Từ ngày 25.3, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Trong khi đó, CIC cũng quyết định áp dụng mức chiết khấu 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

NAPAS, CIC đồng loạt giảm phí chuyển tiền, dịch vụ ngân hàng

17/03/2020, 06:00

Từ ngày 25.3, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Trong khi đó, CIC cũng quyết định áp dụng mức chiết khấu 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Nhiều phí dịch vụ ngân hàng được điều chỉnh giảm - Ảnh: Internet

Ngày 16.3, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) công bố chương trình giảm phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ lần thứ 2 trong năm 2020.

Cụ thể, NAPAS giảm 50% phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng đối với giao dịch có giá trị từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Thời gian áp dụng từ ngày 25.3 đến hết ngày 31.12.

NAPAS cho biết việc giảm phí lần 2 trong năm 2020 nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người tiêu dùng trong việc ứng phó với dịch Covid-19. Đây là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục miễn, giảm phí dịch vụ cho khách hàng và các doanh nghiệp thương mại điện tử thúc đẩy bán hàng trực tuyến (online).

Bà Nguyễn Tú Anh - Chủ tịch HĐQT NAPAS nói rằng, tỷ trọng giao dịch trong phạm vi giảm phí lần thứ 2 chiếm gần 40% lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống NAPAS. Dự kiến chương trình giảm phí của cả 2 lần sẽ làm giảm gần 40% doanh thu của NAPAS trong năm 2020. Giảm phí đồng nghĩa với giảm trực tiếp doanh thu của công ty nhưng NAPAS luôn chủ động thực hiện vì đây là nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp.

Đại diện NAPAS cũng đánh giá việc giảm phí đi kèm với nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng mạng lưới là biện pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Số liệu thống kê cho thấy từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, tức từ giai đoạn bắt đầu bùng phát dịch Covid-19, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt xử lý qua hệ thống NAPAS tăng 76% so cùng kỳ năm 2019. Tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước đó ngày 25.2, NAPAS đã triển khai chương trình miễn phí đối với dịch vụ công và miễn, giảm 72% phí giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống. Đến 16.3, chương trình đã cộng hưởng được 39/45 ngân hàng tham gia miễn, giảm phí cho khách hàng, tương đương với 99,6% số lượng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ qua NAPAS được miễn, giảm phí.

Không riêng NAPAS, ngày 16.3, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng ban hành quyết định về việc áp dụng mức chiết khấu 50% trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian từ 1.3.2020 đến 31.12.2020.

Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm CIC giảm trừ tiền khai thác dịch vụ thông tin tín dụng đối với các tổ chức tín dụng. CIC cho biết việc giảm phí này nhằm giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân và doanh nghiệp, khắc phục hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra và tạo động lực cho sự hồi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, ngay khi dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống và hoạt động của nền kinh tế, CIC đã ban hành quyết định thực hiện giảm phí khai thác thông tin tín dụng từ 5-20% trên tổng số tiền thanh toán hàng tháng trong thời gian từ 1.1.2020 đến hết ngày 30.4.2020 theo nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỷ lệ giảm càng lớn.

Đặc biệt, CIC vẫn tiếp tục duy trì chính sách ưu đãi với một số tổ chức như: Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức giá bằng 20%; Ngân hàng Chính sách xã hội: áp dụng mức giá bằng 50% so với mức giá sản phẩm dịch vụ cùng loại cung cấp cho tổ chức tín dụng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
NAPAS, CIC đồng loạt giảm phí chuyển tiền, dịch vụ ngân hàng