Sau nhiều lần lên án các hành vi leo thang quân sự gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ đã có đòn trừng phạt đầu tiên nhắm vào Bắc Kinh.

Mỹ có đòn trừng phạt đầu tiên sau khi Trung Quốc leo thang ở Biển Đông

24/05/2018, 06:25

Sau nhiều lần lên án các hành vi leo thang quân sự gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ đã có đòn trừng phạt đầu tiên nhắm vào Bắc Kinh.

Hình ảnh cuộc tập trận RIMPAC 2016 - Ảnh: Internet

Theo CNN, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sau khi tham vấn với Nhà Trắng, đã quyết định loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc tập trận RIMPAC có chu kỳ 2 năm dự định tổ chức vào tháng sau với sự góp mặt của hơn hai chục nước. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tá Christopher Logan đã tuyên bố quyết định trên kèm theo lý do ngắn gọn: "Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC".

Đồng thời, ông Logan khẳng định: "Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa phòng không (SAM) và các thiết bị làm nhiễu điện tử đến các đảo ở Trường Sa".

Trên thực tế, ngày 2.5, theo CNBC trích từ các nguồn tình báo Mỹ, Trung Quốc đã bí mật lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa phòng không trên đá Chữ Thập, đá Xubi và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp).

Ngày 9.4, Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu quân sự cho các căn cứ trên quần đảo Trường Sa, theo The Wall Street Journal. Một bức ảnh chụp bởi một công ty vệ tinh thương mại cho thấy một hệ thống bị cho là dùng để gây nhiễu với ăng ten xuất hiện trên đá Vành Khăn. Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời các chất vấn.

Ngay sau khi có thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa phi pháp ra Trường Sa, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói: "Chúng tôi biết rõ về tình trạng quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Chúng tôi đã nêu rõ sự quan ngại trực tiếp với phía Trung Quốc về vấn đề này và nêu rằng sẽ có hậu quả ngắn hạn và dài hạn". Bà Sanders khi ấy không nói rõ các hậu quả đó có thể là gì.

Những lời cảnh báo đó bị Trung Quốc để ngoài tai và tiếp tục leo thang ở Biển Đông bằng việc hôm 18.5 đã khoe hình ảnh máy bay ném bom hạt nhân H-6K hạ cánh trên một hòn đảo ở Biển Đông và sau đó được xác định là đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ghi nhận những thông tin đó và thấy rằng Trung Quốc đang tiếp tục "quân sự hóa Biển Đông". Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan, các sự kiện đó "chỉ làm căng thẳng gia tăng và gây bất ổn định trong khu vực".

Và phải đến 23.5, Mỹ mới có hành động trừng phạt đầu tiên nhắm vào Trung Quốc theo đúng như Eric Sayers, cựu cố vấn cho chỉ huy của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hồi đầu tháng tiên đoán. Khi ấy, ông Sayers gọi việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại các đảo nhân tạo ở Biển Đông là “một sự leo thang lớn”. Ông Sayers cũng đoán rằng Mỹ có thể đưa ra phản ứng ngay lập tức là hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa phương RIMPAC 2018 được tổ chức ở Hawaii trong năm nay.

“Trung Quốc thấy rằng sự tham gia của họ trong cuộc tập trận RIMPAC như một dấu hiệu thừa nhận rằng Bắc Kinh đứng trong hàng ngũ những ‘thế lực’ của hàng hải thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không được phép vừa quân sự hóa miền hàng hải mở này vừa vẫn được cộng đồng hàng hải quốc tế chào đón”, ông Sayers nhấn mạnh.

Theo ông Sayers, khi Trung Quốc thấy rằng hành động sai trái của họ chỉ phải đối mặt với phản ứng yếu ớt, hời hợt như những gì đã có vào năm 2015 và 2016, Bắc Kinh sẽ tiếp tục làm tới.

Ngày 8.5, trả lời về thông tin trên báo chí nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định: "Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC).

Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc".

Ngày 21.5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việc Trung Quốc cho máy bay ném bom tiến hành các hoạt động diễn tập cất cánh, hạ cánh trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), làm gia tăng căng thẳng, gây bất ổn trong khu vực và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động nêu trên, không được tiến hành quân sự hóa, nghiêm túc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), tạo bầu không khí thuận lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực”.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 4: Những con số biết nói
Các con số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức gia tăng khá; đời sống của nhân dân đã được cải thiện, công tác an sinh xã hội được các cấp quan tâm thực hiện kịp thời, thiết thực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ có đòn trừng phạt đầu tiên sau khi Trung Quốc leo thang ở Biển Đông