Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020), chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mang tính “giải cứu” mạnh mẽ hơn .

Nếu dịch bệnh kéo dài, phải có biện pháp giải cứu thay vì hỗ trợ

05/04/2020, 15:12

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020), chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mang tính “giải cứu” mạnh mẽ hơn .

Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố báo cáo về tác động của COVID-19 đến kinh tế - Ảnh: NEU

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố báo cáo đánh giá tác động và khuyến nghị chính sách trước dịch COVID-19.

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó hiệu trưởng nhà trường, nếu ước tính số lao động bình quân 1 doanh nghiệp khoảng 25 người thì trong 2 tháng đã có khoảng 400 nghìn lao động bị ảnh hưởng do các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Ước tính số lao động bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm khoảng 440.000 - 880.000 người. Nếu dịch bùng phát, số lao động bị giảm giờ làm hoặc bị mất việc làm khoảng 880.000 - 1,32 triệu người.

PGS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài, chúng ta cần phải xem lại nền tảng của nền kinh tế.

“Một trong những nền tảng của nền kinh tế có thể nhìn thấy được chính là năng suất lao động của Việt Nam hiện giờ đang ở mức thấp và ngày càng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các động lực để tăng trưởng năng suất gần như cạn kiệt”, ông Thành nói.

Do đó, ông Thành cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ là một cơ hội để cải thiện một cách mạnh mẽ năng suất lao động, từ đó gia tăng sự phát triển bền vững của nền kinh tế và đồng thời chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài.

Báo cáo cho biết, để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, các doanh nghiệp đã có các giải pháp cụ thể. 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34,0% phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương.

Cùng với đó, 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Theo đó, báo cáo cho rằng cần có sự lựa chọn hợp lý các chính sách cũng như đối tượng hỗ trợ. Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, các doanh nghiệp có khả năng phá sản hàng loạt (hàng không, du lịch, thương mại, dịch vụ). Một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt.

Song song với đó, cần xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới.

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý 2 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm 2020) chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mang tính “giải cứu” mạnh mẽ hơn .

Trong mọi trường hợp cần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân. Các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết, tránh xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.

Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp và đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt quan tâm đến những khu vực dễ bị tổn thương như người lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngắn hạn (đặc biệt tại những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất) nhưng đồng thời cũng cần tránh sự đổ vỡ của các doanh nghiệp lớn, đầu tàu để từ đó lan sang các khu vực khác.

Báo cáo cho rằng ưu tiên cao nhất cho hoạt động chống dịch. Trong bối cảnh dịch COVID-19, mỗi đồng chi tiêu cho công tác chống dịch đều có thể mang lại ngoại ứng tích cực vô cùng lớn. Sự thành công trong kiểm soát dịch là điều kiện căn bản để hồi phục các hoạt động kinh tế.

Cùng với đó là sử dụng nguồn lực tài khóa để trực tiếp ổn định đời sống của người dân. Tác động của dịch bệnh và các biện pháp chống dịch là sự đình trệ trong sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do vậy, một số quốc gia sử dụng hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền trong giai đoạn cao điểm chống dịch để giúp người dân đảm bảo những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì khả năng thanh toán, hỗ trợ trả lương cho người lao động trong khoảng thời gian ngưng việc cũng được nhiều nước áp dụng. Các nước đang phát triển gặp phải nhiều giới hạn trong lựa chọn chính sách.

Với quy mô kinh tế nhỏ và nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các quốc gia đang phát triển khó có thể triển khai sâu rộng chính sách hỗ trợ người lao động, các doanh nghiệp nhỏ chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

Hơn nữa, những người lao động nằm ngoài vùng phủ của bảo hiểm thất nghiệp, vốn chiểm tỷ lệ lớn tại các quốc gia này, sẽ khó có thể nhận được sự hỗ trợ hiệu quả. Trong tình huống khẩn cấp, sự vận hành của các ngân hàng thực phẩm có thể xem là một giải pháp giảm nhẹ thích hợp.

Báo cáo này cũng cho rằng chính sách tiền tệ là công cụ hỗ trợ, ngăn ngừa đổ vỡ tài chính trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ với đặc điểm là có độ trễ lớn, do đó sẽ chỉ phát huy tác dụng kích thích kinh tế khi quốc gia bắt đầu kiểm soát được dịch, bắt đầu quá trình hồi phục.

Vì thế, trong giai đoạn hiện nay vai trò chủ yếu của chính sách tiền tệ là đảm bảo hệ thống tài chính vận hành thông suốt, duy trì khả năng thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Lam Thanh

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu dịch bệnh kéo dài, phải có biện pháp giải cứu thay vì hỗ trợ