Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Thủ tướng yêu cầu xem xét kỹ lưỡng, thận trọng việc xuất khẩu gạo

04/04/2020, 16:52

Văn phòng Chính phủ mới đây đã ban hành văn bản 140/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.

Ảnh minh họa từ Internet

Cụ thể, TTXVN ngày 4.4 dẫn lời Thủ tướng từ văn bản nêu rõ đảm bảo an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến đời sống nhân dân, an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực...

Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN-PT-NT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trên các vùng miền, đặc biệt ở những nơi có tiềm năng, lợi thế, bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo nhằm thao túng giá đối với mặt hàng gạo.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương lấy ý kiến các Bộ Tài chính, NN-PT-NT và các cơ quan liên quan về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay; yêu cầu các Bộ NN-PT-NT, Tài chính và các cơ quan liên quan có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Công Thương trước ngày 5.4.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương hoàn thiện phương án đề xuất, ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 6.4, bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng gạo trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu gạo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tình hình dịch COVID-19.

Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo chỉ tiêu, kế hoạch dự trữ quốc gia năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách; nghiên cứu việc mua tăng thêm mức dự trữ nếu cần thiết.

Ở một diễn biến khác liên quan, Tổng công ty Thương mại Nông Thủy sản - Lương thực Hàn Quốc đang cân nhắc khả năng mời thầu đợt đấu thầu tháng Năm, lượng nhập khẩu dự kiến là 50% của tổng lượng hạn ngạch 55.112 tấn dành cho Việt Nam.

Theo cam kết của Hàn Quốc, trong vòng 10 năm, kể từ năm 2020, hằng năm Hàn Quốc sẽ áp dụng mức suất thuế ưu đãi 5% cho khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn gạo nhập khẩu. Thuế suất áp dụng cho khối lượng gạo nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 513%.

Trong khối lượng hạn ngạch 408.700 tấn, Hàn Quốc cam kết phân bổ 388.700 tấn theo cơ chế hạn ngạch quốc gia CSQ (Country-Specific Quota) cho 5 nước đã tham vấn.

Cụ thể, Trung Quốc 157.195 tấn; Mỹ 132.304 tấn; Việt Nam 55.112 tấn; Thái Lan 28.494 tấn và Úc15.595 tấn. Khối lượng 20.000 tấn còn lại thực hiện theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN).

Thái Lan chưa có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo

Ngày 2.4, một cơ quan của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, nước này không thể bị thiếu hụt lương thực hoặc gạo vì nhu cầu tiêu dùng nội địa chiếm 50% tổng sản lượng, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm có 32% sản lượng gạo mỗi năm và phần còn lại để lưu kho. Thậm chí, các kho gạo của Thái Lan có thể phục vụ cho tiêu dùng nội địa trong 6 tháng cho tới khi thu hoạch vụ mới.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) nói Thái Lan không có dấu hiệu nào cho thấy hạn chế xuất khẩu gạo.

Trước đó, vào ngày 30.3, Campuchia đã thông báo về quyết định cấm các hoạt động xuất khẩu gạo trắng hoặc thóc từ ngày 5.4 để đảm bảo dự trữ gạo cho nhu cầu trong nước trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo thơm của quốc gia này vẫn được duy trì do giá thành cao khiến nhu cầu trong nước thấp.

T.Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng yêu cầu xem xét kỹ lưỡng, thận trọng việc xuất khẩu gạo