Theo New Atlas, các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển các phân tử đặc biệt tạo ra lỗ hổng trên thành tế bào của vi khuẩn. Điều này khiến chúng bị hư hại và tạo điều kiện cho sự xâm nhập của kháng sinh - bao gồm cả những loại kháng sinh đã lỗi thời.
Sự lây lan của vi khuẩn kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa chính đối với y học hiện đại. Các mầm bệnh nhanh chóng thích nghi với các loại thuốc hiện đại nhất, ví dụ, chúng tạo ra thành tế bào mạnh hơn hoặc bơm phân tử đặc biệt để bơm các chất độc hại ra khỏi tế bào của chúng. Tuy nhiên, mặc dù vi khuẩn đối phó rất tốt với các cuộc tấn công hóa học, chúng thường bất lực trước tác động vật lý đơn giản.
Các nhà khoa học ở Đại học Rice đã phát triển các phân tử đặc biệt tìm kiếm các tế bào đích và gắn vào bề mặt của chúng. Sau khi được kích hoạt bằng ánh sáng, các phân tử bắt đầu quay với tốc độ lên tới 3 triệu vòng quay mỗi giây, tạo ra một lỗ hổng trên thành tế bào. Điều này có thể tự tiêu diệt vi khuẩn hoặc mở đường cho kháng sinh thâm nhập vào tế bào để chống lại vi khuẩn bao gồm cả những vi khuẩn đã phát triển kháng thuốc.
Các thí nghiệm trên vi khuẩn Klebsiella pneumoniae đã xác nhận tính hiệu quả của kỹ thuật mới. Việc sử dụng "máy khoan phân tử" đã tiêu diệt 17% vi khuẩn, còn khi kết hợp với kháng sinh meropenem thì tiêu diệt được 65%. Một sửa đổi nhỏ đã tăng chỉ số này lên 94%.
Thật thú vị, các chủng vi khuẩn được sử dụng trong thử nghiệm từng đã phát triển tính kháng với meropenem. Điều này có nghĩa là sử dụng "máy khoan phân tử" giúp khôi phục hiệu quả của các loại kháng sinh đã bị coi là không hiệu quả.
Vì kỹ thuật này dựa vào việc sử dụng nguồn kích thích ánh sáng, nên nó sẽ có hiệu quả nhất cho việc thủ tiêu các mầm bệnh trên da, nhiễm trùng phổi và đường ruột, cũng như màng sinh học trên bề mặt của các miếng cấy ghép. Trong tương lai, một kỹ thuật tương tự sẽ phá hủy các tế bào ác tính. Các thử nghiệm đầu tiên đã cho thấy hiệu quả của nó chống lại các tế bào ung thư tuyến tụy.
Vũ Trung Hương