tiếp theo
Hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để kiểm tra phiên bản vắc xin mới được thiết kế đặc biệt nhắm vào biến thể Omicron.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mũi vắc xin thứ 3 có hiệu quả ra sao với biến thể Omicron 'tàng hình'?