TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho rằng Chính phủ không nên dừng xuất khẩu gạo hoặc áp dụng chế độ hạn ngạch vào lúc này. Thay vào đó, Chính phủ nên sử dụng thuế xuất khẩu gạo để điều tiết thị trường.

TS Nguyễn Đức Thành: Nên đánh thuế thay vì dừng xuất khẩu gạo

03/04/2020, 09:40

TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho rằng Chính phủ không nên dừng xuất khẩu gạo hoặc áp dụng chế độ hạn ngạch vào lúc này. Thay vào đó, Chính phủ nên sử dụng thuế xuất khẩu gạo để điều tiết thị trường.

Thời gian qua, khi một số quốc gia (trong đó có Việt Nam) ngừng xuất khẩu gạo, Thái Lan “một mình một chợ” đã đẩy giá mặt hàng này lên cao.

Cụ thể, ngày 26.3, gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán với giá 480 - 484 USD/tấn (bình quân 482 USD/tấn), gạo 25% tấm là 448 - 452 USD/tấn (bình quân là 450 USD/tấn).

Ngày 27.3, gạo 5% tấm tăng lên mức 493 - 497 USD/tấn (bình quân là 495 USD/tấn), gạo 25% tấm là 461 - 465 USD/tấn (bình quân là 463 USD/tấn).

Đến ngày 31.3, gạo 5% tấm của Thái Lan được đẩy lên mức giá 518 - 522 USD/tấn (bình quân là 520 USD/tấn), trong khi gạo 25% đã ngưng chào giá.

Bình luận về việc này, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng đến thời điểm này, Việt Nam không nên áp dụng chính sách dừng xuất khẩu gạo hoặc chế độ hạn ngạch (quota) nữa.

“Tất cả chỉ làm lợi cho các nhóm lợi ích, đồng thời gây thiệt hại và phân hoá các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khiến thị trường bị đẩy lùi hàng chục năm. Người nông dân miền Tây thì khổ vì gạo giá rẻ”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, chính sách lúc này nên là đánh thuế xuất khẩu gạo. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước (phục vụ nhân dân và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ doanh nghiệp và nhà nước có nguồn thu).

Ví dụ, nếu đánh thuế xuất khẩu gạo là 30% giá bán thì khi giá thế giới là 800 USD một tấn thì giá trong nước sẽ chỉ là 560 USD. Như vậy người dân vẫn được hưởng giá gạo tương đối thấp so với giá thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng không có động lực xuất khẩu ồ ạt vì họ xuất khẩu được thì cũng chỉ thu được 560 USD một tấn, không khác gì bán trong nước. Đồng thời, nhà nước thu được thuế là 240 USD một tấn, vào thẳng ngân sách.

Ông Thành cho rằng lợi ích lớn nhất của chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo là doanh nghiệp xuất khẩu có thể tính toán được bài toán của họ một cách chủ động (khi đã biết thuế suất). Họ biết rõ khi giá gạo thế giới tăng, ví dụ từ 700 lên 800 rồi lên 1.000 hay thậm chí 1.500 USD, thì họ đều có quyền xuất bất cứ lúc nào, với khối lượng tùy ý, đồng thời, họ biết rõ giá bán họ thu được là bao nhiêu (bằng 70% giá thế giới - vẫn ví dụ thuế suất cố định là 30%).

“Họ sẽ tính toán, tích trữ chờ đợi hay bán ngay... và không bị lỡ nhịp các cơ hội trên thế giới, không quá thua thiệt với các đối thủ như Thái Lan. Tất nhiên, họ thu được ít tiền hơn các doanh nghiệp Thái Lan (nếu bên đó không bị đánh thuế xuất khẩu), nên họ không có động lực điên cuồng bán gạo đi. Riêng với tôi, giá gạo tăng thì có, nhưng nguồn cung thì không lo thiếu, nhưng giá gạo tăng thì đã bị hãm lại nhờ có thuế xuất khẩu rồi”, ông Thành nói.

Như vậy, theo ông Thành, thị trường lúa gạo Việt Nam vẫn vận hành dưới sự hoạt động của doanh nghiệp và nông dân.

“Chứ lý do cho rằng Chính phủ cấm xuất khẩu gạo để đợi gạo lên mới cho doanh nghiệp xuất khẩu để kiếm lời, thì là một lý do hết sức vô lý vì đó không phải là trách nhiệm cũng như chức năng của Chính phủ. Thêm nữa, điều đó khiến doanh nghiệp và nông dân hoàn toàn bị động, không phát huy được trí tuệ và tính chủ động của họ. Tức là kéo lùi sự phát triển của thị trường”, ông Thành nêu.

Ông Thành cho rằng, với cách điều hành thị trường bằng thuế xuất khẩu như vậy sẽ không bao giờ lo thiếu gạo trong nước, vì khi người dân có nhu cầu gạo tăng lên một chút, giá trong nước sẽ tăng và doanh nghiệp sẽ có động lực bán trong nước thay vì xuất khẩu. Tất nhiên, chính sách này chỉ áp dụng như một tình huống đặc biệt, khi Chính phủ không tự tin với an ninh lương thực trong nước, mà cầu gạo thế giới thì tăng ầm ầm.

Nhấn mạnh rằng chính sách thuế không thuộc thẩm quyền của Chính phủ (mà thuộc Quốc hội), ông Thành cho rằng trong bối cảnh chống dịch như chống giặc, cần coi đây là một tình huống đặc biệt để áp dụng.

"Vạn nhất trong trường hợp không có cơ sở pháp lý để thực hiện, Chính phủ có thể áp dụng tạm thời một loại phí nhưng có chức năng giống hệt như thuế. Như thế vẫn bảo đảm đạt mục tiêu chính sách", ông Thành khuyến nghị.

Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương vừa có báo cáo số 2237/2020 gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước. Theo đó, Bộ thông tin trong nước còn dư đến 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp được tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng có sự kiểm soát số lượng xuất khẩu theo từng tháng.

Trong báo cáo, Bộ Công Thương cũng cho hay, Tổng cục Dự trữ nhà nước đang mua vào 300.000 tấn gạo và sẽ giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng 4 và 5 đạt 700.000 tấn.

“Lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong hai tháng tới vào khoảng 800.000 tấn, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5”, Bộ Công Thương đề xuất.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Nếu xuất khẩu gạo không thực hiện thoả thuận, Bộ sẽ thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.

Lam Thanh

Bài liên quan
Tiêu thụ điện tăng cao, Bộ Công Thương điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện
Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 được điều chỉnh là 310,6 tỉ kWh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Đức Thành: Nên đánh thuế thay vì dừng xuất khẩu gạo