Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21.5 đe dọa áp đặt “những trừng phạt mạnh mẽ nhất trong lịch sử”, bằng kinh tế lẫn quân sự, với Iran, nếu quốc gia Trung Đông không đáp ứng danh sách yêu cầu do Washington đưa ra.
Trong bài phát biểu nhằm đưa ra chiến lược tiếp cận Iran của Mỹ sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố Washington sẽ không chỉ khôi phục trừng phạt cũ mà còn bổ sung thêm trừng phạt mới. Theo ông: “Chế độ Iran nên biết rằng đây chỉ mới là khởi đầu”.
Ngoại trưởng Mỹ đưa ra 12 yêu cầu với Tehran, bao gồm đề nghị quốc gia Trung Đông phải công bố toàn bộ quá trình phát triển vũ khí hạt nhân trong quá khứ, dừng tất cả hoạt động làm giàu uranium, dừng việc phóng tên lửa đạn đạo mang được đầu đạn hạt nhân, ngừng hỗ trợ các nhóm Hamas, Hezbollah, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) và phiến quân Houthi ở Yemen, rút mọi lực lượng quân đội khỏi Syria.
Ông Pompeo cũng khẳng định chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không tách riêng đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran khỏi các vấn đề khác như xung đột khu vực, phát triển tên lửa. Ngoại trưởng Mỹ trong bài phát biểu không nói rõ nước này sẽ làm cách nào để huy động được sự hỗ trợ của quốc tế trong nỗ lực cô lập Iran.
Thỏa thuận Mỹ vừa rút khỏi có tên chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), do Washington cùng các cường quốc Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức đạt được với Iran hồi năm 2015. Theo đó, nếu từ bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân thì Iran đổi lại được quốc tế dỡ bỏ trừng phạt tài chính - kinh tế.
Sau động thái của Mỹ, các bên còn lại trong JCPOA, đặc biệt là những cường quốc châu Âu, đang nỗ lực duy trì thỏa thuận.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đánh giá ý định xem xét lại mọi vấn đề trong một thỏa thuận của Mỹ rất khó thực hiện. Ông đánh giá phạm vi vấn đề mà JCPOA đề cập là hợp lý.
“Mặt tốt của JCPOA là nó có mục tiêu rõ ràng. Đó là bảo vệ thế giới khỏi bom hạt nhân Iran, đổi lại nước này có được lợi ích kinh tế hữu hình”, Theo Ngoại trưởng Anh.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) nhận xét: “Bài phát biểu của ông Pompeo không làm rõ được việc hành động rút khỏi thỏa thuận có giúp khu vực an toàn hơn, hoặc có giúp chúng ta có vị thế tốt hơn để gây ảnh hưởng với Iran hay không. Không có phương án nào khác ngoài JCPOA”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chỉ trích Washington đang lặp lại những lựa chọn sai lầm.
Khi ông Pomeo đang có bài phát biểu, Lầu Năm Góc ngày 21.5 đã cho biết Mỹ “sẽ tiến hành các bước đi cần thiết để đương đầu và giải quyết ảnh hưởng của Tehran tại khu vực”.
Cẩm Bình (theo The Guardian, CNN)