Cả kiến thức phương Tây và tri thức dân gian truyền thống đều có những ưu và nhược điểm nên tốt nhất là kết hợp cả hai.
Một buổi chiều năm ngoái, một nhóm nhà khoa học ngồi trò chuyện với người dân Fiji về những cách dự báo bão nhiệt đới truyền thống. Một người thổ dân đề cập đến loài chim bão cánh đen được gọi là “manununicagi” chỉ bay trên đất liền khi có lốc xoáy hình thành trên biển. Trong lúc trò chuyện, người thổ dân đã kể tên ít nhất 11 loài chim mà hành vi kỳ lạ của chúng báo hiệu những thay đổi thời tiết sắp xảy ra.
Khi các nhà khoa học rời đi vào buổi tối hôm đó, một vị già làng đến gặp họ và tỏ ý cảm kích vì các nhà khoa học đã tôn trọng niềm tin của họ và cho biết nhiều người lớn tuổi ở Thái Bình Dương thường ngại không nói về kiến thức truyền thống vì sợ bị chế giễu.
Điều này phản ánh kiến thức khoa học hiện đại đã đè nén đến tâm trí của ngay cả những người thổ dân. Nhưng nghiên cứu mới của Patrick D. Nunn - Giáo sư Địa lý, Trường Luật và Xã hội, Đại học Sunshine Coast và Roselyn Kumar - Nghiên cứu sinh về Địa lý và Khoa học Xã hội, Đại học Sunshine Coastcho thấy thái độ này nên thay đổi.
Họ đã xem xét các kiến thức kiểu kinh nghiệm của người dân ở Thái Bình Dương để đối phó với biến đổi khí hậu và nhận thấy phần lớn trong số đó là hợp lý về mặt khoa học. Điều này cho thấy kiến thức của người bản địa sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp cộng đồng đảo Thái Bình Dương ứng phó với sự khắc nghiệt của khí hậu trong tương lai.
Một hệ thống tri thức dân gian đã được chứng minh
Con người đã sinh sống ở các đảo trên Thái Bình Dương từ 3.000 năm trước và đã trải qua nhiều thách thức do khí hậu gây ra đối với sinh kế và sự sống còn của họ. Họ đã vượt qua không phải nhờ may mắn mà nhờ có ý thức đối phó thông qua các hệ thống tri thức truyền thống được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của nhiều nhóm người khác nhau.
Các mối đe dọa ngắn hạn chính đối với sinh kế trên đảo ở Thái Bình Dương liên quan đến khí hậu là lốc xoáy nhiệt đới – thứ có thể phá hủy mùa màng, gây ô nhiễm nguồn nước và phá hủy nhà cửa. Đó cũng có thể là hạn hán kéo dài – thường xảy ra trong các đợt El Niño ở tây nam Thái Bình Dương – thường gây thiệt hại trên diện rộng.
Tri thức truyền thống ở Thái Bình Dương giải thích nguyên nhân và biểu hiện của các hiện tượng tự nhiên, đồng thời xác định những cách ứng phó tốt nhất. Nó thường được truyền miệng thành ca dao, thành ngữ qua các thế hệ.
Ở đây, các nhà khoa học mô tả những kiến thức liên quan đến động vật, thực vật, nước và bầu trời - và chỉ ra những niềm tin này có ý nghĩa khoa học như thế nào.
Trông trời, trông biển, trông mây
Cư dân trên đảo Druadrua của Fiji đúc kết rằng các đợt sóng dâng cao là tín hiệu báo trước một cơn bão lớn chuẩn bị ập đến. Tại Quần đảo Torres của Vanuatu, tồn tại 13 cụm từ để mô tả trạng thái thủy triều, gồm cả hiện tượng bất thường báo trước điều gì đó bất thường.
Những quan sát này có ý nghĩa khoa học. Những cơn bão ở xa có thể đẩy những cơn sóng biển tràn vào bờ biển rất lâu trước khi gió và mưa đến, làm thay đổi hình thái sóng thông thường.
Ở Samoa, mười loại gió được ghi nhận trong truyền thuyết dân gian. Gió thổi từ phía đông (matā ‘upolu) cho thấy sắp có mưa lớn, có thể là một cơn bão nhiệt đới. Gió nam (tuā'oloa) đáng sợ nhất vì một khi nó đến là càn quét tất cả.
