Một báo cáo gần đây của các nhà khoa học NASA kết luận rằng năng lượng hạt nhân đã cứu sống khoảng 1,8 triệu sinh mạng từ năm 1971 đến năm 2009 nhờ tránh được ô nhiễm không khí.
Công ty Ultra Safe có trụ sở tại Seattle và hàng chục công ty khác tương tự đang đi đầu trong việc hồi sinh năng lượng hạt nhân toàn cầu. Khi thế giới cần khẩn trương loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính và kiểm soát nhiệt độ hành tinh, các nhà hoạch định chính sách, giới doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu đang xem xét lại năng lượng hạt nhân như một giải pháp thay thế xanh có thể giúp bổ sung cho năng lượng xanh được sản xuất bởi các nguồn tái tạo như gió và mặt trời. Ngày nay, ngành công nghiệp này đang nổi lên sau một thời kỳ trì trệ, với hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba công suất vào năm 2050.
Sự hồi sinh đó được củng cố bởi xu hướng công nghệ mới. Các công ty như Ultra Safe đang hướng tới xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) được thiết kế với quy mô chỉ bằng một phần nhỏ của các nhà máy trước đây, để giảm cả chi phí xây dựng và phạm vi thảm họa có thể xảy ra. Và nhiều người đang nhắm đến việc sử dụng các công nghệ mới được thiết kế để ngăn chặn các vụ tai nạn và nếu có bất trắc thì giảm thiểu tác hại phóng xạ của chất thải.
Sự thăng trầm của sản lượng điện hạt nhân
Nhưng ngoài những lợi ích thì không phải là không có tranh cãi. Giống như mọi thứ liên quan đến hạt nhân, cuộc tranh luận nổ ra về việc liệu xã hội văn minh có thực sự cần hạt nhân để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hay không và liệu các hệ thống mới có hào nhoáng như mô tả hay không. Một số người cho rằng các công nghệ mới có thể mang lại giải pháp tuyệt vời cho vấn đề năng lượng của chúng ta; những người khác lại cho rằng hạt nhân có rất nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế nên tốt nhất nên từ bỏ nó để chuyển sang những giải pháp khác nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của toàn cầu.
Vài năm tới sẽ quyết định hướng đi của năng lượng hạt nhân trong tương lai năng lượng của thế giới. Francesca Giovannini, chuyên gia về chính sách hạt nhân tại Trường Harvard Kennedy, cho biết: “Đây là thời điểm của cốt lõi. Trong vài thập niên tới, năng lượng hạt nhân “hoặc sẽ thành công hoặc ngành công nghiệp đó về cơ bản đã hoàn thành sức mệnh... Chuyện này diễn ra như thế nào là 50/50”.
Năng lượng hạt nhân rõ ràng ẩn chứa những rủi ro - tai nạn rò rỉ, nhiên liệu hạt nhân bị chuyển sang các chương trình vũ khí, các vấn đề môi trường do khai thác uranium, rồi vấn đề lưu trữ chất thải hạt nhân. Trong hàng loạt những lo ngại như vậy, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế sản xuất năng lượng, việc sản xuất điện hạt nhân bắt đầu chững lại vào đầu những năm 2000 và thậm chí còn giảm xuống sau vụ tai nạn nhà máy điện Fukushima năm 2011. Một số quốc gia, đặc biệt là Đức, đã quyết định đóng cửa hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân. Nhưng sản lượng điện hạt nhân toàn cầu hiện đang bắt đầu tăng trở lại.
Ngày nay, các nhà máy hạt nhân sản xuất khoảng 10% điện năng toàn cầu, khiến hạt nhân trở thành nguồn năng lượng phi nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai sau thủy điện. Trên toàn cầu có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành; Khoảng 60 nhà máy khác hiện đang được xây dựng và khoảng 100 chiếc đang được lên kế hoạch.
