Trang National Interest ngày 30.7 đăng bài viết của một học giả nhằm phản bác quan điểm của một nhà nghiên cứu rằng Mỹ không nên khiêu khích Trung Quốc bằng cách ủng hộ Đài Loan.

Mỹ không nên xem nhẹ việc Trung Quốc hù dọa Đài Loan

31/07/2018, 20:21

Trang National Interest ngày 30.7 đăng bài viết của một học giả nhằm phản bác quan điểm của một nhà nghiên cứu rằng Mỹ không nên khiêu khích Trung Quốc bằng cách ủng hộ Đài Loan.

Quân Đài Loan tập trận - Ảnh: Reuters

Quan điểm trên của nhà nghiên cứu Lyle Goldstein thuộc Học viện Hải chiến Mỹ. Trên trang National Interest, ông cho rằng chính sách Mỹ quá nguy hiểm, thậm chí so sánh Mỹ với Liên Xô là “một vụ khủng hoảng tên lửa Cuba theo chiều ngược lại”.

Ông Goldstein gợi ý Lầu Năm Góc nên giảm sự hiện diện quân sự Mỹ gần Trung Quốc, và từ bỏ “các học thuyết hung hăng”, vì chúng có thể gia tăng căng thẳng, và nhất là gây ra chiến tranh Mỹ-Trung.

Mỹ chớ nên “ngó lơ” mối đe dọa từ Trung Quốc

Ông Goldstein nêu “Trung Quốc không thật sự muốn xung đột quân sự với các láng giềng và Đài Loan. Nói cách khác, những ý đồ của Bắc Kinh là vô hại”.

Nhưng nhà nghiên cứu Gordon G.Chang, tác giả đầu sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, phản bác, nói Bắc Kinh có những hành động không thể gọi là “vô hại”.

Ngược lại, Trung Quốc vi phạm trắng trợn mọi chuẩn mực pháp lý, ví dụ chuyện Biển Đông là một minh chứng rõ ràng Bắc Kinh công khai không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chiến lược “4 không” của Bắc Kinh - là không tham gia, không chấp nhận, không công nhận và không tuân thủ - để phớt lờ phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa án Trọng tài thường trực The Hague (PCA) vốn bác tuyên bố ngang ngược của Bắc Kinh rằng có chủ quyền toàn bộ Biển Đông và “bằng cớ” là bản đồ tự vẽ “đường lưỡi bò 9 đoạn”, một khu vực ôm gần hết Biển Đông.

Nhà bình luận Chang nhắc Bắc Kinh từng chặn sóng sonar của tàu chiến không mang vũ khí Impeccable của hải quân Mỹ ở Biển Đông hồi tháng 3.2009, khẳng định đó chính là hành động gây chiến.

Tương tự là việc Trung Quốc bắt một tàu tự hành của hải quân Mỹ ở vùng biển Philippines hồi tháng 12.2016, với cớ nó xâm phạm “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ để ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.

Thêm ví dụ là việc Bắc Kinh hành động hung hăng-thù địch khi chiếm Bãi Scarborough của Philippines năm 2012, và những năm qua xây dựng trái phép-quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Chang nhấn mạnh rằng như bao thế lực khác trong lịch sử đã chứng minh, Bắc Kinh ưng chiếm đất mà không phải đánh trận, với chiến thuật hù dọa hoặc dùng vũ lực.

Ông Chang nói nhà nghiên cứu Goldstein không hề chú ý tham vọng bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh, vốn cũng đòi chủ quyền quần đảo Senkaku của Nhật và đặt tên là quần đảo Điếu Ngư thuộc vùng biển Hoa Đông, nơi mà Trung Quốc liên tục vi phạm Vùng Đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc, không-hải phận trên quần đảo Senkaku của Nhật.

Trung Quốc cũng thường quấy phá không-hải quân Mỹ ở các vùng không-hải phận quốc tế, như chiếu tia laser vào phi công Mỹ nhằm làm máy bay của họ bị rơi.

Dân Trung-Đài không phải “cùng một gia tộc xào xáo”

Ông Chang cho rằng ông Goldstein xa rời thực tế, có quan điểm sai về tình hình Đài Loan, ví dụ ông Goldstein cho rằng tranh chấp giữa Bắc Kinh với Đài Loan là “chuyện xào xáo trong nhà ở bên nửa kia địa cầu”.

Nhà bình luận Chang giải thích: thứ nhất là dân Đài Loan không tin người Trung Quốc là “người cùng gia tộc”, dù có lúc lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan cùng chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ.

Sau cuộc nội chiến Trung Hoa, tướng Tưởng Giới Thạch thua trận phải dẫn quân ra đảo Đài Loan năm 1949. Họ tự nghĩ là người Trung Hoa và để nắm quyền kiểm soát, tướng Tưởng tiến hành đàn áp dân địa phương và bóp nghẹt văn hóa, ngôn ngữ Đài Loan.

Ngay cả trước khi Quốc Dân Đảng của tướng Tưởng bị mất quyền lực trong những cuộc thất cử, các thăm dò cho thấy hơn 60% dân địa phương nghĩ họ là người Đài Loan, trong khi có một số ít nghĩ mình là người Trung Hoa. Và thế hệ càng trẻ hơn thì họ càng tự nhận là người Đài Loan.

Theo ông Chang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể nói về “đồng bào ở hai bên bờ eo biển Đài Loan là cùng một gia đình, máu đào hơn ao nước lã”, nhưng đại bộ phận dân Đài Loan đều bác tuyên bố của nhà lãnh đạo, với hơn 70% dân cư không nghĩ Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, như Bắc Kinh đã tuyên bố.

Tuyến phòng thủ của Mỹ vươn đến tận châu Á

Thứ hai, từ thập niên cuối của thế kỷ 19, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã vẽ vùng an ninh phía tây không chỉ giới hạn ở vùng biển bang California hoặc thậm chí Hawaii, mà đến tận vùng biển phía đông châu Á.

Đài Loan ở cực bắc Biển Đông và cực nam biển Hoa Đông, nên bị kẹp giữa tuyến phòng thủ thứ nhất của Mỹ. Đô đốc hải quân Mỹ Ernest King nổi tiếng với việc kêu gọi Đài Loan là “nút bần của cái chai”, vì Đài Loan là cái gai trong mắt không - hải quân Trung Quốc, và còn nằm trên tuyến phòng thủ của Nhật Bản. Có những đảo của Nhật ở phía nam Đài Bắc và vào ngày trời quang, từ đất Nhật có thể trông thấy núi non Đài Loan. Và vì Nhật là “đồng minh cốt lõi” của Mỹ ở châu Á, thì bảo vệ Đài Loan cũng chính là bảo vệ Mỹ.

Văn phòng kinh tế-văn hóa Đài Bắc ở New York nói với National Interest: “Từ lâu Đài Loan giữ một vai trò chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương, và an ninh khu vực là rất quan trọng đối với Mỹ”.

Nhà bình luận Chang kết luận: ông Goldstein có thể đúng khi nói chiến tranh Mỹ-Trung có thể bùng nổ vì Mỹ ủng hộ Đài Loan.

Nhưng chắc chắn chiến tranh cũng sẽ xảy ra, nếu Washington nghe theo tư vấn của vị học giả Học Viện hải chiến Mỹ, và giao số phận Đài Loan cho Bắc Kinh.

Vĩnh Thụy (theo National Interest)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ không nên xem nhẹ việc Trung Quốc hù dọa Đài Loan