Một trong những đặc tính của Khoa học là rộng mở, minh bạch và độc lập. Những tính chất này quan trọng tới nỗi các cơ quan quảng bá thông tin khoa học và/hay phổ biến báo cáo khoa học thường đưa chúng vào giá trị cốt lõi của mình.
Trong bài báo "Quy chế đào tạo tiến sĩ sẽ xóa bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế" trên VnExpress ngày 10.7.2021, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã trả lời phỏng vấn về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới được công bố, trong đó có đề cập tới vấn đề công bố khoa học trong quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ (*). Nhân câu chuyện thời sự về nạn “tiến sĩ giấy” và các “lò ấp tiến sĩ”, xin được trở lại với những ý kiến trong bài báo trên.
1. Một trong những đặc tính của Khoa học là rộng mở, minh bạch và độc lập. Những tính chất này quan trọng tới nỗi các cơ quan quảng bá thông tin khoa học và/hay phổ biến báo cáo khoa học thường đưa chúng vào giá trị cốt lõi của mình.
Thí dụ, tạp chí khoa học rất được quý trọng và đánh giá cao của thế giới, NATURE, đã đặt những giá trị dưới đây là cốt lõi:
Đẩy mạnh tính mở rộng, tính minh bạch cùng các tiêu chuẩn cao nhất của văn hóa nghiên cứu (người viết dịch).
Xác nhận bổn phận của chúng tôi là vượt trên những bất bình đẳng và xiển dương văn hoá đa dạng và hội nhập của các cộng đồng (người viết dịch) (**)
Các phương pháp khoa học được ứng dụng để nghiên cứu sự vật trong từng vùng địa lý cụ thể, thí dụ nghiên cứu về thực vật cho thấy hoạt động tăng trưởng và hoạt động quang hợp của chúng có đặc thù khác nhau giữa vùng ôn đới và vùng nhiệt đới. Điều này khiến nhà khoa học hiểu hơn các đặc tính chung nhất của hoạt động tăng trưởng và hoạt động quang hợp của thực vật nói chung. Từ đó mà khoa học hiểu biết hơn, dẫn theo công nghệ phát triển hơn và được áp dụng hữu hiệu cho từng vùng khác nhau.
Vậy, nếu có ai nói rằng tác hại của vi rút COVID-19 tại Pháp khác với tại Việt Nam rồi từ đó kết luận các nghiên cứu khoa học về vi rút COVID-19 tại Việt Nam không nên công bố trên tạp chí quốc tế, chỉ nên công bố trên tạp chí trong nước thì suy nghĩ đó trái với tinh thần và đặc tính của khoa học! Do đó, lập luận “Ngay cả trong khoa học tự nhiên như Sinh, Địa, đối tượng và kết quả nghiên cứu cũng phụ thuộc vào những khu vực cụ thể” để biện luận cho việc bỏ quy chế công bố quốc tế, lập luận đó không xác đáng!
2. Để ủng hộ việc bỏ quy chế công bố quốc tế, ông Vũ Minh Giang có những lập luận như dưới đây:
- “ISI/Scopus chỉ là cách phân loại, không tuyệt đối đúng với tất cả lĩnh vực khoa học”
Đúng, ISI/SCOPUS chỉ là cách phân loại. Nhưng trong lãnh vực khoa học, có điều gì không được phân loại? Trong vạn vật, không phân loại làm sao nghiên cứu, đánh giá, tìm ra quy luật? Phân loại giúp vào cả hai quá trình nhận thức là diễn dịch và quy nạp. Vấn đề là cách phân loại có phù hợp không, có đưa ra các tiêu chí rõ ràng và hợp lý không!
- ISI/SCOPUS được áp dụng rộng rãi và chấp nhận bởi nhiều nơi trên thế giới, điều này chứng minh giá trị của nó. Không áp dụng nó trong hoàn cảnh hiện nay là kéo lùi Việt Nam lại, là đẩy Việt Nam ra xa thế giới, giới trẻ Việt và tương lai phát triển của Việt Nam sẽ gánh nhiều thiệt hại.
- Trích phát biểu của ông Vũ Minh Giang: “Nếu không cẩn thận và duy ngoại thì các tác giả tìm mọi cách đưa ra nước ngoài các bài báo tốt nhất. Khi đó, các tạp chí trong nước sẽ không phát triển được. Đấy là chưa kể nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì khoa học Việt Nam sẽ rơi vào bế tắc trong tư tưởng sùng bái nước ngoài”
Tôi cho rằng ông Vũ Minh Giang không chính xác khi nói các nhà nghiên cứu trong nước đăng công bố ra quốc tế là “duy ngoại” (“duy ngoại” là từ ông dùng thay cho từ “sính ngoại” thông dụng hơn). Cách nhìn đó không đúng. Nhà khoa học thích công bố ra quốc tế vì các công bố đó mang lại rất nhiều lợi ích cho nhà khoa học: bài công bố được đánh giá cao, có nhiều đồng nghiệp trong giới nghiên cứu quốc tế, có nhiều cơ hội quốc tế để hợp tác nghiên cứu, có nhiều cơ hội được mời nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm danh tiếng đầy đủ thiết bị và uy tín… Nhà khoa học có hoài bão và tài năng nào mà không hướng về mục tiêu đó? Xin đừng lầm, đừng đánh tráo khái niệm “duy chất lượng cao” với “duy ngoại”!
