Dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp khiến thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Mua sắm trực tuyến (online) ngày càng lên ngôi trong khi nhu cầu mua trực tiếp đang ngày giảm mạnh.

Bán lẻ ế ẩm, mua sắm trực tuyến 'lên ngôi' vì COVID-19

16/03/2020, 17:45

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp khiến thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi. Mua sắm trực tuyến (online) ngày càng lên ngôi trong khi nhu cầu mua trực tiếp đang ngày giảm mạnh.

Mua sắm trực tuyến đang được nhiều người lựa chọn - Ảnh: Internet

Mua sắm trực tuyến lên ngôi

Trước nỗi lo lây lan COVID-19, nhiều người tiêu dùng đang hạn chế ra đường, đến những nơi đông người. Việc này khiến nhu cầu mua sắm trực tiếp giảm dần. Thay vì đi ra ngoài mua sắm, nhiều người tiêu dùng đang chọn nhiều phương thức mua hàng trực tuyến như đặt hàng trên mạng, gọi điện trực tiếp tới cửa hàng, siêu thị… để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng của COVID-19, hoạt động thương mại và dịch vụ trong quý 1/2020 không sôi động tại hệ thống phân phối. Tuy nhiên, tại kênh mua sắm trực tuyến lại diễn ra khá nhộn nhịp, do nhiều người dân hạn chế ra đường để phòng tránh lây nhiễm bệnh. Thói quen mua sắm của người dân được thay đổi, chuyển sang kênh mua sắm trực tuyến, nhờ đó doanh số bán lẻ vẫn tăng khá so cùng kỳ.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng lũy kế 3 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn TP.HCM ước đạt 302.812 tỉ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,9%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng ước đạt 210.207 tỉ đồng, tăng 11,6% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 13,5%).

Báo cáo của Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho thấy, từ khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng có nhu cầu mua sắm trực tuyến và qua điện thoại tăng đột biến, gấp 4 - 5 lần so với trước đây.

Không lo thiếu thực phẩm vì dịch bệnh

Nhiều doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm và bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục được đảm bảo ổn định, nguồn nguyên liệu dự trữ đầy đủ đảm bảo duy trì sản xuất tối thiểu trong 3 tháng tới. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch sản xuất từ trước và đăng ký tham gia bình ổn thị trường năm 2020 với TP.HCM.

Do đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào, một số mặt hàng như mặt hàng gạo dự trữ đến nay đủ cung ứng cho thị trường đến hết năm 2020; giá cả cơ bản ổn định, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá. Thậm chí nhiều sản phẩm như trứng, rau, củ, quả… được giảm giá từ 5% - 20% và ưu tiên cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường nội địa, thậm chí dừng xuất khẩu nếu cần.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh tại các chợ đầu mối vẫn ổn định. Tại chợ đầu mối Hóc Môn, lượng hàng nhập chợ ổn định ở mức trên dưới 2.600 tấn/ngày, không xảy ra tình trạng thiếu hàng nên giá phần lớn mặt hàng nông sản ở mức tốt. Lượng hàng về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng ở mức cao với trên 4.000 tấn/đêm, không có hiện tượng khan hiếm hàng, thiếu hàng gây sốt giá.

Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tổ chức làm việc với các đơn vị, hệ thống phân phối lớn để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ phòng chống dịch và hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Cơ quan này cũng sẽ phát triển hạ tầng thương mại, bao gồm phát triển các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình chợ. Đồng thời tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa; khuyến khích ứng dụng thanh toán điện tử trong việc phân phối hàng hóa trên môi trường trực tuyến.

Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường tiếp xúc, làm việc với các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo điều phối nguồn hàng tiếp tục làm việc với các chợ đầu mối và các chợ chủ lực khác trên địa bàn TP.HCM. Việc này nhằm nắm bắt tình hình cung - cầu hàng hóa, tổ chức điều phối nguồn hàng, đảm bảo phục vụ đáp ứng theo nhu cầu của người dân, đặc biệt trong điều kiện thói quen tiêu dùng, sức mua, giá cả một số mặt hàng đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bán lẻ ế ẩm, mua sắm trực tuyến 'lên ngôi' vì COVID-19