Nhiều cộng đồng ở đảo Thái Bình Dương tin rằng bầu trời xanh đậm, không mây báo hiệu sự xuất hiện của một cơn bão nhiệt đới. Các dấu hiệu đáng ngại khác là sự di chuyển của đám mây nhanh bất thường và sự xuất hiện của “cầu vồng ngắn”.
Các niềm tin này giờ được khoa học xác tín. Cầu vồng đôi khi bị “rút ngắn” hoặc bị che khuất một phần bởi cơn mưa rào ở xa. Và khoa học từ lâu đã thừa nhận những thay đổi của mây và gió có thể báo hiệu sự phát triển của lốc xoáy.
Ở Vanuatu, quầng sáng quanh mặt trăng báo hiệu mưa lớn sắp xảy ra. Một lần nữa, niềm tin này có cơ sở khoa học. Theo khoa học, những đám mây ti mỏng cao báo hiệu những cơn bão gần đó. Những đám mây chứa các tinh thể băng mà ánh trăng qua đó được lọc, tạo ra hiệu ứng hào quang.
Quan sát hành vi của động vật và thực vật
Như đã đề cập ở trên, người ta cho rằng các loài chim báo trước sự thay đổi thời tiết trên khắp Thái Bình Dương.
Ở Tonga, khi con chim cốc biển bay ngang qua đất liền – hành vi bất thường đối với các loài sinh vật biển – nó báo hiệu một cơn bão nhiệt đới đang phát triển. Logo của Cơ quan Khí tượng Tonga là hình cốc biển đã xác nhận "uy tín" dự báo của loài chim này..
Niềm tin kiểu này cũng được giải thích một cách khoa học. Ví dụ, một nghiên cứu ở Bắc Mỹ cho thấy chim chích cánh vàng tránh được lốc xoáy bằng cách phát hiện sự thay đổi của sóng hạ âm. Một nghiên cứu khác, gồm dữ liệu về các loài chim chiến ở Thái Bình Dương, cho thấy các loài chim biển dường như tránh được lốc xoáy, có thể bằng cách cảm nhận cường độ và hướng gió.
Kiến thức truyền thống về hành vi côn trùng ở quần đảo Thái Bình Dương cũng được sử dụng để dự đoán thời tiết ẩm ướt.
Các loài ong, gồm cả ong bắp cày thường xây tổ trên cành cây. Khi tổ được xây sát mặt đất, người dân đảo Thái Bình Dương biết rằng mùa mưa sắp tới sẽ lớn hơn bình thường, có thể là do có nhiều lốc xoáy nhiệt đới hơn. Kiểu xây tổ này có thể nhắc nhở cư dân chuẩn bị dự trữ thức ăn nhiều hơn.
Các nghiên cứu cho thấy hành vi của côn trùng có thể dự đoán những thay đổi về thời tiết. Ví dụ, một nghiên cứu về ong bắp cày làm tổ ở Guiana thuộc Pháp cho thấy khả năng di chuyển tổ nhanh chóng đến những địa điểm được che chắn nhiều hơn có thể giúp chúng sống sót trong những tháng nhiều mưa.
Trên khắp Thái Bình Dương, các dấu hiệu phổ biến về thời tiết ẩm ướt sắp xảy ra được tìm thấy trong hành vi của một số loài thực vật. Ví dụ, chồi trung tâm của cây chuối sẽ cuộn tròn thay vì vươn thẳng. Điều này có thể được giải thích một cách khoa học là quá trình đóng lá lại là để chuối bảo vệ cơ quan sinh sản của chúng khỏi thời tiết khắc nghiệt.
Nên kết hợp cả hai luồng tri thức
Kể từ khi quá trình thuộc địa hóa áp đặt thế giới quan của phương Tây lên khắp thế giới, tri thức truyền thống đã bị gạt ra ngoài lề. Điều này lại càng đúng với quần đảo Thái Bình Dương, khi tri thức truyền thống gần như bị lãng quên ở nơi đây.
Nhưng cả kiến thức phương Tây và tri thức dân gian truyền thống đều có những ưu và nhược điểm. Ví dụ, kiến thức dựa trên khoa học là chung chung và thường không thể áp dụng thực tế ở từng địa phương.
Khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, việc lập kế hoạch tối ưu cho người dân đảo nên kết hợp cả hai phương pháp tiếp cận. Điều này đòi hỏi tư duy cởi mở và tôn trọng các nguồn kiến thức đa dạng.