Xung quanh vụ việc anh Thoại bị lừa mua chiếc iPhone 6 với giá cắt cổ ở Singapore, người ta mạn đàm quá nhiều từ cá nhân anh Thoại đến việc anh “làm nhục quốc thể” như một thị hiếu. Người ta ít nói về một cộng đồng người dân nước bạn hăm hở nhiệt thành giúp đỡ một con người xa lạ. Lòng nhân ở xứ người cho chúng ta rất nhiều bài học.

Nếu du khách nước ngoài bị lừa như anh Thoại, người Việt có giúp đỡ?

08/11/2014, 13:33

Xung quanh vụ việc anh Thoại bị lừa mua chiếc iPhone 6 với giá cắt cổ ở Singapore, người ta mạn đàm quá nhiều từ cá nhân anh Thoại đến việc anh “làm nhục quốc thể” như một thị hiếu. Người ta ít nói về một cộng đồng người dân nước bạn hăm hở nhiệt thành giúp đỡ một con người xa lạ. Lòng nhân ở xứ người cho chúng ta rất nhiều bài học.

1. Đó là cả một diễn đàn kêu gọi ủng hộ tiền bạc. Đó là một giám đốc mời anh Thoại đến khách sạn 5 sao. Đó là một người mua tặng anh chiếc điện thoại iPhone 6. Đó là một chủ tiệm cắt tóc với câu chuyện: Lần sau sẽ cắt một nửa đầu gã chủ cửa hàng điện thoại và đòi tiền bảo hành tương đương với giá mà gã đã lừa lọc anh Thoại.
Và đó là một làn sóng tẩy chay cửa hàng điện thoại làm ăn bất minh. Vân vân và vân vân.
Vì sao họ làm tất cả những việc ấy? Lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn! Hẳn rồi. Nhưng đó là những tấm lòng nhân ái “hoàn hảo”. Vì nó không chỉ là ngọn lửa nồng ấm, thiện nhiệt giữa con người với con người. Nó còn là tiếng nói của một cộng đồng văn minh có cùng liên kết ý thức loại trừ sự gian dối. Từ một chuyện rất nhỏ và rất riêng của anh Thoại, một người nước ngoài bỗng chốc trở thành một hành động của một cộng đồng rộng lớn.
Tất cả những động thái tưởng như bộc phát ấy nhưng lại ngầm mang chủ đích lớn lao. Đó là giữ được hình ảnh một dân tộc, một đất nước rất đẹp, rất nhân văn trong lòng người khác. Không có chủ đích, nhưng cái cách mà người Singapore cho đi để nhận lại là một bài học lớn về lòng nhân.
2. Tôi đặt hoàn cảnh người Việt. Nếu một du khách nước ngoài bị lừa gạt hoặc bức hại trên hè phố, người Việt chúng ta có giúp đỡ không? Câu trả lời là có và rất sẵn lòng.
Từng có đôi vợ chồng du khách Thái bị móc túi phải đeo bảng cầu xin sự giúp đỡ và được người dân TP.HCM ủng hộ tiền để về nước. Nhưng cũng chỉ là những đồng tiền quyên góp tức thời giúp người ta qua hoạn nạn như một phản xạ vô điều kiện.
Nếu một du khách bị lừa đảo mua một món hàng, thậm chí là một món đồ lưu niệm nhỏ với một cái giá cắt cổ nào đấy, tin chắc rằng chúng ta sẽ bàng quan, không quan tâm bênh vực chứ chưa nói đến việc sẽ phản ứng với kẻ bán hàng gian dối kia! Sẽ có nhiều người nghĩ đó là chuyện không liên quan đến mình. Còn lại cho đó là chuyện nhỏ, không đáng lưu tâm.
Chúng ta ít khi để ý đến việc triệt tiêu những mối nguy cơ để tránh những chuyện đáng buồn, những rủi ro đến với người khác. Cho nên, khi công an TP.HCM phát tờ rơi cảnh báo vấn nạn móc túi, cướp giật, không ít người, kể cả báo chí giãy nãy lên cho rằng đó là hành động “làm nhục quốc thể”.
giup do
Ông Gabriel Kang (ngoài cùng bên phải), một doanh nhân người Singapore, đã khởi xướng một chiến dịch quyên góp tiền để mua cho anh Thoại một chiếc iPhone 6 vào đầu tuần này. Trong ảnh: Ông Kang chụp ảnh với anh Thoại và nhóm bạn của anh (Ảnh CNA)
3. Lòng nhân là sức mạnh của một cộng đồng chỉ khi tất cả đều có chung rung động trong sáng. Chỉ khi tất cả thành viên nhận thức và kiểm soát được ý chí và cảm xúc của mình.
Tôi nhớ vụ cháu Ngân bị hành hạ ở Bình Dương trở thành tâm điểm của dư luận cả nước. Vòng tay nhân ái ở khắp nơi tìm đến. Nhưng có người đến với nước mắt chân thành cũng có người đến như một hành động hiếu kỳ. Cái buồn hơn cả, nhiều tờ báo chụp hình cháu nhỏ mình bầm tím trên tay luôn cầm những tờ tiền hoặc phong bì. Điều người ta quan tâm nhất là tương lai cho Ngân, nhưng không mấy người nhắc đến.
Tương tự, khi Hào Anh ở Cà Mau đối xử tệ bạc với mẹ mình, dư luận phẫn nộ, thậm chí ấm ức với cậu bé. Nhiều người tiếc số tiền lỡ ủng hộ Hào Anh thuở trước. Có người nào nghĩ rằng chính những đồng tiền theo kiểu trào lưu ấy đã góp phần nhào nặn nên một Hào Anh "méo mó"?
Khi quằn quại trong bệnh viện vì những đòn roi của chủ trại tôm, Hào Anh vẫn còn là một đứa trẻ. Mỗi ngày cả trăm đoàn khách thăm hỏi, kèm theo là những chiếc phong bì. Nhiều người cố tình chụp bằng được tấm ảnh chung với Hào Anh như để chứng minh tôi có lòng tốt, tôi đã đến với Hào Anh. Lòng tốt kiểu trào lưu đặt một đứa trẻ vào tâm điểm. Dễ dàng có tiền, vừa có danh tiếng. Khó trách khi lớn lên với sự méo mó nhân cách.
Anh tôi đến bệnh viện Chợ Rẫy để ủng hộ tiền cho cháu bé sơ sinh văng ra từ bụng mẹ trong một tai nạn thương tâm gần đây. Bất ngờ được vị bác sĩ kéo vào phòng. Câu chuyện của vị bác sĩ làm anh tôi suy nghĩ.
Ông kể: Số tiền dành cho cháu bé đã nhiều, rất nhiều. Trong khi cùng khoa với cháu, có nhiều người vì không có tiền cấp cứu đang chờ chết. Bệnh viện không có kinh phí nên không biết làm sao. Ông dẫn anh tôi đến bên giường một nạn nhân bị tai nạn, cưa hai chân lên tới bẹn đang nằm thoi thóp thở. Ông không có người thân chăm sóc, người nhà ở quê không có tiền đi xe lên bệnh viện. Hàng ngày, ông lão được người nuôi bệnh trong bệnh viện mớm cho cái gì nhai cái ấy.
Cạnh ông, một cháu bé chấn thương sọ não. Người mẹ ôm đứa trẻ nhiều ngày, khóc đến sức cùng lực kiệt, không còn khóc nổi nữa. Cậu bé thiếu mất 7 triệu nữa để phẫu thuật. Bà đã bán hết những gì có thế bán, vay mượn bất cứ ai có thể vay mượn. Không đủ. Con bà nằm thoi thóp chờ.

