Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gần như cầu xin các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine khi nước này tiếp tục chiến đấu với Nga.

Nếu Mỹ áp dụng vùng cấm bay ở Ukraine, hậu quả thảm khốc nào sẽ xảy ra?

A.T | 10/03/2022, 11:46

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gần như cầu xin các nhà lãnh đạo Mỹ và NATO áp đặt vùng cấm bay đối với Ukraine khi nước này tiếp tục chiến đấu với Nga.

Những lời kêu gọi vô vọng

Hôm qua 9.3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi lập vùng cấm bay để bảo vệ Ukraine: “Nga đang sử dụng tên lửa, máy bay, trực thăng nhắm vào chúng tôi, vào thường dân, vào các thành phố của chúng tôi, vào hạ tầng cơ sở của chúng tôi. Trách nhiệm nhân đạo của thế giới là phải phản ứng. Nhưng lại chưa có quyết định. Khi nào mới có quyết định?”. 

bom.jpeg
Một bệnh viện phụ sảnở Ukraine bị đánh bom khiến ít nhất 17 người bị thương - Ảnh: AP

Đồng thời, giới chức Ukraine cũng đổ lỗi cho Nga trong vụ một bệnh viện phụ sản ở Ukraine bị đánh bom khiến ít nhất 17 người bị thương dù đã có thỏa thuận ngưng bắn cho phép người dân ra khỏi thành phố Mariupol.

Trước đó, hôm 5.3, Tổng thống Zelensky đã tổ chức một cuộc gọi Zoom với hơn 280 nhà lập pháp Mỹ và gần như cầu xin hỗ trợ quân sự khẩn cấp và viện trợ nhân đạo, gồm cả "quyền kiểm soát bầu trời" để chống lại Nga. Ông tuần trước cũng kêu gọi NATO và Tổng thống Biden áp đặt vùng cấm bay đối với "những phần quan trọng" của Ukraine.

Trong một video đăng lên Twitter hôm 6.3, kèm theo phụ đề tiếng Anh, ông Zelensky kêu gọi: “Chúng tôi lặp lại mỗi ngày lời đề nghị: Đóng cửa bầu trời Ukraine!".

Ông Zelensky hôm 7.3 lại kêu gọi tiếp khi thông báo máy bay Nga ném bom đất nước ông, gồm cả các trường học, "cần phải bắn hạ chúng để bảo toàn tính mạng".

Ông nói: "Tôi chắc chắn rằng những người lính Mỹ dũng cảm sẽ bắn hạ nó khi biết rằng nó đang bay về phía học sinh - tôi chắc chắn rằng họ không nghi ngờ gì khi làm như vậy".

Nhưng theo Fox News, những lời kêu gọi liên tục của ông Zelensky đang bị dội vào bức tường.

Mỹ không muốn xung đột trực tiếp với Nga

Dan Hoffman, cựu trưởng nhóm CIA ở Moscow nhận định: "Nếu có khu vực cấm bay và chúng tôi phải thực thi nó, điều đó có nghĩa là máy bay Mỹ bay đồng thời với máy bay Nga. Và sẽ có nguy cơ máy bay Mỹ bắn rơi người Nga hoặc ngược lại".

Vùng cấm bay cấm máy bay xâm nhập một khu vực cụ thể và đôi khi được sử dụng trên các tòa nhà chính phủ vì lý do an ninh. Các khu vực này cũng được áp đặt trong thời gian xảy ra xung đột để ngăn chặn máy bay quân sự tấn công một khu vực.

Ông Hoffman nói rằng thời Chiến tranh lạnh, chiến lược của Mỹ đã chỉ ra rằng "không nên có sự trực tiếp can dự, khiêu khích với Liên Xô hoặc với Nga." Hoffman nhắc: "Điều đó có nghĩa binh lính của chúng tôi không giơ súng để bắn vào mặt họ và ngược lại”.

Thay vào đó, Mỹ đã tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, và cả ở Ukraine hiện tại. Tuy nhiên, một khu vực cấm bay có thể thay đổi điều đó và khiến binh lính Mỹ rơi vào cuộc xung đột trực tiếp với người Nga.

Hậu quả thảm khốc

NATO và Nhà Trắng đã bác bỏ việc áp đặt vùng cấm bay, trong khi một số nhà lãnh đạo Mỹ mô tả động thái này sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Cách duy nhất để thực hiện vùng cấm bay là đưa máy bay chiến đấu của NATO vào không phận Ukraine, sau đó áp đặt vùng cấm bay đó bằng cách bắn hạ máy bay Nga”. "Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng, nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm điều đó, chúng tôi sẽ kết thúc với một cái gì đó, có thể kết thúc là một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu".

Lập vùng cấm bay sẽ có nguy cơ gây ra xung đột quân sự trực tiếp với Nga. Nó có khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3, khiến các quốc gia có năng lực hạt nhân như Mỹ, Pháp và Anh đối đầu với cường quốc hạt nhân Nga.

Một cuộc thăm dò gần đây của Reuters/Ipsos cho thấy 74% người Mỹ ủng hộ khu vực cấm bay. Nhưng một số nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng vấn đề phức tạp hơn nhiều so với việc chỉ cấm máy bay qua Ukraine.

Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa hôm 5.3 cho biết: "Nếu mọi người hiểu nó có nghĩa là gì, nó có nghĩa là thế chiến thứ 3. Nó có nghĩa là bắt đầu thế chiến thứ 3. Đó không phải là một số quy tắc mà bạn thông qua thì mọi người phải tuân theo. Đó là việc sẵn sàng bắn hạ máy bay của Nga, về cơ bản là khởi đầu của thế chiến 3".

Các đảng viên Dân chủ cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc áp đặt vùng cấm bay, trong đó có Thượng nghị sĩ Chris Murphy bang Connecticut.

Ông nói: "Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải rõ ràng là chúng ta sẽ không gây chiến với Nga, đó sẽ là khởi đầu của thế chiến và nó sẽ kéo toàn bộ châu Âu vào một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn nhiều”.

Lựa chọn không nhiều

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Joe Manchin, đã báo hiệu rằng lựa chọn áp đặt khu vực cấm bay vẫn nên để trên bàn, trong khi tư lệnh tối cao NATO đã nghỉ hưu - tướng không quân Philip Breedlove, nói rằng một khu vực cấm bay nhân đạo có thể cho phép các đoàn cứu trợ vào trong và giúp những người bị thương được chăm sóc.

Cựu trưởng nhóm CIA ở Moscow Hoffman nói với Fox News Digital ông hiểu tại sao Tổng thống Zelensky lại yêu cầu khu vực cấm bay giống như kiểu gắng rung lên hồi chuông cảnh báo rằng "hãy giúp tôi, nếu không tôi sẽ chết".

Hoffman nói rằng thay vào đó, Mỹ có thể cung cấp hỗ trợ dưới hình thức ngăn chặn việc nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga cũng như trao được các hệ thống phòng không và tên lửa chống tăng cho Ukraine vì đây được xác định là những vũ khí phòng ngự.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng ông xem việc lập vùng cấm bay qua lãnh thổ Ukraine là lời tuyên chiến và cảnh báo về một hậu quả thảm khốc cho châu Âu và thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu Mỹ áp dụng vùng cấm bay ở Ukraine, hậu quả thảm khốc nào sẽ xảy ra?