Một nhóm sinh viên sắp tốt nghiệp tại Na Uy đã dành cả mùa hè của mình để phát triển 'robot container' thông minh, giúp chuyên chở hải sản tươi sống mà không cần tới sự tương tác của con người.
Ngành đánh bắt hải sản trong những năm vừa qua liên tục phải phát triển theo hướng bảo quản sản phẩm của mình, nhằm thích hợp hơn với yêu cầu ngày càng cao cũng như đảm bảo vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng. Robot chuyên chở hải sản tự động SEAtrue được phát triển như là một giải pháp mới cho chuỗi cung ứng hải sản.
"Tiến bộ kỹ thuật cho chúng ta cơ hội chưa từng có để đánh bắt hải sản hiệu quả hơn. Hệ thống này tăng nhiệt độ làm lạnh, giúp hải sản kéo dài độ tươi, tàu hoàn toàn tự lái và khả năng chứa nhiều hải sản giúp giảm chi phí, đảm bảo chất lượng hải sản cao hơn và gây dựng lòng tin từ người tiêu dùng. Chúng tôi đang tìm cách nắm bắt những cơ hội mới mà công nghệ giúp cho chúng ta", Giám đốc dự án Ole Johan Lønnum, một sinh viên ngành công nghệ hàng hải tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (Norwegian University of Science and Technology - NTNU) nói.
Một ứng dụng dành cho người đánh bắt hải sản tên TraceEat sẽ được thiết lập giúp người dùng gửi thông tin tới DNV GL (tên chính thức của dự án) nhằm xác minh thông tin và đưa loại tàu tự hành phù hợp tới nhận hàng. Hải sản sẽ được vận chuyển trong các thùng container thông minh, có khả năng làm mát tiên tiến giúp kéo dài thời gian tươi sống của chúng.
Theo nhóm sinh viên thực hiện dự án, các tàu thông minh của họ sẽ được điều đến đúng tọa độ của tàu chế biến hải sản trên biển, nhận hàng và giao hàng ở một bến cảng gần đó. Điều này giúp cho vận chuyển đường biển trở nên hiệu quả hơn.
Việc sử dụng công nghệ mới này giúp giảm bớt chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng ở nhiều khu vực có hạ tầng kém phát triển, thay vào đó đổi mới cách vận chuyển làm gia tăng giá trị của sản phẩm hải sản tươi sống.
"SEAtrue là một hệ thống chuỗi cung ứng tiên tiến giúp tạo ra hệ thống phân phối hàng hóa tối ưu, giảm khí thải nhà kính. Hơn nữa, nó giúp điều chỉnh ngành sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra một ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản bền vững", Lønnum nói.
Nếu được xúc tiến đầy đủ, nhóm sinh viên tự tin rằng dự án của họ có thể cho ra thị trường và hoạt động chính thức vào năm 2030.
Tự động hóa, thay đổi phương thức vận chuyển hàng hóa đang là ưu tiên nghiên cứu hàng đầu của nhiều nước nhằm giảm bớt chi phí, tối đa hóa nguồn lực, giảm ô nhiễm môi trường. Hồi đầu năm nay, chính phủ Na Uy đã phát động chiến lược đại dương của mình, nhằm giải quyết việc làm và tăng trưởng bền vững trong nền kinh tế xanh - nhấn mạnh vào ngành công nghiệp nuôi trồng thủy hải sản.
Thiên Hà