Mukhalinga Ba Thê là bảo vật thứ 8 trên địa bàn tỉnh An Giang được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tất cả các bảo vật quốc gia của tỉnh đều thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Mukhalinga Ba Thê là bảo vật quốc gia thứ 8 của An Giang

Tô Văn | 08/08/2023, 11:05

Mukhalinga Ba Thê là bảo vật thứ 8 trên địa bàn tỉnh An Giang được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt, tất cả các bảo vật quốc gia của tỉnh đều thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo đủ điều kiện là Di sản Văn hóa thế giới

Văn hóa Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho di chỉ ở núi Ba Thê (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Vào thập niên 1920, nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret đã dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra địa điểm này, cùng với nhiều kênh đào và các thành phố cổ khác. Một trong những kênh đào này đã cắt tường thành của một khu vực rất rộng. Malleret thử tìm kiếm các cấu trúc này trên mặt đất.

Vào ngày 10.2.1944, ông bắt đầu đào các hố khai quật. Malleret đã phát hiện được các di vật và nền móng các công trình chứng minh cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn mà các thư tịch của Trung Hoa từng miêu tả về vương quốc Phù Nam…

7-oc-eo7.jpg
Văn hóa Óc Eo đủ điều kiện là Di sản Văn hóa thế giới - Ảnh: C.M

Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, ngay từ đầu thế kỷ 20, những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo - Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

“Do sự phong phú của loại hình, sự độc đáo của chất liệu, vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác, các di vật của văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier… Tuy nhiên, công cuộc nghiên cứu văn hóa Óc Eo chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944. Nhiều năm sau đó, L.Malleret đã công bố kết quả khám phá và nghiên cứu của ông trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở ĐBSCL” lần lượt xuất bản từ năm 1959 đến năm 1964”, tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu thông tin.

6-bao-vat.jpg
Toàn tỉnh An Giang có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó Di tích Óc Eo - Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng - Ảnh: C.M

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, từ sau năm 1975, nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và văn hóa cổ ở ĐBSCL là một nhiệm vụ trọng yếu của khảo cổ học Việt Nam. Nhiều cuộc khai quật quan trọng đã diễn ra tại các di tích Nền Chùa (Kiên Giang), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Đá Nổi (An Giang), Cây Gáo (Đồng Nai), Lưu Cừ (Trà Vinh)…

Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh Di sản Văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo.

Khu vực đề nghị là Di sản Văn hóa thế giới với hồ sơ gồm 3 khu vực: Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp).

Ngoài ra, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa: Khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Chính vì những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Di tích này được các nhà khoa học, các nhà quản lý nhận định có đủ tiềm năng và điều kiện để trở thành Di sản Văn hóa thế giới của UNESCO.

Ngày 18.10.2021, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương gửi báo cáo tóm tắt hồ sơ Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Mukhalinga Ba Thê là bảo vật quốc gia

Tối 7.8.2023, tại Công trường Trưng Nữ Vương, TP.Long Xuyên, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức lễ công bố quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mukhalinga Ba Thê - một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của nền văn hóa Óc Eo là bảo vật quốc gia.

Đây cũng là sự kiện mở đầu cho “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh An Giang” năm 2023, nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20.8.1888 - 20.8.2023).

2-bao-vat.jpg
Trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mukhalinga Ba Thê - một đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của nền Văn hóa Óc Eo là bảo vật quốc gia - Ảnh: C.M

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh An Giang cho biết, Mukhalinga Ba Thê là bảo vật thứ 8 trên địa bàn tỉnh đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt tất cả các bảo vật quốc gia trên đều là các hiện vật thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Trong đó, Bảo tàng tỉnh An Giang hiện đang lưu giữ 6 bảo vật quốc gia gồm: Tượng Brahma Giồng Xoài; bộ Linga - Yoni đá nổi; tượng Phật đá Khánh Bình; tượng Phật gỗ Giồng Xoài; bộ Linga - Yoni Linh Sơn; Mukhalinga Ba Thê và Ban Quản lý di tích văn hóa Óc Eo lưu giữ 2 bảo vật quốc gia là nhẫn Nandin Giồng Cát và phù điêu Phật linh sơn bắc.

1-bao-vat.jpg
Ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh An Giang phát biểu - Ảnh: C.M

Theo Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh An Giang, văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ hình thành sớm ở Đông Nam Á. Những hiện vật phát hiện được của nền văn hóa Óc Eo chứa đựng ý nghĩa quan trọng về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật; góp phần làm sáng tỏ quá trình mở mang khai phá vùng đất Nam Bộ của người Việt.

Trong số các hiện vật đặc biệt đó, hiện vật Mukhalinga Ba Thê là một tác phẩm nghệ thuật có tạo hình điêu khắc hoàn thiện và độc đáo, là tư liệu lịch sử quý hiếm không chỉ phản ánh quá trình giao lưu văn hóa mà còn phản ánh những thành tựu văn hóa - lịch sử của cư dân Nam Bộ trong quá trình khai phá và phát triển vùng đất phương Nam.

“Mukhalinga Ba Thê được công nhận là bảo vật quốc gia thể hiện sự trân trọng và ghi nhận của Nhà nước đối với lịch sử vùng đất An Giang. Đây không chỉ là niềm tự hào của nhân dân An Giang mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa Việt Nam nói chung”, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp khẳng định.

Ngay sau lễ công bố Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30.1.2023 của Thủ tướng Chính phủ công nhận Mukhalinga Ba Thê là bảo vật quốc gia, Bảo tàng tỉnh An Giang tổ chức triển lãm, trưng bày các bảo vật quốc gia của tỉnh An Giang - sự kiện mở đầu “Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tỉnh An Giang” năm 2023 (diễn ra từ ngày 7 - 10.8.2023) với nhiều hoạt động như: trưng bày, triển khai giới thiệu các bảo vật quốc gia và đố vui tìm hiểu các bảo vật quốc gia; trưng bày, triển lãm sách và tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Song song với hoạt động triển lãm, Bảo tàng tỉnh An Giang còn tổ chức Hội thi thiếu nhi kể chuyện theo sách lần thứ XX - 2023; Chương trình biểu diễn nghệ thuật; Hội thi đầu bếp giỏi; biểu diễn pha chế thức uống chuyên nghiệp; không gian giới thiệu hình ảnh du lịch An Giang… qua đó tuyên truyền, quảng bá sâu rộng đến người dân trong ngoài tỉnh về giá trị của các bảo vật quốc gia, góp phần nâng cao ý thức, lòng tự hào về quê hương An Giang.

4-bao-vat.jpg
Bảo vật Mukhalinga Ba Thê - Ảnh: C.M

Theo tìm hiểu, Mukhalinga Ba Thê có niên đại khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên, được phát hiện năm 1986 tại xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Mukhalinga Ba Thê có chất liệu là đá sa thạch mịn; cao 91cm, rộng 20 - 22cm; phần đầu hình trụ tròn cao 30cm, chu vi 66cm; phần giữa hình bát giác cao 30,5cm, mỗi mặt rộng trung bình từ 8,7cm - 9,6cm; phần đế hình trụ vuông cao 30,5cm, mỗi mặt rộng từ 20,08 - 22cm; trọng lượng 90kg.

Toàn tỉnh An Giang hiện có hơn 80 di tích văn hóa Óc Eo, trong đó Di tích Óc Eo - Ba Thê được xác định có vị trí quan trọng. Nơi đây từng là một đô thị, cảng thị, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn của vương quốc Phù Nam xưa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mukhalinga Ba Thê là bảo vật quốc gia thứ 8 của An Giang