Nếu như bị "ép" mua 2 triệu tấn than của TKV thì khả năng cao EVN sẽ phải tăng giá điện để bảo đảm lợi nhuận của tập đoàn không bị "ăn mòn".
Khó là "đòi"
Như báo Một Thế Giới đã đưa tin trước đó, vào tháng 5.2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất Chính phủ được điều chỉnh lại số lượng than nhận của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so kế hoạch để tăng tương ứng mua than của 2 đơn vị mới.
Đề xuất này của EVN đã nhận ngay sự phản đối từ phía TKV vì cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chiều 20.7, TKV tiếp tục than khó về vấn đề này và kêu gọi sự trợ giúp từ phía Bộ Công Thương.
Cụ thể, Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải nói rằng tập đoàn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng cung cấp than với các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện theo danh mục đã phê duyệt. Đến thời điểm hiện nay, tập đoàn mới ký được 9 hợp đồng dài hạn với các nhà máy điện cũng như chưa thống nhất được giá mua than, hầu hết các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN chưa thống nhất được hợp đồng mua bán than năm 2017.
Đồng thời, việc EVN giảm mua 2 triệu tấn than sẽ gây khó khăn cho TKV, làm tăng tồn kho, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của thợ mỏ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Theo đó, TKV đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chưa mua than của các đơn vị ngoài tập đoàn và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017. Việc cấp than từ các hộ khác (ngoài TKV và TCT Đông Bắc) cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018.
Ngoài ra, phía TKV cũng yêu cầu được cho phép xuất khẩu các loại than mà không phụ thuộc vào hạn ngạch để TKV chủ động sản xuất tiêu thụ và cân đối tài chính; đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt Biểu đồ cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện than làm cơ sở cho các đơn vị khai thác than cũng như các Nhà máy nhiệt điện chủ động trong kế hoạch dài hạn...
Giá điện sẽ tăng cao?
Đáng chú ý, sau những lời đề nghị của TKV, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết trước mắt Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ yêu cầu EVN chưa thực hiện mua than của các nhà cung cấp khác (ngoài TKV và TCT Đông Bắc) trong năm 2017, tập trung ký hợp đồng tiêu thụ than của TKV và TCT Đông Bắc.
Nếu EVN buộc phải mua 2 triệu tấn than của TKV thì khả năng cao là tập đoàn sẽ tăng giá điện lên cao trong kịch bản điều chỉnh sắp tới. Bởi lẽ, giá than của TKV tăng từ hồi đầu năm 2017 đã khiến chi phí sản xuất điện của EVN tăng khoảng 3.000 tỉ đồng, trong khi đó tập đoàn này lại không được điều chỉnh tăng giá điện. Điều này đã khiến lợi nhuận của tập đoàn bị "ăn mòn" đáng kể.
Vì vậy, giảm lượng mua than giá cao của TKV cũng là yếu tố giúp EVN giảm chi phí sản xuất điện và không phải đẩy giá điện tăng cao.
Giới chuyên gia cho rằng việc mua bán than giữa TKV và EVN bất kể trong trường hợp nào cũng phải tuân theo quy tắc thị trường, thuận mua vừa bán dù EVN có là doanh nghiệp nhà nước, được giao nhiệm vụ cung ứng, đảm bảo điện cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, nhưng xét cho cùng vẫn là doanh nghiệp.
Nếu giá cao, chất lượng than của TKV lại thấp (cụ thể là hàm lượng đất đá nhiều, hàm lượng carbon ít khiến năng lượng trong mỗi tấn than thấp) thì EVN có quyền lựa chọn nhà cung cấp khác có loại than thích hợp hơn với điều kiện phát điện.
Đã là doanh nghiệp thì bài toán lỗ lãi, lợi nhuận vẫn phải được đặt lên hàng đầu, đặc biệt lại trong bối cảnh hiện nay Nhà nước đang khuyến khích bãi bỏ cơ chế bao cấp, hỗ trợ để mọi doanh nghiệp đều phải vận động theo quy luật thị trường.
Những lời đề nghị được giải cứu từ phía TKV, mặt khác cũng cho thấysự ỉ lại, phụ thuộc quá mức vào Nhà nước của các "ông lớn" quốc doanh vốn đã được "nuông chiều". Thay vì tự cứu bản thân bằng cách cải tiến chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh thì các doanh nghiệp này lại đi cầu cứu vào Nhà nước.
Trước đó, tại buổi làm việc với TKV, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng từng liên tục nhấn mạnh tập đoàn phải có biệnpháp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh.
"TKV cần nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, giảm chi phí sản xuất và giảm giá thành, nâng cao năng suất, năng lực quản trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, tăngtính tự chủ về tài chính, tổ chức của các đơn vị sự nghiệp", Bộ trưởng nói.
Năm 2016, TKV đạt doanh thu toàn tập đoàn ước tính 101.180 tỉ đồng, trong đó doanh thu sản xuất than là 51.120 tỉ đồng, khoáng sản 7.020 tỉ đồng, sản xuất điện đạt 9.790 tỉ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận ước tính của tập đoàn lại chỉ đạt "vỏn vẹn" 800 tỉ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2015. Con số này cho thấy tập đoàn này làm ra 100 đồng, nhưng lãi lại chưa được 1 đồng
Tuyết Nhung