Mấu chốt để quyết định việc OPEC có đưa được ra là thỏa thuận giảm sản lượng hay không đang phụ thuộc vào việc hai nước đứng đầu là Saudi và Iran có thể dàn xếp được với nhau hay không. Và lần này đang có một sức ép buộc hai kẻ cứng đầu này phải xích lại gần nhau, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Mỹ đang đẩy Iran và Ả Rập Saudi xích lại gần nhau

03/06/2016, 15:25

Mấu chốt để quyết định việc OPEC có đưa được ra là thỏa thuận giảm sản lượng hay không đang phụ thuộc vào việc hai nước đứng đầu là Saudi và Iran có thể dàn xếp được với nhau hay không. Và lần này đang có một sức ép buộc hai kẻ cứng đầu này phải xích lại gần nhau, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Toàn bộ sự chú ý của thị trường dầu lửa toàn cầu đang hướng về hội nghị thượng đỉnh Tổ chức xuất khẩu dầu lửa quốc tế (OPEC) đang diễn ra ở Vienna để thảo luận về chính sách có thay đổi sản lượng của các nước thành viên hay không. Dù giá dầu hiện tại đã quay trở lại mức 50 USD/thùng sau hơn 6 tháng, nhưng tương lai trước mắt vẫn còn rất ảm đạm, khi mà các nguyên nhân gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung khiến dầu tăng giá trong thời gian qua, như cháy rừng ở Canada và bất ổn chính trị ở Nigeria sắp sửa kết thúc. Kết quả cuộc họp lần này sẽ quyết định tương lai giá dầu trong vòng 5 tháng tới, khi phải đến cuối tháng 11 năm nay OPEC mới họp lại lần nữa. Mấu chốt để quyết định việc OPEC có đưa ra được thỏa thuận giảm sản lượng hay không đang phụ thuộc vào việc hai nước đứng đầu là Saudi và Iran có thể dàn xếp được với nhau hay không. Và lần này đang có một sức ép buộc hai kẻ cứng đầu này phải xích lại gần nhau, đó là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Khác với mọi lần hội nghị thượng đỉnh OPEC khác, khi mà các cuộc thảo luận đều xoay quanh việc có nên tăng, giảm hay giữ nguyên sản lượng, cuộc họp lần này chỉ nhắm đến một mục tiêu ngay từ đầu, là thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Trong cuộc họp diễn ra ngày thứ năm 2.6, Ả Rập Saudi, nước đứng đầu OPEC, tuyên bố thẳng thừng mục tiêu mà OPEC theo đuổi là thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Dù giá dầu đã tăng trở lại mức 50 USD/thùng sau 6 tháng, vốn là một mức giá khá cao và gần đạt ngưỡng mà nhiều nước xuất khẩu dầu chờ đợi (60 USD/thùng), thì sự ổn định này vẫn rất mong manh. Các vụ cháy rừng ở Canada và bất ổn chính trị ở Nigeria vốn là nguyên nhân khiến cho giá dầu tăng cao thời gian qua do lo ngại gián đoạn nguồn cung sắp sửa kết thúc, đồng nghĩa với việc giá dầu sẽ lại sụt giảm do tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ lại diễn ra. Việc OPEC có thể đưa ra được một thỏa thuận cắt giảm sản lượng có thể trở thành một động thái mang tính chuẩn bị để kịch bản đó diễn ra.

Vì thế, hội nghị tại Vienna lần này được xem như một sự tiếp nối của hội nghị Doha cách đây gần 2 tháng bàn về việc đóng băng sản lượng, chỉ khác ở chỗ không có sự tham gia của các nước ngoài OPEC, như Nga chẳng hạn. Vấn đề cốt yếu vì thế sẽ lại xoay quanh sự bất đồng quan điểm giữa Ả Rập Saudi, nước đứng đầu OPEC, và Iran – nước đang có sản lượng xếp thứ 4 trong khối. Nguyên nhân khiến thỏa thuận Doha thất bại là do Iran không chấp nhận việc đóng băng sản lượng, trừ khi nước này đã đạt được mốc sản lượng trước khi bị cấm vận là khoảng gần 5 triệu thùng/ngày, còn Ả Rập Saudi thì tuyên bố sẽ không tham gia thỏa thuận đóng băng sản lượng ở Doha nếu như Iran không tham gia. Đã không có nước nào chịu nhượng bộ và thỏa thuận Doha đã đổ bể vào phút chót.

