Thế giới ảo của mạng xã hội có thể mang lại cho người dùng một cảm giác quyền lực, một cảm giác đứng trên số đông, điều khiển được số đông. Một cảm giác có thể khiến người ta say mà trong thế giới thực nhiều người không thể có được. Miễn là bạn phải trở thành một “idol”, một “kol” trên mạng.

Nạn nhân của chính mình

Quỳnh Yên | 31/03/2022, 11:20

Thế giới ảo của mạng xã hội có thể mang lại cho người dùng một cảm giác quyền lực, một cảm giác đứng trên số đông, điều khiển được số đông. Một cảm giác có thể khiến người ta say mà trong thế giới thực nhiều người không thể có được. Miễn là bạn phải trở thành một “idol”, một “kol” trên mạng.

Mạng xã hội đã trở thành như một thứ “tôn giáo”, một thứ thuốc phiện mà một khi đã bị mê hoặc người ta khó có thể rút ra được, khó từ bỏ được. Trong cái thế giới ảo đó, một số ít người trở thành thần tượng (idols) và nhiều đám đông trở thành những tín đồ (fans) ít nhiều cuồng tín của số thần tượng ấy. Ngoài các idols thì các kols (key opinion leaders, người dẫn dắt dư luận), influencers (người có ảnh hưởng) cũng tìm nhiều cách tác động tới đám đông trên mạng cả theo chiều hướng tốt lẫn xấu, tiêu cực.

mangxaho2.jpg
Mạng xã hội đã trở thành như một thứ “tôn giáo”, một thứ thuốc phiện mà một khi đã bị mê hoặc người ta khó có thể rút ra được, khó từ bỏ được - Ảnh : Pepperdine-graphic

Không hiếm trường hợp các kols, influencers dẫn dắt người theo dõi mình tin vào những thuyết âm mưu, bịa đặt, những tin giả không có căn cứ nhưng khi bị thực tế bác bỏ thì mất mặt, mất uy tín và lặn mất tăm, để lại những “tín đồ” tỉnh giấc ê chề.

Vụ “Bác sĩ Khoa” trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành ở TP.HCM là một thí dụ: một “bác sĩ” được dựng lên như thật mà đã lừa được không ít người cả tin vì đánh đúng vào lòng thương cảm của con người. Lại có “idol” tỏ ra tự tin vào quyền lực của mình, tưởng mình có thể điều khiển được đám đông đến mức “truyền tấn công”, “truy sát”, "phong sát" những đối tượng mà họ coi là đối thủ hay kẻ thù của mình; vu khống, bịa đặt, bôi xấu những người mà họ không ưa.

Cũng chính vì cái sức quyến rũ như thuốc phiện của quyền lực ảo mà không ít người dùng mạng xã hội để tìm cách tự tô vẽ, xây dựng hình ảnh của mình thành idols, thành kols, kể cả bằng những thủ thuật nhiều khi chẳng lấy gì làm hay ho, tốt đẹp như tung hứng nhau, mua like… Những cú like, share, số lượng fans, followers đông đảo trở thành mục đích tối thượng của họ.

mangxahoi2.jpg
Ở thế giới ảo, người có tầm ảnh hưởng có thể dẫn dắt người xem bằng những tin bịa đặt, không căn cứ - Ảnh: Alamy.com

Tuy nhiên, cơn say quyền lực, cho dù là quyền lực trong thế giới ảo, nhiều lúc dẫn con người ta đi quá xa. Trong cơn say quyền lực, với sự tung hô của các fans, người ta dễ quên những giới hạn về luật pháp, văn hóa, đạo đức. Xã hội nhiều lúc náo loạn, hoang mang bởi những đợt sóng cuộn gây ra bởi idol này hoặc idol khác, về vấn đề này hay vấn đề khác vốn luôn tiềm ẩn trong xã hội. Xã hội lúc đó giống như con thuyền bị đứt neo, mất định hướng, trôi dạt theo sự lèo lái, dẫn dắt của những thần tượng giả. Cho đến lúc chính những thần tượng giả ấy cũng tin thật vào sức mạnh, vào quyền lực của mình để rồi vượt qua những giới hạn về văn hóa, luật pháp, đạo đức thì chính họ phải trả giá. Họ là nạn nhân của chính mình, của thứ quyền lực ảo mà họ lầm tưởng là thật. Đến lúc ấy thì đã quá muộn.

Nói cho công bằng, mạng xã hội từ khi xuất hiện, một mặt mang đến cho người dùng những điều tích cực như là phương tiện sẻ chia kiến thức, kinh nghiệm (dù là kinh nghiệm học tập, làm ăn hay đơn giản là nấu ăn, làm vườn), giúp người dùng sẻ chia tình cảm (chung vui hay chia buồn), giúp người ta tìm đến nhau (như bạn cũ, người quen mất liên lạc lâu ngày nhờ mạnh xã hội mà tìm thấy nhau, kết nối với nhau); chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn... Nó còn là công cụ để những người không có tiếng nói có thể bày tỏ ý kiến, suy nghĩ riêng của mình về một vấn đề nào đấy.

thegioiao.jpg
Mạng xã hội cũng là nơi để chia sẻ những điều đẹp đẽ - Ảnh: Internet

Nhưng mạng xã hội cũng có mặt trái của nó mà mặt trái này lắm lúc lấn át cả mặt tích cực, như đã nói ở trên. Nó như con dao hai lưỡi. Nên, chơi dao thì phải tỉnh táo kẻo có lúc đứt tay, cả với người muốn gây ảnh hưởng trên thế giới ảo lẫn người dễ dàng để cho thần tượng giả dẫn dắt.

Bài liên quan
Chiến dịch 30 triệu USD để giải phóng mạng xã hội khỏi sự kiểm soát của các tỷ phú
Vài ngày sau khi Meta Platforms công bố những thay đổi gây tranh cãi trong chính sách kiểm duyệt nội dung, nhóm nhà lãnh đạo công nghệ và giám đốc điều hành các tổ chức phi lợi nhuận đã khởi động chiến dịch trị giá 30 triệu USD với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái mạng xã hội độc lập, không bị "kiểm soát bởi các tỷ phú".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
17 phút trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nạn nhân của chính mình