Còn nhiều hoàn cảnh khác đau lòng hơn nữa. Vị bác sĩ nhìn anh tôi với ánh mắt trìu mến và chứa chan hy vọng. Ông kể: Tất cả những người vào đây đều được ông khuyên nhủ nhưng tất cả họ chỉ muốn giúp đỡ em bé sơ sinh. Mẹ cháu mất, ông hiểu nỗi bất hạnh. Nhưng những người kia, những người sống để chờ chết kia thì sao? Đứng trước nỗi đau, ai cũng bất hạnh cả.

Cuối cùng, anh tôi quyết định chia cho ông cụ cụt hai chân một nửa số tiền. Đưa cho mẹ thằng bé hai phần ba số tiền còn lại. Số ít cuối cùng, anh tặng cho đứa trẻ sơ sinh như mục đích ban đầu.
Anh bảo với tôi, rất vui vì đã giúp được hai con người. Nhưng anh cũng buồn, rất buồn vì những người đến trước mình không nghĩ như vậy.

4. Không ai mặc cả với lòng nhân. Lòng nhân là tự nguyện vô điều kiện, không gượng ép. Lòng nhân lại càng không phải là thứ thị hiếu trào lưu có khi sinh ra nhiều hệ lụy. Như lời tiền nhân có dặn: “Của cho không bằng cách cho”.

Kiến Giang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu du khách nước ngoài bị lừa như anh Thoại, người Việt có giúp đỡ?