Những hành vi sai trái trên Biển Đông của Trung Quốc chỉ càng khiến Mỹ xây dựng liên minh với các nước khó chịu với những hành vi này, đồng thời nghi ngờ sự chân thành trong lời hứa của Bắc Kinh về hòa bình trên biển.
Việc Trung Quốc tạo sóng trên Biển Đông sẽ là chủ đề chính của Diễn đàn Khu vực ASEAN ở thủ đô Bangkok của Thái Lan vào ngày 2.8 tới, với sự tham dự của các nhà ngoại giao hàng đầu của 10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á, cùng các Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Vương Nghị của Trung Quốc, Sergei Lavrov của Nga.
Các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông đã bị Mỹ gọi là “hành vi bắt nạt các nước nhỏ, khiêu khích và gây bất ổn”, gồm việc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút tàu.
Theo hãng tin Reuters ngày 31.7, nhà nghiên cứu Hai Hong Nguyen ở Đại học Công nghệ Queensland (Úc) nói: “Vai trò của Mỹ là không thể chối cãi và rất quan trọng, và họ cần thúc ép Trung Quốc mạnh hơn. Cộng đồng quốc tế cũng cần làm thế. Tất cả các nước đòi chủ quyền cần quốc tế hóa vấn đề này”.
Việt Nam đã có sự ủng hộ nhất định từ phía Nga vốn có Tập đoàn dầu khí nhà nước Rosneft liên doanh với Việt Nam tại một dàn khoan dầu. Hai ngày sau khi một tàu cảnh sát biển Trung Quốc bị phát hiện gần dàn khoan này ngày 16.7 - một hành vi mà Sáng kiến Minh bạch Hàng Hải (AMTI) gọi là “hành vi đe dọa” - hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin Tổng thống Vladimir Putin đích thân gởi thông điệp cảm ơn Rosneft Việt Nam đóng góp vào hoạt động của dàn khoan.
Không chỉ với Việt Nam mà Trung Quốc còn có nhiều hành động khiến các nước ASEAN khác khó chịu. Theo AMTI, cũng tàu Trung Quốc này bị phát hiện gần một dàn khoan dầu của Malaysia hồi tháng 5. Qua tháng 6, một tàu cá Trung Quốc đâm húc một tàu cá Philippines rồi bỏ chạy, buộc 22 thuyền viên Philiipines phải rời khỏi chiếc tàu chìm trước khi họ được người Việt Nam cứu. Trung Quốc nói đó chỉ là một tai nạn.
Ngày 29.7, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines xác nhận 5 tàu chiến Trung Quốc đã đi qua vùng nội thủy 12 hải lý của Philippines mà không báo trước cho Manila biết.
Theo Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Đông Nam Á, hành vi hung hăng gia tăng của Trung Quốc không tình cờ, mà là một phản ứng với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở cửa của Mỹ, cũng như với những chuyến bay của máy bay ném bom B-52 và tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông.
Ông Thayer cho rằng Trung Quốc muốn ngăn cản các nước Đông Nam Á khai thác nguồn dự trữ năng lượng nếu không có sự tham gia của Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng không muốn các nước này lập quan hệ với các nước khác. Ông viết: “Việc Trung Quốc sử dụng các chiến thuật vùng xám sẽ không tránh được việc các nước trong khu vực này có biện pháp đối phó và đẩy lui. Việc này có nguy cơ leo thang xung đột trên biển”.
Bào chữa cho thái độ của Bắc Kinh, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa hôm 30.7 nói Trung Quốc cam kết thực thi luật pháp quốc tế, “tích cực làm việc” với ASEAN để lập Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong vòng 3 năm. Ông nói: “Dù Trung Quốc sẽ mạnh lên thế nào chăng nữa, Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm vị trí độc bá, không bao giờ tạo lập tầm ảnh hưởng”. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy có khoảng cách lớn giữa lời nói và hành động của Trung Quốc.
Mỹ Trinh (theo Reuters)