Chính phủ Mỹ đã mua phải một số áo chống đạn và mũ chống đạn sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại được khai báo là hàng sản xuất tại Mỹ. Lô hàng này trị giá 640.000 USD.

Mỹ trúng quả lừa áo - nón chống đạn ‘Made in China’

20/12/2019, 14:16

Chính phủ Mỹ đã mua phải một số áo chống đạn và mũ chống đạn sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại được khai báo là hàng sản xuất tại Mỹ. Lô hàng này trị giá 640.000 USD.

Lính hải quân Mỹ thuộc hạm đội 5 sử dụng áo và nón chống đạn - Ảnh: Reuters

Trang Quartz cho biết hôm 17.12, đặc vụ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã bắt Arthur Morgan, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Thiết bị Giám sát (SEG) về tội gian lận điện tử. Các nhà điều tra nói chủ tịch SEG Samuel Jian Chen cũng có vẻ dính líu vụ gian lận này.

SEG là một nhà thầu quốc phòng, đã bán cho chính phủ Mỹ lô hàng áo chống đạn, mũ chống đạn và phương tiện chống bạo loạn trị giá 64.000 USD. Lô hàng này bị khai man là “sản xuất tại Mỹ” nhưng thực chất là “made in China”.

Các công tố viên Mỹ nói SEG đã cung cấp phương tiện bảo vệ an ninh cho chính phủ Mỹ từ năm 2003. Trong ít nhất 10 lần, ông Morgan nộp bản khai có thề nói sự thật, rằng sản phẩm ông bán cho chính phủ là hảng sản xuất tại Mỹ hoặc các nước khác được Mỹ chấp thuận. Trung Quốc bị loại trừ khỏi danh sách các nước được phép này.

Theo cáo trạng, FBI bắt đầu điều tra SEG từ năm 2018. Hồi tháng 5.2018, một đặc vụ cùng Bộ binh Mỹ xem thấy ảnh chụp một chiếc nón chống đạn - do SEG đăng ký bán trên một trang web chính phủ Mỹ - có vẻ đã bị sửa. Đặc vụ tiến hành một cuộc tìm kiếm truy ngược hình ảnh, phát hiện ảnh của SEG đã bị xóa khỏi trang thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc).

Cáo trạng viết: “Danh mục này cho thấy chiếc nón được giới thiệu là do Tập đoàn xuất - nhập khẩu Trung Quốc Xinxing (CXXC) sản xuất. CXXC do Tổng cục Hậu cần của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) lập năm 1987, và nay do Chính phủ Trung ương Trung Quốc quản lý”.

Các nhà điều tra FBI kiểm tra biên bản giao - nhận hàng do Cơ quan Hải quan - Biên phòng Mỹ (CBP) lập, phát hiện 14 chuyến hàng nón và áo chống đạn do CXXC ở Bắc Kinh gởi đến SEG. Thời hạn giao hàng trùng hợp với đơn mua nón và áo chống đạn mà Hải quân Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ đặt với SEG. Biên bản giao - nhận hàng trong khung thời gian này “không chỉ ra việc SEG nhận các lô hàng nón và áo chống đạn từ bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc”, theo cáo trạng.

Khi các đặc vụ FBI tháo lớp mủ bên trong vài chiếc nón chống đạn, họ phát hiện chữ Trung Quốc viết tay trên nón. Một cuộc tìm kiếm truy ngược hình ảnh khác trên một áo chống đạn (do SEG giới thiệu) cũng được phát hiện do CXXC sản xuất.

Nhưng trong các thư điện tử gởi các sĩ quan ở Trung tâm Chiến tranh Hải quân, Morgan khai SEG sản xuất nón và áo chống đạn “tại xí nghiệp của chúng tôi ở phía nam bang Virginia”. Các nhà điều tra nói họ không tìm ra được bất kỳ xí nghiệp ở địa bàn này.

Theo một dữ liệu hợp đồng liên bang, FBI phát hiện SEG bán các phương tiện này cho 5 cơ quan liên bang - trong đó có 3 cơ quan được giấu tên trong cáo trạng - với tổng số tiền 640.000 USD.

Cáo trạng chống lại SEG diễn ra 6 tuần sau khi chính phủ Mỹ cáo buộc một công ty (ở New York) lén giao ống nhòm nhìn ban đêm và máy quay cảm ứng thân nhiệt “made in China” cho quân đội Mỹ và khai man là hàng “made in USA”. Và hồi tháng 9, một tay buôn vũ khí 82 tuổi đã bị bắt, vì tội “công khai bán các linh kiện thay thế cho các hệ thống vũ khí Mỹ” cho Lầu Năm Góc trong vòng 20 năm. Một số linh kiện này cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Mối nguy nhận các thiết bị, phương tiện quân sự từ Trung Quốc và các nơi khác này, là những mặt hàng không được phép bán cho chính phủ Mỹ này không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đã được ấn định, từ đó đặt quân nhân Mỹ và các nước đồng minh vào những nguy hiểm không cần thiết. “Trường hợp này là một hiện tượng phổ biến rộng hơn so với những gì chúng ta thường thừa nhận”, ông Cedric Leighton, một cựu đại tá không quân Mỹ nói với trang Quartz.

Hiện làm việc cho một công ty tư vấn rủi ro tư nhân, ông Leighton đã điều tra nhiều sai phạm hợp đồng liên bang cho tổ chức phi vụ lợi Project on Government Oversight. Ông nói: “Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ gian lận này trong nhiều năm. Chính phủ Mỹ luôn không giám sát chặt chẽ các hợp đồng này, phần nào vì họ không có đủ nhân sự, hoặc họ đang vội mua hàng hóa hoặc dịch vụ”.

Vị cựu đại tá còn nói vụ SEG gian lận cho thấy ‘rào cản gia nhập thị trường này rất thấp. Nói chung, tất cả những gì bạn cần là một sự kết nối internet, một tài khoản ngân hàng, và đối tác sẵn sàng hợp tác ở một quốc gia như Trung Quốc và thế là bạn có riêng một doanh nghiệp bán lại các phương tiện’.

Nhà sáng lập SEG hiện bị giam giữ, nên Quartz không thể lấy được lời bình luận. Ông ta không có luật sư đăng ký trên cáo trạng. Hải quân Mỹ chưa trả lời đề nghị bình luận.

Mỹ Trinh (theo Quartz)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ trúng quả lừa áo - nón chống đạn ‘Made in China’