Có ít nhất 5 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỉ USD (unicorn) vào năm 2025, có ít nhất 10 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỉ USD vào năm 2030.

Năm 2025, Việt Nam cần có ít nhất 5 công ty công nghệ ‘kỳ lân’

Thu Anh | 12/08/2019, 21:18

Có ít nhất 5 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỉ USD (unicorn) vào năm 2025, có ít nhất 10 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỉ USD vào năm 2030.

Theo dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về áp dụng công nghệ, chuyển đổi quản trị khu vực công, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt vị trí thấp nhất là 60, đến năm 2030 đạt vị trí thấp nhất là 30 về Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc.

Về Chỉ số Tham gia Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu đạt vị trí thấp nhất là 50, đến năm 2030 đạt vị trí thấp nhất là 25. Đến năm 2025, 100% các cơ quan hành chính thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% các đơn vị sự nghiệp công ứng dụng CNTT trong giao tiếp với người dân và áp dụng thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng thiết bị di động.

Về ứng dụng, chuyển đổi công nghệ của doanh nghiệp và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, dự thảo đề ra mục tiêu tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025, đạt ít nhất 40% vào năm 2030.

Đạt ví trí thấp nhất là 40 vào năm 2025, thấp nhất là 30 vào năm 2030 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Có ít nhất 5 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỉ USD (unicorn) vào năm 2025, có ít nhất 10 công ty công nghệ đạt giá trị từ 1 tỉ USD vào năm 2030.

Về đầu tư, thúc đẩy hoạt động công nghệ và nghiên cứu phát triển, hướng tới làm chủ một số công nghệ của CMCN 4.0, tổng đầu tư xã hội cho R&D đạt ít nhất 1,5% GDP đến năm 2025, ít nhất 2% GDP đến năm 2030.

Đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về số sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Có ít nhất 5 công ty vào năm 2025 và ít nhất 10 công ty vào năm 2030 có xuất khẩu sang các nước G7 hàng hóa, dịch vụ có sử dụng các công nghệ của CMCN 4.0 hoặc các công nghệ thế hệ tiếp theo, điển hình như 5G, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Chuỗi khối, Phân tích dữ liệu...

Xây dựng mạng lưới nhân tài công nghệ

Về nguồn nhân lực cho CMCN 4.0, dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2025 đáp ứng 90%, năm 2030 đáp ứng 100% nhu cầu của doanh nghiệp về lao động có kỹ năng cần thiết cho các công việc mới, nhất là kỹ năng CNTT. Đến năm 2025 đạt vị trí thấp nhất là 60, thấp nhất là 30 vào năm 2030 về Chỉ số Kỹ năng trong bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Để đạt được mục tiêu này, dự thảo nêu rõ cần áp dụng các giải pháp sáng tạo để tăng nhanh số lượng và chất lượng các chương trình đào tạo về CNTT, nhất là các chuyên ngành An ninh mạng, Phân tích dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo, Chuỗi khối, Truyền thông và giải trí, Mô hình hóa (simulation), Tự động hóa, Điều khiển học…

Điều chỉnh giáo trình và rút ngắn thời gian đào tạo của một số chương trình đại học chuyên ngành kỹ thuật; tập trung đào tạo kỹ năng chuyên sâu kết hợp với thực hành, gắn với nhu cầu thị trường… đặc biệt tăng cường kỹ năng tiếng Anh.

Tăng đầu tư ngân sách và đổi mới cách thức quản lý đầu tư cho nghiên cứu phát triển trong trường đại học; Đẩy mạnh trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo đại học; Khuyến khích trường đại học, viện nghiên cứu thành lập hoặc liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để thành lập các doanh nghiệp KH-CN, tạo điều kiện cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tạo động lực cho nghiên cứu, nâng cao chất lượng đạo tạo.

Xây dựng mạng lưới nhân tài công nghệ, trong đó, phát triển các mạng lưới trí thức, nhân tài để tập hợp sức mạnh KH-CN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng chính sách đột phá, thiết thực để thu hút các chuyên gia công nghệ người Việt và thế giới tham gia các hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam.

Đặc biệt, kết nối các nhân tài với các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các dự án nghiên cứu, và các doanh nghiệp công nghệ trong nước để khai thác sức mạnh tri thức của người Việt Nam và thế giới…

Thu Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Năm 2025, Việt Nam cần có ít nhất 5 công ty công nghệ ‘kỳ lân’