Công ty công nghệ sinh học Moderna cho biết hôm 26.7, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) của Mỹ sẽ chi thêm 472 triệu USD để hỗ trợ việc phát triển vắc xin phòng COVID-19.

Mỹ chi gần 1 tỉ USD để điều chế vắc xin ngừa COVID-19

27/07/2020, 10:41

Công ty công nghệ sinh học Moderna cho biết hôm 26.7, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Y sinh tiên tiến (BARDA) của Mỹ sẽ chi thêm 472 triệu USD để hỗ trợ việc phát triển vắc xin phòng COVID-19.

Hiện kinh phí đầu tư của BARDA cho Moderna phát triển vắc xin ngừa COVID-19 đã lên đến 955 triệu USD - Ảnh: The New York Times

Nhà sản xuất thuốc có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ) cho biết, khoản tài trợ bổ sung sẽ hỗ trợ đáng kể cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin chống lại vi rút SARS-CoV-2. Trong thử nghiệm nhỏ ban đầu được thực hiện bởi Viện Y tế quốc gia Mỹ, vắc xin của Moderna đã tạo ra kháng thể đối với toàn bộ 45 người tham gia.

“Chúng tôi tin rằng vắc xin này có thể hỗ trợ trong việc giải quyết đại dịch COVID-19 và ngăn chặn sự bùng phát trong tương lai”, Stéphane Bancel, Giám đốc điều hành của Moderna nói trong một thông báo.

Vắc xin sử dụng RNA thông tin (còn gọi là mRNA) để kích hoạt phản ứng miễn dịch với SARS-CoV-2 ở bệnh nhân. Có nguồn gốc di truyền từ vi rút, vắc xin mRNA về cơ bản mô phỏng một ca nhiễm COVID-19 tự nhiên, đánh lừa cơ thể sản xuất kháng thể với hy vọng chúng sẽ bảo vệ chống lại nhiễm trùng trong tương lai.

Moderna cho biết thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin bắt đầu vào ngày 27.7 với sự hợp tác của Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ. Thử nghiệm mở rộng này có sự tham gia của khoảng 30.000 người; trong đó 1 nửa sẽ nhận 1 liều vắc xin 100 microgam, số còn lại sẽ nhận thuốc an thần.

Vào tháng 4, Mỹ đã đầu tư 483 triệu USD cho Moderna như một phần của Chiến dịch Warp Speed, một nỗ lực của liên bang để cung cấp vắc xin và các phương pháp điều trị COVID-19 cho công chúng Mỹ nhanh nhất có thể. Hiện kinh phí đầu tư của BARDA cho Moderna phát triển vắc xin ngừa COVID-19 đã lên đến 955 triệu USD. Moderna cho biết có thể sản xuất từ 500 triệu tới 1 tỉ liều vắc xin mỗi năm, bắt đầu từ năm 2021.

Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện COVID-19 sau khi dịch khởi phát vào tháng 12.2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc. Dịch bệnh này đã khiến hơn 16,4 triệu người nhiễm và hơn 652.000 người chết. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với gần 4,4 triệu ca nhiễm, gần 150.000 ca tử vong.

Long Hải (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ chi gần 1 tỉ USD để điều chế vắc xin ngừa COVID-19