Sau thời gian tiếp nhận hồ sơ và phỏng vấn, ngày 20.7, Grab Ventures Ignite (GVI) và đại diện các startup xuất sắc đã có buổi gặp mặt mở đầu chuỗi bootcamp kéo dài 5 ngày từ 20.7 đến 24.7 tại TP.HCM. Tại sự kiện, các bên đã cùng nhau trao đổi về những vấn đề khởi nghiệp trong sự thay đổi lớn của thị trường Việt Nam sau giai đoạn dịch COVID-19.
Buổi bootcamp của Grab Ventures Ignite có sự tham gia chia sẻ của ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư); ông Trần Hải Linh, Tổng giám đốc Sendo và bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cùng đại diện các startup giai đoạn đầu đang được Grab Ventures Ignite cân nhắc lựa chọn.
Linh hoạt và thích nghi với sự thay đổi từ thị trường
Bà Hải Vân chia sẻ, thuật ngữ "bình thường mới" đã có từ hơn 10 năm trước khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, sau mỗi biến cố, thế giới đã học được cách ứng phó và khắc phục. Tương tự vậy, COVID-19 hay bất kỳ khủng hoảng nào khác sẽ luôn đặt ra những tình huống khó khăn mới, đòi hỏi doanh nghiệp có bước chuyển biến nhanh hơn, linh hoạt hơn để tồn tại nếu không muốn bị nhấn chìm bởi khủng hoảng.
Các diễn giả cùng đại diện các startup nổi bật trong chương trình GVI. Ảnh: Duy Anh.
Đồng thời, với những khó khăn ngày càng nhiều hơn, thị trường sẽ luôn thay đổi và có thể không bao giờ lặp lại như trước. 22 ngày Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội không dài, nhưng đủ để bùng nổ nhiều xu hướng và hành vi tiêu dùng mới. Trong đó, xu hướng chú trọng an toàn trên nhiều khía cạnh và chuyển từ offline sang online được đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ với Zing, bà Hải Vân cho biết người dùng Việt Nam phản ứng rất nhạy và tích cực với những xu hướng mới và sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong hành vi tiêu dùng. Theo bà, đây có thể là những thay đổi dài hạn và là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tận dụng triển khai loạt phương thức mới đáp ứng được mong đợi của khách hàng.
Bà Hải Vân nhận định, thị trường luôn biến chuyển và sẽ không thể áp dụng cùng một phương pháp cũ vào giai đoạn mới. Đây là lúc các startup thể hiện tính linh hoạt và uyển chuyển để thích nghi với điều kiện mới.
"Chỉ trong quý II/2020, số đối tác ký kết hợp đồng với Grab đã tăng gấp 3 lần so với quý I/2020 và tăng gấp 5 lần so với quý IV/2019. Nền tảng công nghệ và vận hành của Grab được chú trọng nâng cấp để đáp ứng tốc độ tăng trưởng lớn từ thị trường trong những quý tới", Giám đốc điều hành Grab Việt Nam cho biết.
Bình luận về sự thích nghi, ông Trần Hải Linh - CEO Sendo nhận định Việt Nam có dân số trẻ với tinh thần học hỏi và khám phá. Ông dự đoán tương lai 5-10 năm tiếp theo, nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ hướng đến Việt Nam bởi nguồn lực trẻ và đầy nhiệt huyết mà Việt Nam sở hữu.
Tuy nhiên, không thể chỉ sao chép hoàn toàn từ những quốc gia hay người đi trước, startup cần có sự chắt lọc những gì phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp và bổ sung thêm màu sắc riêng. Ông Linh khẳng định: "Chúng ta sẽ không thể phát triển nếu chỉ lặp lại những gì người khác đã làm".
3 kinh nghiệm cho startup
Đồng hành cùng các startup trong chương trình GVI còn có ông Vũ Đức Huy, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC). Ông Huy chia sẻ sự quan tâm của Chính phủ đến cộng đồng khởi nghiệp qua các biện pháp thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở các bộ ngành địa phương. Ngoài ra, NIC còn tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và các nhà đầu tư để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp hiệu quả hơn.
”Trong thời gian tới, Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ tham mưu, cố vấn cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có ý tưởng đổi mới sáng tạo kết nối với các quỹ đầu tư và các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hơn hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam”, ông nói.
Chia sẻ trong ngày đầu tiên của sự kiện bootcamp, ông Trần Hải Linh rất hào hứng bởi các startup tham dự chương trình GVI năm nay đều là những người trẻ, năng động và hoài bão lớn. Hơn nữa, đa phần đội ngũ tham gia GVI nói riêng và cộng đồng startup Việt Nam nói chung hiểu rõ cách vận hành một mô hình kinh doanh và có những hướng đi phù hợp cho lộ trình phát triển của công ty.
Ông Trần Hải Linh (CEO Sendo) chia sẻ kinh nghiệm với các startup trong sự kiện. Ảnh: Duy Anh.
Cũng trong sự kiện, ông Trần Hải Linh đã đem đến cho các startup nhiều bài học kinh nghiệm về việc xây dựng và phát triển mô hình công ty trong giai đoạn đầu. Bài học quan trọng đầu tiên là tính toán từng đơn vị kinh tế. "Trong giai đoạn đầu, nhiều startup luôn có hoài bão lớn và tập trung vào những thứ lớn lao, nhưng lại quên mất thực tế cần bao nhiêu tiền vốn để thực hiện được điều đó. Việc cân bằng giữa doanh thu và chi phí nên được đặt lên bàn cân ngay từ giai đoạn đầu, bởi sẽ không bao giờ là đủ nếu một doanh nghiệp cứ liên tục thâm hụt nguồn tài chính", ông Linh phân tích.
Bên cạnh đó, các startup nên tìm cách xoay vòng nguồn vốn và tái thu hút vốn đầu tư. Ông Linh chia sẻ có rất nhiều startup "chết non" bởi không kêu gọi được vốn đầu tư mới khi số vốn trong giai đoạn đầu đã cạn kiệt. "Nên duy trì nguồn vốn đủ hoạt động trong ít nhất 18 tháng. Kế hoạch tốt nhất là trong đội ngũ có người sở hữu nhiều kinh nghiệm thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia", CEO Sendo chia sẻ.
Là người đứng đầu một startup, điều cuối cùng ông Trần Hải Linh chia sẻ với các nhà sáng lập trẻ là hãy tự tin và đưa ra quyết định sáng suốt. Vai trò của người đứng đầu là biết vào thời điểm nào nên lựa chọn điều gì đúng đắn cho doanh nghiệp của mình. "Từ bỏ hay tiếp tục một kế hoạch, có lẽ lựa chọn nào cũng đúng đắn. Điều quan trọng là các bạn muốn mình lựa chọn thế nào", ông bình luận.
(Theo Zing)