Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ tăng vị thế của Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích cho cả hai nước.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hai bên cùng có lợi

Tuyết Nhung 29/05/2024 10:28

Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì sẽ tăng vị thế của Việt Nam, đồng thời mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nếu Việt Nam được công nhận, đây sẽ là bằng chứng cho sự cải thiện trong mối quan hệ giữa 2 nước, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng lợi ích của Việt Nam và Mỹ đều được tăng lên khi Việt Nam được Mỹ công nhận là một nền kinh tế thị trường.

vu-vinh-phu.jpg
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - Ảnh: Internet

Theo ông Phú, nhiều năm nay, Việt Nam đều phấn đấu để trở thành một nước có nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Đến nay, đã có 72 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Sắp tới đây, Quốc hội Mỹ sẽ xem xét để có thể công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Mỹ là một nền kinh tế lớn, có mối quan hệ hàng hóa với Việt Nam với quy mô hàng trăm tỉ đô la/năm. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt mức 110 tỉ USD, đây là năm thứ ba kim ngạch muôn bán giữa hai nước đạt mộc trên 100 tỉ USD. Chính vì vậy, việc Việt Nam được công nhận là một nền kinh tế thị trường sẽ đem lại lợi ích cho cả hai nước sau thời gian Việt Nam được công nhận.

Nói về lợi ích của Việt Nam khi được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, vị chuyên gia này cho rằng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ không bị coi là bán phá giá, hay có trợ cấp. Cụ thể, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, nông lâm thủy sản, sắt thép... Mỹ sẽ đưa vào danh sách các mặt hàng không bị rà soát làm cho việc xuất khẩu sang Mỹ thuận lợi, ít chi phí hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường Mỹ.

"Chúng ta tin tưởng rằng, sau khi được công nhận là nền kinh tế thị trường thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ sẽ có những bước tiến vượt bậc", chuyên gia Vũ Vinh Phú khẳng định.

Về phía Mỹ, các loại hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam sẽ có giá thấp hơn, đem lại doanh thu cho các công ty Mỹ hoạt động tại Việt Nam, nhất là những hàng hoá mà Mỹ đang có thế mạnh như: hàng kỹ thuật công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, tiêu dùng cao cấp... sẽ ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Việt Nam, phục vụ cho tiêu dùng nội địa và sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp Việt, đưa năng suất lao động quốc gia của Việt Nam tăng lên trong những năm tới.

"Theo quan điểm của tôi thì nhiều khả năng việc công nhận đối với Việt Nam chắc chắn sẽ xảy ra trong năm 2024. Việc công nhận giữa hai nước càng sớm thì càng có lợi cho sự phát triển kinh tế của hai bên, góp phần vào sự phát triển của kinh tế thế giới một cách tích cực hơn, đem lại cho sản xuất và đời sống người dân hai nước những bước tiến mới trong năm 2024 và những năm tiếp theo", ông Phú cho hay.

Được biết, để trao quy chế "nền kinh tế thị trường", Bộ Thương mại Mỹ cho biết đất nước đó phải đáp ứng một số tiêu chí, bao gồm mức độ chuyển đổi tiền tệ, tiền lương là kết quả thương lượng tự do giữa người lao động và ban quản lý, và việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập liên doanh hoặc thực hiện các khoản đầu tư khác. Ngoài ra, còn có tiêu chí về việc liệu Chính phủ có sở hữu hoặc kiểm soát phương tiện sản xuất, và Chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực, kiểm soát giá cả và các quyết định sản lượng hay không.

Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cũng từng ủng hộ quyết định nâng hạng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường từ trước. Đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng cho việc nâng hạng.

"Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của đất nước này. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Apple, Google, Intel đã tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho hay.

Theo đánh giá của SSI Research, lợi ích lớn nhất khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam. Thời điểm từ nay đến ngày 26.7 sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam khi cần vượt qua các quy định pháp lý chặt chẽ từ Mỹ.

Về dài hạn, lợi ích lớn nhất từ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, từ đó có thể giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai và giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn tại thị trường này.

Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, đặc biệt đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, máy tính và sản phẩm điện tử, may mặc, giày dép, thủy sản, gỗ & sản phẩm gỗ.

Trong năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu là 97 tỉ USD, đóng góp 27% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản sang Mỹ đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54% và 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành trong năm 2023.

Bài liên quan
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam còn nhiều bất cập
Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam còn khoảng cách xa với chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
2 phút trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, hai bên cùng có lợi