Mọi sự dường như đang được lặp lại tại hội nghị ở Vienna lần này, Saudi đang đề xuất một mức trần sản lượng đối với toàn khối OPEC là 32,5 triệu thùng/ngày, đây cũng là tổng mức sản lượng hiện tại của tất cả các nước thành viên OPEC. Tuy nhiên, Iran tiếp tục bày tỏ sự không chấp nhận. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ bất cứ kế hoạch trần sản lượng nào trừ phi có một cuộc thảo luận về hạn ngạch sản lượng của từng quốc gia. Ông cũng đưa thẳng ra điều kiện, trong đó Iran sẽ tham gia kế hoạch trần sản lượng của Saudi chỉ khi nước này có một hạn ngạch riêng. Cụ thể, theo thông lệ trước đó thì hạn ngạch mà Iran được nhận trong lần OPEC giảm sản lượng trước là 14,5% tổng sản lượng của OPEC. Ở thời điểm hiện tại, tổng sản lượng của OPEC đang là 32,5 triệu thùng/ngày, và mức hạn ngạch 14,5% mà Iran đang đòi hỏi đồng nghĩa với việc sản lượng của nước này sẽ đạt khoảng 4,7 triệu thùng/ngày, cao hơn mức sản lượng hiện tại của Iran là 3,8 triệu thùng/ngày theo ước tính của Tehran (hoặc 3,5 triệu thùng/ngày, theo ước tính của thị trường). Nói cách khác, Iran đang đòi phần chia lớn hơn trong chiếc bánh mà Saudi đang muốn cố định kích cỡ, bất kể phần thiệt có thuộc về nước nào chăng nữa.

Những động thái từ phía Ả Rập Saudi trong cuộc họp đang diễn ra ở Vienna dường như đang nghiêng về khả năng nước này sẽ chấp thuận yêu sách của Iran. Tân Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi là Khalid al-Falih tuyên bố trước báo giới rằng “chúng tôi sẽ rất nhẹ nhàng trong cách thức tiếp cận, và chắc chắn là sẽ không gây ra cú sốc nào cho thị trường”. So với người tiền nhiệm al-Naimi thì al-Falih được đánh giá mềm mỏng hơn và có khả năng dung hòa các quan điểm trái chiều trong nội bộ các nước OPEC tốt hơn so với sự cứng rắn có phần thái quá của al-Naimi. Al-Falih thậm chí còn tỏ ý sẵn sàng điều chỉnh lại phương án trần sản lượng miễn là các nước OPEC thống nhất với nhau: “chúng tôi sẵn sàng cân nhắc một trần sản lượng mới, và luôn lắng nghe mọi ý kiến từ phía Iran”.

Sự nhún nhường này của Ả Rập Saudi đang có một đồng minh khá tiềm năng, đó là Fed. Việc Fed tuyên bố sẽ tăng lãi suất đồng USD vào tháng này đang khiến tất cả các nước xuất khẩu dầu lửa trên thế giới nói chung và các nước OPEC nói riêng như đang ngồi trên đống lửa. Tác động của việc tăng giá đồng USD với sự sụt giảm giá dầu trên thị trường là rất rõ ràng, vì nó sẽ thúc đẩy các công ty dầu lửa tăng sản lượng khai thác để thanh toán các khoản nợ bằng USD của mình đang có xu hướng tăng lên do Fed tăng lãi suất. Nó sẽ khiến thị trường nhanh chóng rơi vào cảnh dư thừa cung sớm hơn dự kiến rất nhiều, và giá dầu có thể sẽ tụt dốc không phanh. Khi kịch bản này xảy ra, tất cả các nước OPEC đều bị thiệt hại chứ không riêng gì Saudi và Iran. Đó là lý do Saudi đang tỏ ra muốn nhượng bộ, và Iran có thể cũng sẽ chấp nhận điều đó để cứu vãn tình hình trước khi quá muộn.

Trong gần 2 năm qua, Mỹ, hay cụ thể là các công ty dầu phiến Mỹ, là kẻ thù của OPEC nói chung và Saudi cùng Iran nói riêng, khi cuộc cách mạng dầu đá phiến đã đẩy tất cả các nước xuất khẩu dầu rơi vào cảnh khó khăn do dầu sụt giá thê thảm. Nhưng đây có lẽ sẽ là lần đầu tiên Mỹ, mà cụ thể là Fed, sẽ tác động tích cực tới OPEC, khi Fed có thể đóng vai trò trung gian hòa giải sự xung đột giữa hai thành viên chủ chốt của OPEC là Saudi và Iran.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ đang đẩy Iran và Ả Rập Saudi xích lại gần nhau