Một hệ thống tuyển chọn công bằng với cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh sẽ phát triển và giữ chân nhân tài, góp phần to lớn phát triển toàn xã hội.

Muốn có người tài, cần loại bỏ phân biệt đối xử và gian lận thi cử

26/04/2019, 14:52

Một hệ thống tuyển chọn công bằng với cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh sẽ phát triển và giữ chân nhân tài, góp phần to lớn phát triển toàn xã hội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang trả lời Quốc hội về tình trạng gian lận trong thi cử - Ảnh: VOV

Thập niên 1980 có chế độ ưu tiên điểm cho thí sinh. Thí sinh vào các trường đại học được chia theo thành phần, có nhiều thành phần, những thành phần thuộc gia đình cách mạng hoặc trong hệ thống chính quyền được ưu tiên cộng thêm điểm và điểm thi để chọn người đậu. Thậm chí có năm, người trong tiêu chuẩn được cộng thêm trên 10 điểm trên tổng số điểm là 30 điểm, lại có nơi điểm cộng thêm trên 15 điểm!

Sang thập niên 1990, việc cộng điểm dù vẫn còn giữ nhưng số điểm cộng thêm mới bớt đi dần... Việc cộng điểm như thế này được giải thích là để bù lại thiệt thòi cho con cái những người vì tham gia cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc, dạy dỗ con!

Trong thi tuyển, chỉ cần chênh lệch 0,5 điểm trên 30 điểm cũng có thể có vài mươi người đậu và vài mươi người rớt, vì ở giới hạn đậu và rớt có rất đông thí sinh cùng điểm. Vậy thì với mức chênh lệch điểm được cộng thêm như vậy, trong thời gian đó có bao nhiêu thí sinh học tài thi rớt và bao nhiêu thí sinh học dốt thi đậu? Thi cử không còn vai trò chọn nhân tài mà ngược lại, loại bỏ nhân tài. Người có tài thường tự tin, đa số sống ngay thẳng, ít chịu luồn cúi, nịnh nọt, không tham điều lợi nhỏ nhặt trước mắt hay phi pháp...

CÓ PHẢI VÌ VẬY MÀ...

Thập niên 1990 trở đi số trường hợp “suy thoái” của Việt Nam cũng cao hơn. Việc khai gian bằng cấp, nghĩa là khai bằng cấp mình không có, nhiều hơn. “Phao” ném vào trường thi ngang nhiên hơn và tới mức trắng sân trường! Người bảo vệ luận án phó tiến sĩ, tiến sĩ cặp kè, ăn nhậu với thành viên hội đồng giám khảo nhiều hơn, bắt đầu từ vài hiện tượng riêng lẻ dần dần trở thành bình thường, “đại trà”...

Chục năm sau, đó là bằng giả hay bằng thiệt học giả lan tràn khiến nhiều người cảm nhận “tiến sĩ giấy” quá nhiều so với tiến sĩ thiệt. Đầu óc chuộng bằng cấp để làm quan hơn là chuộng tri thức để phụng sự được đẩy cao độ. Làm quan là phải có bằng cấp, phải là tiến sĩ này nọ mới oai. Dân chúng thì nói với nhau có tiền là muốn bằng nào cũng có. Không ít tiến sĩ bảo vệ luận án và có kinh nghiệm làm việc tại phương Tây, hoặc tiến sĩ có thực học trong nước,không muốn để học vị tiến sĩ trước tên nữa vì không muốn mình bị trộn vào nhóm xô bồ láo nháo đó!

CÓ PHẢI VÌ VẬY MÀ...

Dần dần các vị trí quyền lực trong xã hội được sang khỏi tên những người có đạo đức và năng lực. Quyền lực dần dần gắn với và trở thành Quyền lợi vật chất, xa rời đạo đức và tri thức. Không ít người ngồi vị trí cao ngất ngưởng mà mỗi lần mở miệng ra là gây nên những trận dở cười dở khóc, càng tự tô đậm trình độ thấp kém của mình!

Tham nhũng ngày càng trở thành “đại trà”, ngang nhiên.Tham nhũng được cảm nhận cùng khắp: tài sản quan chức lớn gấp trăm hay thậm chí ngàn lần thu nhập chính đáng của họ. Dân chúng cảm nhận các hành vi phạm tội được thực hiện ngang nhiên đã đành, chúng lại được ngang nhiên ngó lơ và thậm chí được ngang nhiên che chắn, che chở...

