Sau 5 năm chạy đua với dự án đưa người lên sao Hỏa trước năm 2030, NASA đã chính thức thừa nhận rằng họ không đủ sức để đưa người lên Hành tinh Đỏ vì "thiếu kinh phí".
NASA khẳng định rằng tên lửa đẩy mới của họ Space Launch System (SLS) và tàu vũ trụ Orion dư sức hoàn thành công cuộc chinh phục sao Hỏa. Tuy nhiên, chi phí của NASA vài năm qua đã tăng đáng kể vì lạm phát, vì vậy NASA phải cắt bỏ chương trình đưa người lên sao Hỏa.
Trước khi NASA ra tuyên bố của mình, đã có quá nhiều cảnh báo về chương trình nghiên cứu đầy tham vọng của họ. Ví dụ, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ đã cảnh báo rằng NASA chi quá nhiều công sức cho hành trình khám phá sao Hỏa dù ngân sách quá ít để duy trì mục tiêu đưa người lên sao Hỏa bằng tên lửa SLS - thậm chí việc duy trì "chương trình sao Hỏa" tới những năm 2040 sẽ là một thách thức to lớn.
Phản ứng với báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Mỹ và nhiều chuyên gia khác, NASA thừa nhận họ không đủ kinh phí để duy trì mục tiêu này trước năm 2030.
Không đủ tài lực
Trong một cuộc họp của Viện Hàng không và Vũ trụ Mỹ (American Institute of Aeronautics and Astronautics - AIAA) hôm 12.7, Giám đốc chương trình đưa người lên vũ trụ của NASA đã xác nhận rằng họ không đủ nguồn lực tài chính để đưa con người lên sao Hỏa.
Trả lời câu hỏi về hành trình chinh phục sao Hỏa của NASA, ông William H. Gerstenmaier nói: "Tôi không thể đưa ra một mốc thời gian đưa người lên sao Hỏa, và lý do thực sự là ở mặt khác của chương trình, tức là mức tăng ngân sách khoảng 2% hiện nay khiến chúng tôi không thể có kế hoạch sẵn sàng để chinh phục".
Ngoài nguyên nhân không đủ kinh phí, các nhà khoa học của NASA còn đang chật vật để nghiên cứu cách "hạ cánh, cất cánh" trên sao Hỏa, ông Gerstenmaier thừa nhận.
Lý do ngân sách được xem là bình thường trong bối cảnh hiện nay, thế nhưng các quan chức NASA từ lâu vẫn giấu chuyện này đối với công chúng, trong khi vẫn bỏ tiền ra để thực hiện kế hoạch chinh phục sao Hỏa của mình.
Trên thực tế, cả tàu vũ trụ Orion và tên lửa đẩy SLS đều đã tốn rất nhiều ngân sách nghiên cứu, và nếu hủy bỏ chương trình sao Hỏa là một sự lãng phí cực kỳ lớn.
Trở lại Mặt Trăng?
NASA nhiều lần bác bỏ ý tưởng đưa người trở lại Mặt Trăng vì Tổng thống George W. Bush từng đưa ra sáng kiến này nhưng sau đó bị Tổng thống Barack Obama hủy bỏ. Tuy nhiên, ông Gerstenmaier đã mở lại ý tưởng này khi tuyên bố tại AIAA.
"Nếu tìm ra nước trên Mặt trăng, và chúng tôi muốn có thêm những hoạt động để khám phá, chúng tôi sẽ hỗ trợ chương trình đưa con người trở lại đây", ông Gerstenmaier nói. Dù vậy, ông vẫn cho rằng "nếu chúng ta tập trung nhiều hơn vào sao Hỏa, chúng ta có thể giữ lại kế hoạch".
Dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump 6 tháng qua, NASA nhận thấy các "điểm đến" trong lộ trình khám phá vũ trụ của họ có thể thay đổi đáng kể.
Sự thật là cơ quan này không thể cùng lúc thực hiện cả hai mục tiêu, vừa lên sao Hỏa vừa lên Mặt trăng, trừ phi có những thay đổi đột phá.
Các hoạt động chinh phục không gian của NASA sẽ tùy thuộc rất lớn vào nguồn ngân sách. Và việc duy trì một tiền đồn trên sao Hỏa hoặc Mặt Trang là rất tốn kém, nhất là tiền đồn tại sao Hỏa khi phải liên tục phóng tàu vũ trụ lên để duy trì căn cứ.
Tuy nhiên, vẫn còn một lựa chọn khác ít tốn kém hơn là cơ NASA có thể hợp tác một phần hoặc hoàn toàn với hệ thống vận tải trong vũ trụ của các công ty như SpaceX, Blue Origin và United Launch Alliance.
Thiên Hà