Ông Vũ Minh Giang sợ rằng “các tác giả tìm mọi cách đưa ra nước ngoài các bài báo tốt nhất”. Người làm khoa học nên có đầu óc rộng rãi hơn. Các bài báo tốt nhất được công bố quốc tế thì càng tốt hơn là giữ lại cho các tạp chí trong nước không tên tuổi. Môi trường nghiên cứu khoa học của Việt Nam yếu, rất cần hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, rất cần học bổng nghiên cứu sinh tại các nước phương Tây… Càng có nhiều công bố quốc tế thì càng dễ đạt những mục tiêu này. Khi Việt Nam có nhiều bài báo quốc tế, khi các nhà khoa học Việt Nam đã khẳng định tài năng và tên tuổi, họ sẽ đóng góp và đem lại sự vững mạnh lâu dài cho các tạp chí khoa học trong nước.
Khoa học không biên giới. Không nên có suy nghĩ vụn vặt tranh giành từng bài báo. Người quản lý cần mở rộng đầu óc của mình để tạo điều kiện cho nhà khoa học Việt Nam được tiếp xúc với môi trường nghiên cứu chất lượng cao chớ không phải mãi giam họ dưới đáy giếng hay trong cái ao làng.
3. Khoa học có chấp nhận "tốt khoe xấu che"?
“Ở phương diện khác, chúng ta không chú ý những công bố bất lợi cho hình ảnh Việt Nam đang ngày càng gia tăng trên tạp chí nước ngoài như vấn đề ô nhiễm môi trường, các vấn nạn xã hội, hay tiêu cực trong kinh tế - xã hội. Những bài viết rất khách quan, số liệu và phân tích rất khoa học, nhưng chúng ta thử hình dung hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới sẽ như thế nào khi công bố khoa học quốc tế chỉ xoay quanh những chủ đề như vậy mà hầu như rất ít nói về điểm sáng, thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị ở Việt Nam.”
Phát biểu này rất trái với tinh thần và phương pháp khoa học. Khoa học bắt đầu từ quan sát ghi chép sự thực để từ đó đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân. Sự ghi chép phải chi tiết, trung thực và sự công bố phải đáp ứng các tiêu chí rộng mở, minh bạch và độc lập. Trong xã hội ngày càng phẳng hoá hiện nay, sự công bố minh bạch sẽ khiến cộng đồng khoa học thế giới chung tay tìm giải pháp cho các vấn đề “ô nhiễm môi trường, vấn nạn xã hội, suy thoái kinh tế-xã hội…” của Việt Nam. Phát biểu của ông Vũ Minh Giang cho thấy quan điểm không rộng mở, không minh bạch, không độc lập, rất không phù hợp với sự tiến bộ của thế giới. Quan điểm này giúp Việt Nam sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu cho các tiến bộ xã hội hay kềm giữ xã hội lâu dài trong các vấn nạn?
4. Từ góc nhìn về các tính chất của khoa học, cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, tôi không đồng tình với quan điểm của ông Vũ Minh Giang rằng “các công trình trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của ta chủ yếu viết về Việt Nam” nên việc công bố chúng ra quốc tế “cần xem xét lại”.
Tôi chỉ thấy khoa học nào cũng là khoa học với những tính chất chung là rộng mở, minh bạch và độc lập. Phải chăng ông cho rằng xã hội Việt Nam là một ốc đảo trong đó con người Việt Nam có những tính chất rất khác với thế giới, đứng ngoài quy luật chung của loài người? Hay quan điểm của ông Vũ Minh Giang là hậu duệ của quan điểm “tốt khoe xấu che” rất ngược chiều với tinh thần khoa học?
Tôi cũng không hiểu được vì sao “không dễ gì các tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS của các nước phương Tây chấp nhận quan điểm, cách tiếp cận dựa trên học thuyết Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của các học giả Việt Nam, nên cửa đăng bài về Việt Nam càng hẹp hơn”! Học thuyết Mác-Lenin là học thuyết của các người phương Tây, người Việt đã theo phong trào du nhập nó về, nay vì cớ gì mà các tạp chí trong danh mục ISI/SCOPUS lại khó chấp nhận công bố bài nghiên cứu về nó?
Tóm lại, bài viết này phản bác lập luận cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học Việt Nam có những đặc thù riêng không nên/không cần công bố quốc tế.
Bài viết này cho rằng khoa học có đặc tính rộng mở, minh bạch và độc lập, nghiên cứu khoa học nào không tôn trọng các tính chất trên thì không có tính khoa học, không có giá trị khoa học.
Đặt hoạt động đào tạo tiến sĩ Việt Nam vào môi trường không có tính khoa học sẽ khiến nhiều thế hệ Việt Nam về sau gánh hậu họa!
(*) https://vnexpress.net/quy-che-dao-tao-tien-si-se-xoa-bo-nan-thue-viet-bai-bao-quoc-te-4307008.html)
(**) (https://www.nature.com/nature/about/editorial-values-statement)