Mỹ sẽ triệt thoái gần 12.000 quân khỏi Đức trong một động thái đã thu hút sự phản đối của cả lưỡng đảng trong quốc hội và các đồng minh chủ chốt, những người coi động thái này là một đòn giáng mạnh vào NATO.

Mỹ triệt thoái 12.000 quân tại Đức để... răn đe Nga

29/07/2020, 22:25

Mỹ sẽ triệt thoái gần 12.000 quân khỏi Đức trong một động thái đã thu hút sự phản đối của cả lưỡng đảng trong quốc hội và các đồng minh chủ chốt, những người coi động thái này là một đòn giáng mạnh vào NATO.

Lính Mỹ tại Đức

Theo các quan chức quốc phòng Mỹ, quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút hàng ngàn binh sĩ sẽ mất nhiều năm để thực thi và có khả năng gây thiệt hại hàng tỷ đô la.

Kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi đồng minh NATO cũng vấp phải sự phản đối rộng rãi từ lưỡng đảng trong bối cảnh lo ngại rằng điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của quân đội Mỹ trước nước Nga. Tuy nhiên, chính quyền Trump vẫn quyết định tiến hành động thái này và cho rằng kế hoạch đó phục vụ việc tăng cường răn đe Nga.

Khoảng 11.900 lính Mỹ, trong các đơn vị Lục quân và Không quân, sẽ rút khỏi Đức để đáp ứng theo yêu cầu của Tổng thống Trump trong việc giới hạn lực lượng Mỹ tại Đức ở mức khoảng 25.000 người.

Thông báo chính thức được Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đưa ra hôm thứ Tư trong cuộc họp tại Lầu năm góc. "Kế hoạch EUCOM hiện tại sẽ tái định vị khoảng 11.900 nhân viên quân sự từ Đức, từ khoảng 36.000 xuống còn 24.000, theo cách sẽ củng cố NATO, tăng cường sự răn đe đối với Nga và đáp ứng các nguyên tắc khác mà tôi đặt ra", ông nói với các phóng viên.

Trong số các binh sĩ rời khỏi Đức, khoảng 5.400 người sẽ "ở lại châu Âu". 6.400 còn lại và gia đình của họ sẽ được đưa trở lại Mỹ và sẽ kịp thời triển khai trở lại châu Âu.

Các quan chức quốc phòng cho biết điều này sẽ tiêu tốn hàng tỉ USD vì việc xây dựng căn cứ quân sự mới có thể sẽ phải tiến hành cả ở châu Âu và Mỹ để đóng thêm quân.

Trung tâm chỉ huy chính đang được di chuyển

Tướng Tod Wolters, chỉ huy Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ cho biết Mỹ sẽ chuyển trụ sở EUCOM từ Đức sang Bỉ như một phần trong nỗ lực hợp tác với Bộ chỉ huy NATO có trụ sở ở đó. Đồng thời, trụ sở Bộ Tư lệnh Châu Phi của Mỹ cũng có thể được chuyển đến một địa điểm tương tự.

"Chúng tôi cũng có ý định tái định vị ba trụ sở cỡ lữ đoàn, một tiểu đoàn pháo phòng không và một tiểu đoàn kỹ thuật từ Đức đến Bỉ, và hai đơn vị hợp đồng tác chiến nhỏ hơn tới Ý", tướng Wolters nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc.

Tướng Wolters cho biết thêm rằng một phi đội F-16 sẽ được chuyển từ Đức sang Ý và họ dự đoán sẽ chuyển hai tiểu đoàn từ Đức sang Ý.

Các quan chức quốc phòng xác nhận rằng việc tái định vị sẽ mất "vài tháng để lên kế hoạch và nhiều năm để thực thi”. Với tiến độ như vậy thì kế hoạch có thể bị đảo ngược nếu ông Trump thất cử vào tháng 11.

Các quan chức quốc phòng nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng như các thành viên chủ chốt của Quốc hội, đã được thông báo về kế hoạch rút quân.

Các quan chức quốc phòng cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã chỉ đạo rằng việc tái định vị nhằm tìm cách tăng cường răn đe chống lại Nga, củng cố NATO và hỗ trợ các gia đình có người thân phục vụ quân đội Mỹ.

Ông Trump cho biết phải thực hiện kế hoạch này vì ông tin rằng Đức không chi tiền đủ cho quốc phòng. Ngân sách quốc phòng của Đức không đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP, khi Berlin chỉ chi khoảng 1,38%.

"Một trong những quốc gia không đồng ý chi những gì đáng ra họ phải trả (theo mốc 2% của NATO) là Đức. Vì vậy, tôi đã nói trừ khi họ trả tiền, chúng tôi sẽ rút bỏ binh lính của chúng tôi, một số binh sĩ của chúng tôi, khoảng một nửa. Sau đó, khi chúng tôi rút xuống còn khoảng 25.000, chúng tôi sẽ thấy mình đang ở đâu", ông Trump đã nói vào tháng trước.

Tuy nhiên, trên thực tế, Bỉ và Ý, hai quốc gia sẽ tiếp nhận quân đội Mỹ từ Đức, dành một tỷ lệ cho quốc phòng thậm chí nhỏ hơn so với Berlin. Ý chỉ dành khoảng 1,22% GDP cho chi tiêu quốc phòng trong khi Bỉ dành khoảng 0,93% GDP cho quốc phòng, xếp hạng gần mức thấp nhất trong số các thành viên NATO.

Trong khi lãnh đạo cấp quốc gia của Đức hầu như im lặng trước việc Mỹ cắt giảm quân đội, thì lãnh đạo cấp địa phương ở các bang mà quân đội Mỹ đặt cân cứ đã viết thư cho các thành viên của Quốc hội Mỹ yêu cầu họ giúp đảo ngược quyết định.

Chúng tôi khẩn cầu sự hợp tác sâu sắc này sẽ tiếp tục và duy trì các lực lượng Mỹ ở lại các căn cứ tại Châu Âu và Đức ", các nhà lãnh đạo của bang Baden-Wuerttemberg, Rhineland-Palatinate, Hesse và Bavaria viết.

"Do đó, chúng tôi kêu gọi các ngài ủng hộ khi chúng tôi cố gắng không cắt đứt mối quan hệ hữu nghị mà chúng ta phải củng cố nó và bảo đảm sự hiện diện của Mỹ ở Đức và Châu Âu trong tương lai", lá thư viết.

Tại sao rút quân khỏi Đức lại tăng cường răn đe Nga?

Ý tưởng của kế hoạch là đưa một số binh sĩ Mỹ trở về nước và triển khai một số lực lượng khác tới các nước thuộc khối Liên Xô cũ nhằm mục đích răn đe Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã thể hiện tham vọng quân sự của mình khi sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Lầu Năm Góc tin rằng, việc vừa duy trì đóng quân lâu dài cùng với sự luân chuyển phần lớn các lực lượng quân đội trong cũng như ngoài các nước thuộc khối Liên Xô cũ sẽ linh hoạt hơn và khó đoán định, từ đó gây bất ổn hơn cho Nga.

.Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ triệt thoái 12.000 quân tại Đức để... răn đe Nga