Hầu hết các kịch bản của Hội đồng liên chính phủ về chống biến đổi khí hậu nhằm giữ cho thế giới nóng lên dưới 1,5 độ C đều đề cập đến việc tăng công suất điện hạt nhân. Trong lộ trình đạt tới mức 0 ròng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 (so với mức năm 2022). Lý do chính cho điều này là hạt nhân được coi như cách tốt để cung cấp năng lượng phụ tải cơ bản ổn định nhằm hỗ trợ nhiều nguồn tái tạo vốn phụ thuộc vào điều kiện môi trường như gió hoặc mặt trời. Những người ủng hộ cho rằng nếu không có hạt nhân, chúng ta sẽ cần xây dựng thêm nhiều nhà máy điện gió và mặt trời để đảm bảo nguồn cung cấp đáng tin cậy, tăng gấp đôi hoặc gấp ba chi phí đối với các mạng lưới điện.
Lợi ích và nguy cơ từ điện hạt nhân
Hạt nhân có rất nhiều lợi thế: Nó không tạo ra khí thải carbon (và ngược lại, thải ra ít uranium phóng xạ và các nguyên tố khác vào môi trường hơn so với đốt than). Nó chiếm ít diện tích mặt bằng hơn rất nhiều so với năng lượng tái tạo. Kai Vetter, nhà vật lý hạt nhân tại Đại học California, Berkeley, cho biết nếu mục tiêu là khử cacbon nhanh chóng và gây ít tổn thất xã hội nhất có thể thì “hạt nhân là thứ cần thiết”.
Tại cuộc họp của Công ước Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu ở Dubai vào tháng 12.2023, hơn 20 quốc gia đã ký tuyên bố tăng gấp ba công suất hạt nhân vào năm 2050. Và tiền đầu tư đang chảy vào nỗ lực này. Vào năm 2020, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đặc biệt đã chi 160 triệu USD để hai nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2027. Và vào năm 2022, Liên minh Châu Âu tuyên bố rằng một số dự án hạt nhân có thể tự gọi mình là “xanh” theo cách tương tự như năng lượng tái tạo và động thái này đã mở ra cánh cửa cho các cơ chế tài chính môi trường.
Nhưng cũng như hầu hết mọi vấn đề liên quan đến năng lượng hạt nhân, những lập luận ủng hộ hạt nhân đều chịu những lời gièm pha. Chẳng hạn, chuyên gia chính sách công M.V. Ramana tại Đại học British Columbia là một trong số nhiều người nói rằng công suất tải cơ bản là một khái niệm lỗi thời. Họ lập luận rằng một lưới điện thông minh, đa dạng và linh hoạt có thể đảm bảo nguồn cung cấp điện đáng tin cậy bằng cách chuyển nguồn điện giữa các nguồn và cơ sở lưu trữ.
Và với chi phí năng lượng tái tạo đang giảm nhanh, những ước tính kinh tế ngày nay về chi phí tương đối của các nguồn điện có thể không có nhiều ý nghĩa trong tương lai.
Sau đó là câu hỏi về sự an toàn. Tổng số người thiệt mạng do tất cả các hoạt động sản xuất điện hạt nhân cho đến nay, mặc dù khó định lượng nhưng chắc chắn thấp hơn nhiều so với số người thiệt mạng do ô nhiễm không khí liên quan đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Một báo cáo gần đây của các nhà khoa học NASA kết luận rằng năng lượng hạt nhân đã cứu sống khoảng 1,8 triệu sinh mạng từ năm 1971 đến năm 2009 nhờ tránh được ô nhiễm không khí. Theo một số đánh giá, năng lượng hạt nhân gây ra ít gây chết người hơn năng lượng gió, vốn có liên quan đến các vụ chết đuối tại các trang trại gió ngoài khơi và va chạm trực thăng với tua-bin.
Nhưng không thể tránh được tâm lý lo ngại do tác động của ngành công nghiệp hạt nhân, gồm nguy cơ làm ô nhiễm những vùng đất lớn khi có tai nạn, cộng với nhiều tác động khác liên quan đến những việc như khai thác mỏ và lưu trữ chất thải. Ramana cho rằng năng lượng hạt nhân “không phù hợp với bất kỳ ý tưởng nào về một hệ thống năng lượng sạch hơn và có trách nhiệm hơn”.