Theo các quan chức tình báo Mỹ, việc CHDCND Triều Tiên đột ngột dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là một sự tính toán nhằm “câu giờ”, để Bình Nhưỡng giấu vũ khí hạt nhân chứ không nộp cho Mỹ.

Mỹ tố Triều Tiên 'câu giờ' để giấu vũ khí hạt nhân

17/05/2018, 20:38

Theo các quan chức tình báo Mỹ, việc CHDCND Triều Tiên đột ngột dọa rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều là một sự tính toán nhằm “câu giờ”, để Bình Nhưỡng giấu vũ khí hạt nhân chứ không nộp cho Mỹ.

Dân Hàn Quốc xem tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều - Ảnh: AP

Theo báo Washington Times ngày 16.5 (giờ Mỹ), các quan chức Mỹ nói lời đe dọa của Bình Nhưỡng cũng từ việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thể hiện với nhân dân rằng ông sẽ không chịu “cúi mình” trước Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hai bên nghi ngờ nhau

Lúc khuya 15.5, Triều Tiên tranh thủ có một cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn để biện hộ việc hủy cuộc đàm phán liên Triều (dự kiến tổ chức sáng 16.5).

Sau đó, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan tuyên bố Bình Nhưỡng tuyên bố không quan tâm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore ngày 12.6 nữa, nếu đấy chỉ là một cuộc gặp “một chiều” mà Triều Tiên bị Mỹ ép phải từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Thứ trưởng Kim còn chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, người đã có bình luận mang ý Triều Tiên nên học tập "mô hình Libya" và “Bình Nhưỡng nên nhanh chóng đóng gói chương trình hạt nhân và chở bằng tàu thủy qua Mỹ”, đồng thời cần lập tức từ bỏ tham vọng phát triển, sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Bolton nói: “Họ nên dẹp hết vũ khí hạt nhân, giải giáp, đưa chúng đến Oakridge của bang Tennessee. Điều này có nghĩa ngưng làm giàu uranium và khả năng tái xử lý plutonium”.

Mô hình Libya” là một thỏa thuận mà chính phủ Tổng thống Mỹ George Bush và nước Anh nhanh chóng đạt được với đại tá Moammar Gaddafi hồi năm 2003: nhà lãnh đạo Libya chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân sơ khai, đổi lại Libya được quốc tế nới lỏng lệnh cấm vận và lời hứa lập quan hệ bình thường với phương Tây.

Tuy nhiên, năm 2011 nổi lên những cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả Rập, quân nổi dậy lật đổ chế độ Gaddafi. Đại tá Gaddafi cũng bị quân nổi dậy truy lùng rồi giết chết sau khi phát hiện đang trốn trong một ống cống. Sau sự kiện này vài tuần, ông Kim Jong-un thay cha nắm quyền lực ở Triều Tiên.

Trước đó, Mỹ lấy cớ Tổng thống Saddam Hussein có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) để xâm lược Iraq năm 2003. Bình Nhưỡng luôn xem việc ông Hussein bị xử treo cổ, đại tá Gaddafi bị giết là lý do Triều Tiên cần có vũ khí hạt nhân đề phòng Mỹ xâm lược.

Thứ trưởng Kim nói: “Thế giới biết rõ tổ quốc chúng tôi không phải là Libya hoặc Iraq vốn đã gặp phải số phận bi thảm. Thật là vô lý khi dám so sánh Triều Tiên, một quốc gia có vũ khí hạt nhân, với Libya vốn chỉ mới khởi động phát triển hạt nhân”.

Thứ trưởng Kim còn chỉ trích các bình luận khác của Mỹ, rằng Triều Tiên nên từ bỏ hoàn toàn không chỉ vũ khí hạt nhân và tên lửa, mà còn phải từ bỏ các loại vũ khí sinh học và vũ khí hóa học.

Lời dọa của Triều Tiên khiến gợi lại những câu hỏi về tầm cỡ phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, và liệu ông Kim có sẵn sàng từ bỏ “bảo kiếm công lý”, theo cách Triều Tiên gọi kho vũ khí hạt nhân?

