Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, năm 2023 có thể đầu tư vào các ngành như ngân hàng, BĐS công nghiệp, vận tải, công nghệ thông tin, viễn thông…

Năm 2023, đầu tư vào cổ phiếu nào?

Hoài Lam | 15/01/2023, 16:13

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị, năm 2023 có thể đầu tư vào các ngành như ngân hàng, BĐS công nghiệp, vận tải, công nghệ thông tin, viễn thông…

Theo Báo cáo chiến lược đầu tư năm 2023 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), bước sang năm 2023, VN-Index được dự báo dao động trong vùng 900 – 1.200 điểm với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm, tương đương giảm gần 18% so với mức đỉnh của năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số cũng có thể sẽ có lúc rơi xuống khoảng 900 điểm trong bối cảnh FED vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

Chứng khoán VCBS đưa ra một số gợi ý đầu tư cho năm 2023. Cụ thể, các cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản, cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhìn chung thì kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định bởi triển vọng kinh tế vĩ mô không quá khả quan trong năm 2023.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023 và theo đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Việc cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong lĩnh vực bất động sản, cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng tăng khiến cho triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan.

Nhưng xét về dài hạn, các nhà phân tích của VCBS cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn rất lớn, đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tổng hợp lại các yếu tố, trong giai đoạn này, nhà đầu tư có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang ở chu kỳ bán hàng (không phải ở giai đoạn triển khai dự án) có tỷ lệ vay nợ so với vốn chủ sở hữu thấp và lựa chọn thời điểm giải ngân khi thị trường hồi phục sau khi đã tạo lập thành công đáy trung hạn.

Tiếp theo, cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023.

cp.jpg
Cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế được khuyến nghị

Mặt khác, đây đều là các nhóm ngành đã có sự phục hồi nhất định từ giữa năm 2022 sau khi Việt Nam kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội. Trong bối cảnh hiện tại, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, những cổ phiếu như vậy sẽ nghiêng nhiều hơn về nhóm vận tải, công nghệ thông tin và viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước, …

Nhóm phân tích cho rằng, nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức băng tiền mặt.

Theo báo cáo của KBSV trước đó,, trong kịch bản cơ sở, vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2023 ở mức 1.240 điểm, tương ứng với mức tăng 8.05% của EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX, vùng P/E mục tiêu là 12 lần.

Trong kịch bản cơ sở, theo KBSV, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc trở lại bình thường đầu quý 2.2023 sẽ mang lại một số tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam nhưng không gây áp lực quá mạnh lên lạm phát toàn cầu.

FED sẽ chỉ có thêm 2 lần tăng 25 điểm cơ bản vào quý 1/2023 và bắt đầu hạ lãi suất vào quý 4 khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhẹ; tốc độ tăng cung tiền M2 về gần mức trước dịch và mặt bằng lãi suất trong nước hạ nhiệt dù vẫn ở mức cao; không có sự đổ vỡ trên diện rộng ở thị trường TPDN.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có cơ hội mở rộng thêm đà hồi phục vào quý 1/2023, tiếp nối nhịp hồi phục từ cuối năm 2022, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào 2 động lực chính là Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và FED chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 3”, báo cáo nêu.

Tuy nhiên, KBSV cho rằng, quý 2 là thời điểm các lo ngại suy thoái kinh tế sẽ gây áp lực lên TTCK toàn cầu khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu suy yếu rõ ràng hơn, áp lực đáo hạn TPDN lớn khiến rủi ro thị trường gia tăng và chỉ số VN-Index đứng trước nguy cơ quay lại xu hướng điều chỉnh.

Giai đoạn nửa cuối 2023, sự chú ý của thị trường sẽ tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn, cũng như mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ và EU.

Kịch bản cơ sở với 1 cuộc suy thoái nhẹ xảy ra, đủ để các ngân hàng trung ương đảo ngược chính sách trong khi không gây tổn thất quá lớn đến kinh tế toàn cầu.

Theo đó, TTCK Việt Nam sẽ có cơ hội hồi phục trở lại với động lực đến từ động thái nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương, trong khi nền tảng vĩ mô trong nước duy trì ổn định.

Trong kịch bản tiêu cực, chỉ số VN-Index được dự báo giảm về mốc 880 điểm cuối 2023 (tương ứng mức giảm EPS 8% và P/E ở mức 10.x).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2023, đầu tư vào cổ phiếu nào?