Có bao nhiêu đại án tham nhũng được ngó lơ hay che chở để tới lúc khui ra thì đất nước nghèo với GDP đầu người 2.200 đô la Mỹ phải chịu mất hàng tỉ đô la? Trong ngành giáo dục thì có bao nhiêu dấu hiệu xấu đã xuất hiện trước khi nền đạo đức giáo dục tan hoang như hiện nay? Một đốm lửa không được dập tắt từ đầu có thể đốt rụi cả ngôi đền, Việt Nam có mấy trăm, mấy ngàn ngôi đền bị đốt cháy?

Ngôi đền thiêng liêng nhất chưa hẳn đã là ngôi đền bằng vật chất. Có bao nhiêu ngôi đền vô giá bị thiêu rụi? Ngôi đền của đức liêm chính. Ngôi đền của lòng trung thực. Ngôi đền của lòng tin cậy và tin tưởng lẫn nhau giữa dân chúng và chính quyền. Và tiếp theo là các ngôi đền của lòng hy sinh bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn, của tình đoàn kết dân tộc, của nghĩa đồng bào tương thân bình đẳng...

CÓ PHẢI VÌ VẬY MÀ...

Khi những ngôi đền thiêng lần lần bị cháy, hệ thống thi cử với số điểm cộng thêm nhằm loại bỏ nhân tài, giờ đây được bổ sung phương tiện nhằm đạt mục tiêu hiệu quả hơn: gian lận thi cử. Việc gian lận này có dấu hiệu gian lận hàng loạt, gian lận có tính toán của những người ở vị trí có thế lực cấu kết với nhau. Khi sự việc đổ bể ra, một việc xâm phạm bạo liệt và có tình tàn phá đạo đức cốt lõi của xã hội, người dính líu thì chối bỏ bằng lập luận không thể chấp nhận được vì ngược hẳn lý trí của người bình thường, và lại được che chởbằng lập luận mà đa số dân chúng cảm nhận sự giả dối và trơ trẽn: nhân văn!

CON GÀ VÀ QUẢ TRỨNG?

Ông Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, băn khoăn suy nghĩ rất nhiều về hai chữ Liêm Sỉ của đảng viên, của quan chức cao cấp. Như đã nói trên, thi cử không còn vai trò chọn nhân tài mà ngược lại, loại bỏ nhân tài. Vì thi cử như vậy mà giới công quyền có nhiều thành viên khiến ông Nhị Lê phải băn khoăn, hay vì giới công quyền có nhiều thành viên như vậy mà thi cử trở thành tệ nạn giành chức quyền cho con cái họ?

Có người nói câu hỏi trên có bản chất con gà và quả trứng cho nên không thể có giải pháp cho vấn đề. Tuyệt đối không phải vậy. Năm mươi năm trước, nước ta từng có hệ thống giáo dục đào tạo và tuyển chọn nhân tài hữu hiệu. Nếu ngày xưa, sau khi thống nhất năm 1975, tất cả các thí sinh được đối xử bình đẳng, có cùng cơ hội đi học, đi thi và tuyển chọn, ngày nay đất nước có phải chịu những hệ lụy này không? Mỗi người quan tâm tự đặt câu hỏi sẽ tự có câu trả lời.

Nếu câu trả lời cho thấy chính sách phân biệt thành phần thí sinh là ngọn nguồn của hiện trạng, giải pháp sẽ là loại bỏ sự phân biệt đối xử đó đi. Không thể làm tức khắc thì cũng cần có lộ trình nhanh chóng. Trước mắt là loại bỏ gian lận thi cử, ai phạm lỗi phải chịu trừng phạt, không thể bao che. Song song đó là hạ thấp điểm cộng thêm. Tôi nghĩ điểm cộng thêm 1, 2 điểm là có thể, và cộng cho những thí sinh vùng thiếu thốn, không cộng vì khuynh hướng chính trị.

Một hệ thống tuyển chọn công bình với cơ hội bình đẳng cho mọi thí sinh sẽ phát triển và giữ chân nhân tài, góp phầnto lớn phát triển toàn xã hội.

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Muốn có người tài, cần loại bỏ phân biệt đối xử và gian lận thi cử