Với niềm đam mê khoa học công nghệ, đặc biệt là những kiến thức về lĩnh vực quân sự, một nam sinh lớp 12 ở Cà Mau đã sáng tạo ra nhiều mô hình tàu chiến. Đến nay, em đã có bộ mô hình với hàng chục tàu chiến hiện đại.
Dù chỉ mới 17 tuổi và chưa từng học qua bất cứ trường lớp nào về cơ khí và sáng chế tàu quân sự nhưng Trịnh Tuấn Kiệt, học sinh lớp 12X, Trường THPT Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đã tự tay sáng chế ra nhiều mô hình tàu chiến hiện đại, có cả hệ thống vũ khí tiên tiến, chẳng khác gì một con tàu quân sự thật.
Kiệt chia sẻ, em bắt đầu làm quen với việc sáng tạo các thiết bị quân sự từ khi học lớp 7. Mô hình đầu tiên mà em tạo ra là súng. Nguyên liệu được Kiệt chuẩn bị chủ yếu là giấy bìa cứng và keo dán. Lần đầu làm súng thành công, Kiệt rất thích thú và để tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tạo, bắt đầu mày mò chế tạo ra các mô hình khó hơn, mục tiêu Kiệt hướng đến là chế ra tàu quân sự.
“Từ nhỏ, em đã có niềm đam mê với trang thiết bị, vũ khí quân sự nên em luôn tìm hiểu về lĩnh vực này qua internet, ti vi rồi vận dụng để làm. Đầu tiên em sáng chế súng, rồi đến tàu chiến. Bằng niềm đam mê của mình, em bắt đầu tạo ra những con tàu từ nhỏ đến lớn. Một trong những con tàu em tâm đắc nhất là tàu sân bay, ngoài ra là 1 tàu tuần dương hạm”, Kiệt nói.
Kiệt nói những kiến thức về thiết kế tàu chiến đều do em tự tìm tòi, học hỏi trên các trang mạng về kỹ thuật quân sự, sách báo, ti vi… Với Kiệt, em đam mê, tâm huyết nhất là việc thiết kế vũ khí chuyên dụng trang bị trên tàu chiến.
Đến nay, Kiệt đã sở hữu cho riêng mình bộ sản phẩm với hơn 33 con tàu chiến như tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu hộ tống và một số con tàu phụ trợ khác như tàu vận tải, tàu đổ bộ, tàu tiếp vận… Mỗi con tàu là một tác phẩm từ bàn tay khéo léo tạo ra dựa trên những kiến thức về lịch sử, địa lý. Mỗi tác phẩm của em đều được gắn liền với một giai đoạn lịch sử nhất định.
Đối với những tàu chiến của Việt Nam, Kiệt đã tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra 5 mô hình tàu tuần tra của Cảnh sát biển Việt Nam. Tất cả các mô hình rất giống với tàu thật. Mỗi tác phẩm đều được Kiệt đầu tư, chăm chút rất tỉ mỉ từng chi tiết, từ hệ thống bệ phóng tên lửa đến vòi rồng đều rất sinh động, giống thực tế. Theo Kiệt, chi phí cho việc sáng chế không lớn, mỗi mô hình chỉ tốn từ khoảng 200.000 đến 400.000 đồng mua nguyên vật liệu. Tùy thuộc vào kết cấu của tàu mà thời gian sáng chế có thể dài hay ngắn, trung bình từ 7 - 15 ngày là xong một sản phẩm tàu chiến.
“Trong đội tàu của em hiện có 5 chiếc tàu mô hình chạy dưới nước có gắn động cơ và điều khiển được. Cả 5 con tàu này được em cũng mày mò, nghiên cứu, thiết kế những động cơ để lắp đặt trên tàu và có bộ điều khiển để chạy được dưới nước. Đặt biệt, qua thử nghiệm, tất cả các tàu đều không bị rò rỉ nước”, Kiệt cho biết.
Vừa qua, những mô hình sáng tạo của Kiệt đã được Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau lựa chọn để triển lãm, trưng bày những hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Thông qua những mô hình, Kiệt đã thể hiện và làm lan tỏa được tình yêu quê, hương đất nước cho thế hệ trẻ hiện nay. “Mỗi công dân Việt Nam đều có tình yêu lớn với quê hương, đất nước. Với những tàu quân sự được em sáng chế ra, đó là tâm huyết và niềm tự hào mà em xin gửi đến những cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo, ở nhà giàn và những chiến sĩ đang ở trên tàu đóng quân, hoạt động tuần tra trên biển lời chúc tốt đẹp”, Kiệt tâm tình.
Điều đáng mừng là gia đình và nhà trường luôn đồng tình ủng hộ những sáng chế của Kiệt. “Mong muốn của em là sớm có một cuộc thi sáng kiến khoa học kỹ thuật về quân sự để em có thể truyền tải hết những kiến thức mà mình tiếp cận được và tiếp tục duy trì niềm đam mê của mình trong tương lai”, Kiệt chia sẻ.