Hãng Reuters đưa tin vào ngày 10.4, Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm tên 11 công ty vào Entity List - danh sách thực thể mà họ xác định có liên quan hoặc tham gia hoạt động đi ngược lại lợi ích hoặc an ninh quốc gia.
3 công ty Nga, 6 công ty Trung Quốc cùng 2 công ty Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bị cáo buộc vi phạm trừng phạt Iran, giúp sức sản xuất hoặc thu mua máy bay không người lái (UAV) cung cấp cho Nga dùng trong cuộc chiến Ukraine hoặc cho nhóm Houthi ở Yemen dùng để tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ.
Bộ Thương mại Mỹ xác định công ty Tân Thác (Giang Tây) hỗ trợ quân đội Nga thông qua hoạt động mua sắm, phát triển và phổ biến UAV. Công ty công nghệ Gia Tư Bác (Thẩm Quyến) thì nằm trong một mạng lưới thu mua linh kiện hàng không vũ trụ nhưng sử dụng được cho UAV và cung cấp chúng cho đối tác ở Iran. Bốn công ty LINKZOL (Bắc Kinh), Like Innovative (Tây An), Anwise (Bắc Kinh), SITONHOLY (Thiên Tân) bị cáo buộc mua hàng hóa Mỹ hỗ trợ quân đội Trung Quốc hiện đại hóa.
3 công ty Nga Aerosila JSC SPE, Delta-Aero LLC, JSC ODK-Star cũng có tên trong Entity List với lý do tương tự Tân Thác. Còn Khalaj Trading LLC cùng Mahdi Khalaj Amirhosseini xuấu khẩu hoặc âm mưu xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Iran thông qua UAE.
Với động thái mới nhất, đơn vị muốn bán hàng cho 11 công ty nêu trên phải xin cấp phép trước khi vận chuyển (nhiều khả năng bị từ chối).
Cuộc chiến Ukraine chứng kiến thiết bị không người lái được sử dụng vô cùng phổ biến. Chúng góp mặt trong rất nhiều nhiệm vụ, từ trinh sát đến tập kích, tấn công... Vài tuần gần đây, Nga tái triển khai chiến lược tấn công hạ tầng năng lượng bằng UAV làm dấy lên nỗi lo cảnh mất điện diện rộng sắp tái diễn.
Nguồn cung UAV cảm tử số lượng lớn cho lực lượng Nga là một bí ẩn lớn. Phương Tây cáo buộc Iran cung cấp máy bay không người lái, nhưng cả Moscow lẫn Tehran đều phủ nhận.
Trong khi đó, UAV cũng được Houthi sử dụng để tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ, buộc Mỹ cùng đồng minh phải triển khai tàu chiến đánh chặn.