Các quan chức Mỹ và những nhà phân tích nói đã quá rõ chuyện Bình Nhưỡng kéo dài các cuộc đàm phán và ký những thỏa thuận mà Triều Tiên không hề có ý định thực hiện.

Ông Anthony Ruggiero, nhà nghiên cứu cấp của Hội Bảo vệ các nền dân chủ (Mỹ) và thân cận chính phủ Trump cũng như có kinh nghiệm đàm phán với Bình Nhưỡng, nói: “Triều Tiên có niềm tin là họ luôn có thể lừa được Mỹ. Có thể ngay lúc này họ đang toan tính dọn sạch các cơ sở hạ tầng hạt nhân, đồng thời cũng muốn câu thêm giờ để làm việc này”.

Cố vấn Bolton "bị đẩy khỏi xe buýt"

Theo Guardian ngày 17.5, việc Thứ trưởng Triều Tiên chỉ trích ông Bolton buộc ông Trump phải quyết có nên tiếp tục tin dùng vị Đại sứ Mỹ tại LHQ (thời ông Bush) có quan điểm, chiến thuật cứng rắn với Iran, Iraq và Triều Tiên?

Ông Bolton từng viết hồi ký Đầu hàng không phải là một giải pháp, trong đó khoe ông liên tục phá vỡ những nỗ lực duy trì đối thoại với Bình Nhưỡng của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bình Nhưỡng cũng gọi ông Bolton là “tên khát máu”, Thứ trưởng Kim nói rõ “Chúng tôi không giấu cảm giác ghê tởm ông ta”.

Hồi đầu tuần, một nhà ngoại giao phương Tây dự báo một sự nhượng bộ không thể tránh để có cuộc gặp ông Kim, sẽ buộc ông Trump phải chia tay với vị Cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 của Nhà Trắng, hoặc ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên, để ông có một cuộc trình diễn tầm cỡ lịch sử nhưng không rõ kết quả sẽ thế nào.

Ông Trump hiện thích thú với viễn cảnh được giải Nobel Hòa bình 2019, rõ ràng đang muốn giữ cuộc hẹn ở Singapore. Ngày 16.5, ông nói: “Chúng ta hãy chờ xem”, khi được hỏi về cuộc gặp này, và “chúng tôi chưa hề biết Triều Tiên đã hủy”.

Vị chủ nhân Nhà Trắng cũng nhấn mạnh khi gặp ông Kim, ông sẽ đề cập chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng theo Guardian, hai bên hiểu sai ý nghĩa của mục tiêu “hoàn toàn phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên”.

Với Triều Tiên, câu này có nghĩa một quá trình giải giáp vũ khí hạt nhân dài lâu, liên quan tất cả các cường quốc mà Triều Tiên cũng phải được công nhận là một thành viên.

Nhưng chính phủ Mỹ hiểu, hoặc muốn hiểu, ông Kim đã sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân mà hồi đầu năm 2018 ông từng tuyên bố Triều Tiên đã có.

Ngày 16.5, thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders đã nói rõ vẫn để ngỏ khả năng gặp ông Kim: “Nếu họ muốn gặp, chúng tôi sẵn sàng. Nếu họ không muốn cũng không sao”.

Bà Sanders tách ông Trump khỏi “mô hình Lybia” của Cố vấn An ninh quốc gia Bolton: “Tôi không thấy đó là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào, nên tôi không biết đó là một mô hình mà chúng tôi đang sử dụng. Tổng thống Mỹ có mô hình riêng và sẽ thực hiện nếu cảm thấy đúng”.

Ông Jeffrey Lewis, Chủ nhiệm chương trình không phổ biến hạt nhân ở Đông Á (thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Monterey) nói: “Sáng nay, Sanders đẩy Bolton xuống khỏi chiếc xe buýt”.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times, Guardian)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ tố Triều Tiên 'câu giờ' để giấu vũ khí hạt nhân